Doanh nghiệp tiếp tục thực hiện DR để chia sẻ với ngành điện và cộng đồng xã hội trong mùa nắng nóng 2022

Thứ sáu, 8/4/2022 | 09:36 GMT+7
Tại Hội nghị khách hàng năm 2022 được tổ chức sáng nay, 8/4/2022 tại Hà Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC)  đã chia sẻ về tình hình cung ứng điện năm 2022 trên địa bàn miền Bắc và kêu gọi khách hàng, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện điều chỉnh phụ tải (DR) để chia sẻ với ngành và cộng đồng xã hội trong mùa nắng nóng 2022. 

 
Hội nghị cũng là dịp để EVNNPC tri ân các doanh nghiệp đã có những hỗ trợ tích cực nhất trong thực hiện chương trình DR trong những năm qua.
 
Với sự tham gia của hơn 2.000 doanh nghiệp, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở ngành 27 tỉnh miền Bắc và truyền hình trực tuyến đến trụ sở các Công ty Điện lực/thành thuộc EVNNPC, Hội nghị đã đưa ra những thông điệp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nhằm đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Khách hàng chia sẻ ủng hộ khi tham gia DR
 
Hoạt động với phương châm “Điện đi trước một bước” và xác định mục tiêu “Khách hàng là trung tâm”, trong những năm qua, EVNNPC đã không ngừng nỗ lực hoàn hiện hạ tầng hệ thống điện, đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật để quản lý; đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục với chất lượng ngày càng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân tại 27 tỉnh, thành phố miền Bắc. 
 
Với những cơ chế, chính sách của Nhà nước là luôn tạo điều kiện để thu hút đầu tư thuận lợi, nhiều địa phương ở miền Bắc đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, nhu cầu sử dụng điện tăng nóng với mức tăng trưởng bình quân miền Bắc liên tục trong nhiều năm gần đây đều trên 10%/năm, thậm chí có địa phương tăng từ 15-20%. Tổng công ty Điện lực miền Bắc là đơn vị có tăng trưởng và sản lượng điện thương phẩm cao nhất trong 5 Tổng phân phối của EVN. Kết thúc năm 2021, điện thương phẩm của EVNNPC đạt 81,83 tỷ kWh. 
 
Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh tại 27 tỉnh miền Bắc, EVNNPC còn là đơn vị tiên phong thực hiện hiệu quả các chương trình về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) theo đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra, cần tới sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi lẽ việc sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp và toàn xã hội.
 
Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết: Nếu như năm 2019, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện với EVNNPC mới có 2.440 khách hàng (chiếm tỷ lệ 84%), thì đến năm 2020, chương trình DR của EVNNPC đã thu hút 3.303 khách hàng tham gia (đạt tỷ lệ 95,4%) và năm 2021 vừa qua đã có 3.225 khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải tự nguyện tại 27 tỉnh miền Bắc với tổng tiềm năng tiết giảm khoảng 1.000 MW điện. Các khách hàng tham gia chương trình DR tự nguyện đã dịch chuyển thời gian sản xuất đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và công suất hoạt động của máy móc nhưng vẫn tiết kiệm được một sản lượng điện nhất định, đảm bảo chia sẻ cùng ngành điện trong những thời điểm thời tiết thiên tai nắng nóng cực đoan có khó khăn về nguồn cung ứng điện buộc phải tiết giảm để đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện Quốc gia.  
 
Chia sẻ về kinh nghiệm điều hành sản xuất trong mùa nắng nóng tại hội nghị, ông Đào Trung Kiên – Giám đốc Công ty cổ phần Prime Vĩnh Phúc cho biết: Prime là doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ốp lát và sản xuất các nguyên liệu cung cấp cho các công ty sản xuất gạch ốp lát nên nhiều năm qua, Công ty là khách hàng lớn của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc với sản lượng điện tiêu thụ trên 34,5 triệu kWh/năm 2021. Từ sau khi tham gia vào chương trình điều chỉnh phụ tải điện, hàng năm Công ty Prime đều xây dựng kế hoạch điều hành sản xuất trong mùa nắng nóng như: Xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện; Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như: các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm (11h30 đến 15h30) và từ (20h-23h); hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải. Đồng thời xây dựng phương án tự cắt, giảm phụ tải ở các dây chuyền sản xuất khi hệ thống điện bị quá tải, sự cố gây mất điện hoặc thiếu nguồn, đảm bảo không bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của Công ty trong thời gian tiết giảm phụ tải; Phân công cho trưởng các tổ sản xuất chịu trách nhiệm giám sát, điều hành trong việc tiết giảm phụ tải ở các dây chuyền sản xuất. Đối với khối văn phòng làm việc, Công ty quán triệt đến toàn thể CBCNV sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm; Thực hiện tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị; Không để thiết bị điện như máy tính, máy in, máy photocopy… ở trạng thái đóng điện chờ; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, hạn chế bớt số lượng đèn chiếu sáng chung ở hành lang vào buổi tối. Ngoài ra, Công ty chuẩn bị các nguồn dự phòng để tự cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất của trong trường hợp hệ thống điện quốc gia bị sự cố gây mất điện. 
 
