Phối cảnh thiết kế các trụ tuabin tại trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh.
Từ đề xuất số 1931/BCT-ĐL ngày 19/3/2020 của Bộ Công thương về việc xem xét quy hoạch các dự án điện gió, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Văn bản số 693/TTg-CN gửi Bộ Công thương về việc bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực.
Theo đó, Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch điện gió như đề nghị của Bộ Công thương tại các văn bản nêu trên. Trong số 250 dự án được Bộ Công thương đề xuất lần này, tỉnh Hà Tĩnh có duy nhất một dự án điện gió được cho chủ trương bổ sung quy hoạch, đó là Trang trại phong điện HBRE.
Theo Bộ Công thương, Bộ đề xuất dựa trên đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, ngày 5/4/2019, Ban thường vụ tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có văn bản số 848-TB/TU đồng ý chủ trương cấp có thẩm quyền bổ sung dự án trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII điều chỉnh) và trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Đại diện nhà đầu tư trang trại Phong điện HBRE Hà Tĩnh cho biết, dự án được khảo sát đầu tư xây dựng tại thị xã Kỳ Anh có tổng công suất 120MW, sản lượng điện dự kiến phát lên lưới 356.368MWh/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 4.258 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn 30% của doanh nghiệp, 70% chủ đầu tư huy động từ nguồn vay tín dụng các ngân hàng và các nguồn vốn hợp pháp khác. Theo kế hoạch, dự án trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh sẽ được xây dựng và đưa vào vận hành cuối năm 2021.
Ngoài dự án ở Hà Tĩnh, HBRE đã và đang triển khai đầu tư các dự án điện gió tại Đắk Lắk (30MW) - đã phát điện, dự án tại Gia Lai (tổng công suất 100MW) - đang xây dựng, dự án tại Phú Yên (200MW) - khởi công vào quý III/2020, dự án ngoài khơi Vũng Tàu (500MW) - đang trình bổ sung quy hoạch.
Theo Bộ Công thương, đến nay, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực trên cả nước là khoảng 4.800 MW, dự kiến vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2021, chủ yếu ở Khu vực Tây Nam bộ và Nam Trung bộ. Tuy nhiên, trong số 4.800 MW đã bổ sung quy hoạch, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 dự án điện gió đã đi vào vận hành với quy mô công suất là 350MW.
Tính đến 15/3/2020, ngoài các dự án đã được bổ sung quy hoạch, Bộ Công thương nhận được các đề xuất của Ủy ban nhân dân các tỉnh tổng cộng gần 250 dự án điện gió với công suất khoảng 45.000 MW. Trong đó, Khu vực Bắc Trung bộ (các tỉnh có đề nghị bổ sung điện gió Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị): tổng số các dự án do UBND tỉnh đề nghị bổ sung quy hoạch là 51 dự án, tổng công suất 2.919 MW.
Khu vực duyên hải Nam Trung bộ (các tỉnh có đề nghị bổ sung điện gió là Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận) với tổng số dự án đề xuất là 10 dự án, tổng công suất 4.193 MW (trừ dự án ngoài khơi Thăng Long Wind (Kê Gà) thì còn 793 MW). Dự án Thăng Long Wind được dự kiến đầu tư ngoài khơi, nhà đầu tư đề xuất công suất 3.400 MW, đưa vận hành 2022-2027 được tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung quy hoạch nhưng theo Bộ Công thương thì dự án chưa đưa vào cân đối do chỉ xem xét các nguồn điện gió đưa vào vận hành trước tháng 11/2021.
Trong khi đó, Khu vực Tây Nguyên (các tỉnh có đề nghị bổ sung điện gió là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng): tổng số các dự án do UBND các tỉnh đề nghị bổ sung quy hoạch là 91 dự án, tổng công suất 11.733,8 MW. Khu vực Đông Nam Bộ (tỉnh có đề xuất là Bà Rịa-Vũng Tàu) đề xuất 2 dự án, công suất 602,6MW; Khu vực Tây Nam Bộ (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau): Tổng số các dự án đề xuất là 94, tổng công suất 25.541 MW.
Link gốc