Ảnh minh họa
Lâm Đồng hiện có hơn 49.000 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại; trong đó phần lớn diện tích trồng hoa, rau, cây đặc sản đều ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ tưới tự động, rau thủy canh, trồng trên giá thể, đồng bộ hệ thống tưới, phân bón… Bước đột phá của nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt không thể bỏ qua sự phối hợp nhịp nhàng của ngành điện địa phương.
Lâm Đồng hiện có 759 trang trại, 2 liên hiệp hợp tác xã và 110 hợp tác xã nông nghiệp. Hàng loạt thương hiệu nông sản Đà Lạt và Lâm Đồng được hình thành và ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường như: rau, hoa Đà Lạt; cà phê Cầu Đất; cà phê Di Linh; trà B’Lao - Bảo Lộc... Do đó, tỉnh xác định tập trung mọi nguồn lực để phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao; trong đó đặc biệt chú ý đến vai trò chủ lực của ngành điện.
Dalat Hasfarm là công ty tiên phong trong đầu tư trồng hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Đến nay, công ty đã mở rộng quy mô trang trại lên 300 ha. Trong đó, 70 ha nhà kính trồng hoa có hệ thống điều khiển ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tự động hóa khâu bón phân, tưới nước… Việc vận hành hệ thống hiện đại của công ty đòi hỏi tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn nhưng những năm qua, Điện lực TP.Đà Lạt (Công ty Điện lực Lâm Đồng) luôn cung cấp nguồn điện chất lượng, giúp công ty vận hành ổn định.
Áp lực từ việc cung cấp điện cho các hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là thách thức lớn đối với ngành điện. Hiện một phần không nhỏ điện năng tiêu thụ ở TP.Đà Lạt được dùng vào việc chiếu sáng cho hoa. Chẳng hạn như với hoa cúc, để cây đạt chiều cao, hoa to và đẹp, nông dân thường chiếu sáng bổ sung bằng cách thắp điện. Hiện Đà Lạt đã có khoảng 2.500 ha trồng hoa cúc các loại, hằng năm sử dụng đèn compact 20 W để chong với tỷ lệ 1.000 bóng/ha, với thời gian thắp sáng 8 giờ/đêm. Tính ra mỗi vụ sản xuất (90 ngày), tổng chi phí tiền điện nông dân phải trả lên đến 24 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Cường, Giám đốc Điện lực TP.Đà Lạt, cho biết.“Để giảm bớt lượng phụ tải, nhiều phương án tiết kiệm điện đã được đưa ra, mới nhất là đề án sử dụng đèn led thay thế đèn compact do Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa đề xuất”.
Không riêng trồng hoa, nhiều hộ trồng rau cũng mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Có thể kể đến ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ trang trại rau Kiêm Hùng, 4 đời gắn bó với nghề trồng rau truyền thống. Khoảng 2 năm nay, ông Hùng chuyển sang trồng rau thủy canh và trên giá thể. Hiện ông có 10 ha trồng xà lách thủy canh và cây giá thể áp dụng hệ thống máy hồi lưu. Toàn bộ phân thuốc được phối trộn và dẫn trực tiếp đến cây thông qua hệ thống tưới thủy canh. Lượng nước tưới sẽ được tái sử dụng khi đi vào hệ thống lọc. Cứ 1 ha đất sẽ có 1 máy bơm điện với công suất 6 kW/giờ.
Ông Tăng Thành Đức, một Việt kiều Canada có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng nấm mỡ, đã quyết định trở về nước và chọn xã N’thôn Hạ (H.Đức Trọng) để xây dựng trang trại trồng nấm mỡ hữu cơ. Nấm mỡ của ông Đức là loại nấm sạch vì được trồng hoàn toàn từ rơm, cám bắp và phân gà đã qua xử lý. Do đó, kỹ thuật trồng và bảo quản được ông áp dụng hết sức bài bản. Đặc biệt, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ được vận hành hoàn toàn tự động. Do đó, trang trại rộng gần 3.000 m2 hiện chỉ có ông Đức và 8 nhân công phụ việc. “Dây chuyền trồng nấm triệu đô của tôi mỗi tháng có thể đạt sản lượng 15 tấn, giá bán tại trại hơn 100.000 đồng/kg. Bên cạnh các yếu tố như khí hậu, con người… thì việc cung cấp nguồn điện ổn định đã giúp việc sản xuất của tôi thêm thuận lợi”, ông Đức chia sẻ.