Còn với Công ty TNHH thép Hòa Phát Hưng Yên có trụ sở tại KCN Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên đang là một khách hàng sử dụng điện của Điện lực Mỹ Hào - Công ty Điện lực Hưng Yên, đại diện Công ty, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Nhà máy luyện cán thép cho biết: Giai đoạn 2019-2020, Thép Hòa Phát Hưng Yên đã phối hợp với Công ty Điện lực Hưng Yên thực hiện 05 sự kiện DR có kế hoạch với mức tiết giảm công suất lớn nhất là 25 MW, đặc biệt trong năm 2021 đã thực hiện sa thải một số phụ tải trong những thời điểm cao điểm mùa hè khi lưới điện thiếu nguồn. Để phối hợp thực hiện tốt các sự kiện DR, Công ty đã phân loại nhà máy ra 05 bộ phận sản xuất, đánh giá các mức độ thiệt hại khi các bộ phận này phải ngừng sản xuất đột xuất. Từ đó, phối hợp với Công ty Điện lực Hưng Yên xây dựng quy trình phối hợp vận hành giữa 02 đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện và sản xuất ổn định trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải khi xảy ra thiếu nguồn, đặc biệt là khi thực hiện các sự kiện DR có kế hoạch và tiết giảm khẩn cấp. Ông Tuấn kiến nghị, chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại chưa có cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia về mặt tài chính. Do vậy, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính thiết thực hơn khi doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh phụ tải nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, chia sẻ nguồn điện cho các phụ tải sinh hoạt.
 
Chia sẻ về việc thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, bà Phạm Thị Thúy Nhuận – Tổng Giám đốc thông tin: Trong những năm vừa qua Công ty đã nhiều lần tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải khi được đơn vị điện lực thông báo. Có những thời điểm Công ty đã tham gia điều chỉnh tiết giảm đến 6,5 MW. Để thực hiện có hiệu quả chương trình tiết kiệm điện và DR, Công ty cho bộ phận kỹ thuật điện làm đầu mối, phối hợp với phòng kế hoạch sản xuất, văn phòng Công ty để trao đổi, cập nhật thông tin trực tiếp từ phía Điện lực. Khi Điện lực thông báo về thời gian có thể điều chỉnh phụ tải, căn cứ tiến độ giao hàng, Công ty lập tức xây dựng kế hoạch đối với bộ phận sản xuất, bố trí lao động làm việc tăng hoặc giảm ca vào khung giờ thích hợp. Ví dụ, chỉ tiết giảm 1 phần công suất, Công ty bố trí cho những dây chuyền quan trọng sản xuất, các bộ phận còn lại làm các việc khác. Nếu tiết giảm toàn bộ công suất cả nhà máy, sẽ bố trí công nhân nghỉ hoặc tham gia lao động dọn dẹp vệ sinh khu làm việc, làm sạch máy móc thiết bị hoặc bố trí bảo dưỡng dây chuyền máy móc trong thời gian mất điện. 
 
Các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện DR để chia sẻ với ngành và cộng đồng xã hội
 

 
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp thông tin về tình hình cung ứng điện năm 2022 và các giải pháp tiết kiệm điện.
 
Theo đó, sản lượng điện thương phẩm năm 2022 của EVN dự kiến đạt 242,35 tỷ kWh, tăng hơn 5,9 lần so với năm 2003. Năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tăng trưởng trung bình 3%/năm thấp hơn so với trung bình năm. Công suất đặt đầu năm 2022: 77.811 MW (tăng 8,7 lần so với năm 2002 và 2,9 lần so với năm 2012). EVN chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản sản lượng điện tăng 12,4% tương đương 286,1 tỷ kWh. Về cơ bản năm 2022, hệ thống điện Quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện, tuy nhiên, tại khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng cực đoan (nền nhiệt độ cao hơn 36 độ C kéo dài trong các tháng 5-6). Giai đoạn năm 2022-2025 sẽ chỉ thiếu công suất đỉnh ở miền Bắc, công suất thiếu lớn nhất 2.296 MW. Qua tính toán cân đối cho thấy, khu vực miền Bắc năm 2022 sẽ thiếu khoảng 1.592 ÷ 2.400 MW trong một số giờ cao điểm trong điều kiện thời tiết cực đoan. 
 
