Tin trong nước

Đốc thúc tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng

Thứ ba, 22/11/2022 | 09:10 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đặng Hoàng An vừa có buổi kiểm tra công trường và làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh Gia Lai về tiến độ Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra công trường Dự án NMTĐ Ialy mở rộng.
 
Tham dự buổi làm việc còn có ông Giorgio Aliberti - Đại sứ EU tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ông Hervé Conan - Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD), ông Hồ Phước Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc EVN, lãnh đạo Ban QLDA Điện 2, Công ty Thủy điện Ialy.
 
Tiến độ đảm bảo, môi trường, sức khỏe, an toàn được chú trọng
 
Ông Nguyễn Đức Minh – Phó Giám đốc Ban QLDA Điện 2 (EVNPMB 2) cho biết: Đến nay, công tác thu xếp vốn, giải ngân của dự án đáp ứng yêu cầu. Trong đó vốn của chủ đầu tư tự thu xếp (khoảng 30%) và vốn vay thương mại không bảo lãnh Chính phủ (khoảng 70%). EVN và AFD đã ký Thỏa ước tín dụng khoản vay nước ngoài ngày 29/6/2021 với giá trị 74,7 triệu EURO (tương đương khoảng 1.900 tỷ đồng). Đối với khoản vay trong nước, đang hoàn tất việc thẩm định, phê duyệt khoản vay để triển khai các thủ tục ký hợp đồng tín dụng có giá trị 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, hợp đồng tín dụng sẽ được ký kết trong quý I/2023. Giá trị đã giải ngân lũy kế của công trình đến nay là 966,7 tỷ đồng, trong đó giải ngân phần vốn của AFD là 165,1 tỷ đồng.
 
Về tiến độ thi công đến nay đang bám sát mục tiêu tiến độ đề ra, hiện đang tập trung thi công toàn bộ các hạng mục công trình chính (trong đó gói thầu xây lắp chính số 37 đến nay thực hiện: Đào đất đá hở đạt 66,1%; đắp đất đá đạt 34,1%; đào đá ngầm đạt 81,2%; bê tông hở đạt 25,8%; bê tông ngầm đạt 2,3%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đặng Hoàng An và phái đoàn Liên minh châu Âu nghe báo cáo tiến độ dự án.
 
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine làm cho giá cả vật liệu tăng cao so với thời điểm dự thầu (xăng dầu tăng gần 100%, thép tăng 30%,...), tuy nhiên liên danh các nhà thầu đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác điều hành, thi công trên công trường, nhiều hạng mục đã vượt tiến độ so với tiến độ thi công được duyệt từ 1-3 tháng.
 
Tư vấn giám sát đã thực hiện nhiệm vụ giám sát chất lượng thi công xây dựng công trình đảm bảo theo quy định; Kỹ sư trực ca thực hiện kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng và xác nhận trong nhật ký thi công của nhà thầu đầy đủ theo quy định của nhà nước và EVN. 
 
Bên cạnh đó, EVNPMB 2 còn thực hiện việc giám sát, đôn đốc thi công thông qua hệ thống camera giám sát và kiểm soát an ninh của nhà thầu đã lắp đặt tại công trường. Trong đó, nhà thầu đã thực hiện lắp đặt 15/15 camera giám sát thi công tại các hạng mục nhà máy, kênh xả, các cửa hầm, bãi lắp ráp. Các hình ảnh thu được được truyền về màn hình giám sát của Ban điều hành dự án, điện thoại của cán bộ các bên liên quan. 
 
Công tác quản lý môi trường, xã hội, sức khỏe và an toàn (ESHS) được công trường đặc biệt quan tâm. Công trường đã thành lập Tổ ESHS gồm 22 thành viên. Đơn vị tư vấn giám sát HSE là Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn đã cử 01 kỹ sư thường xuyên trực tiếp tại công trường, thực hiện công tác kiểm tra giám sát, tư vấn hướng dẫn nhà thầu tuân thủ thực hiện các công việc theo yêu cầu HSE, tập huấn kiến thức về HSE cho lãnh đạo và nhân viên trên công trường.
 
Nguy cơ chậm tiến độ vì vướng 1,02 ha đất rừng 

Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi làm việc.
 
Ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Việc thi công dự án vẫn bám sát tiến độ, mục tiêu đặt ra nhưng “nút thắt” lớn nhất hiện nay là vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với 1,02 ha tại tỉnh Gia Lai. 
 
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, song tỉnh Gia Lai vẫn có ý kiến "chưa đủ cơ sở thực hiện do Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia 2021 - 2030 chưa được Thủ tướng phê duyệt".
 
Việc chậm bàn giao đất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển khai thi công mở rộng kênh xả, điều này ảnh hưởng đến tiến độ chống lũ năm 2023. Ngoài ra, nếu không đáp ứng được tiến độ sẽ ảnh hưởng đến thủ tục thế chấp tài sản vay vốn, không ký hợp đồng tín dụng thương mại, điều đó dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ dự án.
 
Trực tiếp đi khảo sát công trường thi công và lắng nghe những phản ánh của chủ đầu tư, Đại sứ châu Âu tại Việt Nam - ông Giorgio Alibert bày tỏ sốt ruột và cho rằng để đạt kế hoạch cần phải có "thiện chí và quyết tâm" của lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Đại sứ EU đề nghị các bên liên quan cần có lộ trình để dự án không rơi vào tình trạng phải chờ đợi khiến cho việc triển khai kéo dài.
 

Phó Tổng giám đốc EVN – ông Phạm Hồng Phương báo cáo tại buổi làm việc.
 
Trực tiếp tham gia đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cần có ý kiến để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc nhằm triển khai hạng mục. Theo đó, các bên liên quan cần rà soát các thủ tục, báo cáo các cấp để sớm tháo gỡ, chứ không đặt vấn đề "lùi tiến độ dự án", bởi nếu lùi dự án sẽ ảnh hưởng lớn.
 
“Nếu một năm trượt tiến độ, hệ thống điện sẽ mất đi hơn 233 triệu kWh điện, mất đi doanh thu 233 tỉ đồng, ngân sách tỉnh Gia Lai mất đi vài chục tỉ tiền thuế. Ngoài ra, triển khai dự án còn phải thực hiện nghiêm các quy định nhà tài trợ, quy định pháp luật về an toàn, sức khỏe môi trường. Dù công trường đang làm tốt nhưng không được phép chủ quan, phải làm kỹ lưỡng, đảm bảo tiến độ đúng như dự kiến, sớm hơn càng tốt”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
 
Trước các kiến nghị trên của các bên, ông Hồ Phước Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết về khó khăn, vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp EVN giải quyết, vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó.
 
"Việc chậm chuyển mục đích sử dụng đất rừng làm ảnh hưởng lớn đến công tác thi công kênh dẫn dòng nhà máy và tuyến đường dây 500kV đấu nối, từ đó ảnh hưởng đến vấn đề chống lũ năm 2023 là không thể được, tỉnh sẽ chỉ đạo để sớm tháo gỡ vướng mắc này”, ông Hồ Phước Thành nhấn mạnh.
Lã Linh