Tin tức Quy hoạch điện

Quảng Trị còn hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời chờ bổ sung vào Quy hoạch

Thứ hai, 24/2/2020 | 16:41 GMT+7

UBND tỉnh Quảng Trị vừa đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời mà địa phương đã trình Bộ, để nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo.


Chỉ riêng tại tỉnh Quảng Trị, hiện có 50 Dự án điện gió với tổng quy mô CS 2.522,15 MW và 13 Dự án điện mặt trời (894,95 MWp) chờ bổ sung vào Quy hoạch.
Tại tỉnh Quảng Trị, hiện có 50 dự án điện gió với tổng quy mô CS 2.522,15 MW và 13 dự án điện mặt trời (894,95 MWp) chờ bổ sung vào Quy hoạch.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, hiện địa phương này vẫn còn hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời vẫn đang chờ được bổ sung vào Quy hoạch.

Về tình hình quy hoạch các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, địa phương này hiện có 3 dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất là 149,5 MWp, gồm: Dự án điện mặt trời LIG - Quảng Trị, công suất 49,5 MWp (đã đưa vào vận hành thương mại kể từ ngày 22 tháng 5 năm 2019); Dự án Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1, Gio Thành 2, mỗi dự án có công suất 50 MWp (hiện đang thực hiện triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình).

Quảng Trị cũng có 17 dự án điện gió đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 608 MW, bao gồm: Dự án điện gió Hướng Linh 1, 2 (mỗi dự án có công suất 30 MW); Hướng Phùng 1, công suất 30 MW; Hướng Phùng 2, công suất 20 MW; Hướng Linh 3, công suất 30 MW; Hướng Hiệp 1, công suất 30 MW; Hướng Tân, Liên Lập, Tân Linh (mỗi dự án có công suất 48 MW); Phong Liệu, Phong Huy và Phong Nguyên (mỗi dự án có quy mô công suất 48 MW); Hướng Linh 4, công suất 30 MW; Hướng Phùng 3, công suất 30 MW; Gelex 1, 2, 3 (mỗi dự án có công suất 30 MW).

Trong đó, có dự án Hướng Linh 2 đã vào vận hành thương mại ngày 09 tháng 01 năm 2017 và Dự án Hướng Linh 1 đã vận hành thương mại ngày 06 tháng 11 năm 2019. 

Ngoài các dự án kể trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã trình bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực 50 dự án điện gió với tổng quy mô công suất là 2.522,15 MW và trình bổ sung 13 dự án điện mặt trời với tổng công suất 894,95 MWp.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời mà địa phương đã trình, để nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo.

Đối với Trạm biến áp 500kV Quảng Trị (Hải Lăng) hiện đang được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia triển khai đầu tư, địa phương này đề nghị Bộ Công Thương, EVN quan tâm có giải pháp thiết kế Trạm biến áp phù hợp với việc vừa giải tỏa công suất các Nhà máy nhiệt điện vừa giải tỏa hết công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Ngoài ra, để khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng năng lượng điện gió các khu vực miền Tây Quảng Trị, giúp Quảng Trị phát triển, Đại diện Lãnh đạo Tỉnh cũng đề nghị trong Tổng sơ đồ điện VIII giai đoạn từ năm 2021-2025, Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch và đầu tư Dự án đường dây và TBA500kV Quảng Trị - Hướng Hóa.

Quảng Trị đang có những điều kiện rất tốt để phát huy trở thành trung tâm năng lượng sạch và tái tạo tại khu vực với những nguồn năng như điện gió, điện mặt trời, năng lượng khí, nhiệt điện khí… Dự kiến trong thời gian tới, công suất phát của các dự án đã đầu tư và phê duyệt tại đây đã lên đến gần 10.000 MW.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Quảng Trị đang có những điều kiện rất tốt để phát huy trở thành trung tâm năng lượng sạch và tái tạo tại khu vực với những nguồn năng như điện gió, điện mặt trời, năng lượng khí, nhiệt điện khí…

“Quan điểm của Bộ Công Thương là ủng hộ Quảng Trị thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực miền Trung”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Được biết, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4965/QĐ-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2018 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035, trong đó những nội dung về dự báo nhu cầu điện; quy hoạch phát triển lưới điện 220 kV, 110 kV, lưới điện trung áp các giai đoạn cụ thể.

Mới đây, Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Bộ Chính trị ban hành. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh việc tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện...

Nghị quyết đặt mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia ổn định, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng. Đến năm 2030 sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh, năng lượng tái tạo chiếm 20% công suất toàn hệ thống điện và tăng lên 30% vào năm 2045. Tiết kiệm năng lượng tăng tương ứng 7% lên 14%.

Link gốc
Theo: Báo Đầu tư