EVN đã có các giải pháp để đảm bảo điện, đó là tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ khu vực miền Bắc để đảm bảo cấp điện mùa khô năm 2022; Huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc; Dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ; Phối hợp Bộ NN&PTNT, các địa phương trong việc cấp nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ để nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước; Tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết các nhà máy điện để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy; Đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện; Bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, trong đó không thực hiện sửa chữa các Nhà máy điện khu vực phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 năm 2022 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.
 
Và các giải pháp bổ sung nguồn điện như: Nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ điện - BESS tại khu vực miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh; Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc; Các doanh nghiệp có máy phát diesel hỗ trợ; Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
 
Năm 2022, với thực tế đại dịch được kiểm soát, các hoạt động đã trở lại bình thường, một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng phụ tải đỉnh lớn trong năm 2022 được dự báo là Vĩnh Phúc (16,6%), Phú Thọ (19,3%), Nghệ An (16,2%), Hưng Yên (15,9%), Thái Nguyên (13,5%). Có thể khẳng định, về cơ bản, hệ thống điện quốc gia vẫn đảm bảo cấp điện cho phụ tải miền Bắc trong năm 2022, tuy nhiên, vào mùa hè sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng khiến phụ tải sẽ có những thời điểm tăng cao đột biến. Dự báo phụ tải đỉnh hè năm 2022 sẽ tăng 12 - 15%, có thể đạt 16.500 - 16.950 MW, tức là thêm 2.000 MW so với mùa nắng nóng năm 2022, tuy nhiên, ở phía nguồn cung thì sự bổ sung nguồn điện mới lại chưa nhiều. So với năm 2021, miền Bắc chỉ có thêm khoảng 1.000 MW nguồn điện mới trong năm 2022.
 
Đáng nói là, dù năm 2022 có 47 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với công suất tăng thêm dự kiến đạt 759,1 MW, nhưng qua các hợp đồng đã ký kết, thì đến hết tháng 4/2022, chỉ có gần 60 MW được đưa vào vận hành, số còn lại đi vào vận hành từ tháng 8 đến tháng 12/2022. Điều này đồng nghĩa với việc mùa nắng nóng chỉ được bổ sung rất ít từ nguồn cung mới. Bên cạnh đó, năng lực truyền tải của đường dây 500 kV từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc vẫn không có gì thay đổi so với năm 2021. Ngoài ra, nhập khẩu điện từ Trung Quốc cũng bị hạn chế. EVNNPC dự báo trong các ngày nắng nóng cực đoan, miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm buổi trưa (12h00 -15h00) và cao điểm tối (21h00 - 24h00). 
 
Do đó để thể cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, EVNNPC mong muốn các khách hàng triệt để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, các khách hàng lớn tích cực tham gia vào chương trình DR của Tổng công ty.   
 
Có thể khẳng định bên cạnh những cố gắng, nỗ lực của EVNNPC trong việc đảm bảo quản lý vận hành an toàn ổn định, kinh doanh bán điện với chất lượng dịch vụ ngày càng cải thiện đến hơn 11 triệu khách hàng, nếu không có sự thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành nhiệt tình của các doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố bất khả kháng thì EVNNPC khó có thể phát triển bền vững. Tổng công ty bày sự cảm ơn chân thành và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc, thấu hiểu, chia sẻ nhiều hơn nữa của Quý khách hàng. 
 
*Trong khuôn khổ Chương trình, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong phong trào Tiết kiệm điện và DR năm 2021.

Ông Nguyễn Anh Chức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, Tỉnh luôn nhận thức rõ và chia sẻ khó khăn, áp lực với ngành điện trong đầu tư nguồn và hệ thống lưới điện truyền tải, nhất là trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước ngày càng cạn kiệt, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề,…Với trách nhiệm của địa phương, trong thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã và đang tích cực triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Bộ Công thương về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Là một trong các địa phương đang tập trung  phát triển công nghiệp, nhu cầu sử dụng điện hiện tại và đáp ứng các phụ tải thời gian tới là cao, để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giảm áp lực cho công suất phụ tải đỉnh giờ cao điểm, chính quyền tỉnh Hà Nam mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chung tay cùng ngành điện để có kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Tỉnh cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ  cùng các doanh nghiệp  thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và chương trình điều chỉnh phụ tải nói riêng. 
 
Ông Trịnh Quốc Vũ – Vụ Phó Vụ tiết kiệm năng lượng – Bộ Công thương: Hội nghị đồng hành cùng khách hàng sử dụng điện ngày hôm nay là dịp để Bộ Công Thương đồng hành cùng các địa phương, các cơ quan, đơn vị và các khách hành sử dụng điện cùng nhau xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp triển khai thực hiện các giải pháp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm trong thời gian tới nhằm đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong thời gian tới. Hội nghị cũng là cơ hội để các địa phương, cơ quan, đơn vị chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến cũng như những khó khăn vướng mắc trong việc thực thi chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để cùng nhau thực hiện thắng lợi Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
 
Trần Phương