Cán bộ, công nhân ngành Điện lực Hà Tĩnh miệt mài ngày đêm bám trụ cơ sở để khắc phục đường điện.
Vừa hì hục kéo căng đường dây điện, anh Võ Công Lý, Đội phó Đội sản xuất số 1, Điện lực Kỳ Anh (Công ty Điện lực Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thời tiết nắng ráo thuận lợi để xử lý sự cố như thế này là may rồi”. Còn anh Trần Dũng Chinh, kỹ thuật viên an toàn chuyên trách của Điện lực Kỳ Anh cho biết, vì nhiệm vụ chung nên sau bão đành phải để vợ con tự xử lý mái nhà, chưa được ăn một bữa cơm ở nhà. “Không phải riêng tôi mà gần như nhà của tất cả anh em Điện lực Kỳ Anh cũng đều bị thiệt hại do bão số 10.
Tuy nhiên, lúc này phải ưu tiên việc công, tập trung khắc phục sự cố để nhân dân có điện trong thời gian sớm nhất”, anh Chinh cho biết.
Trưa qua 21.9, trời nắng như đổ lửa nhưng những nhóm công nhân của Điện lực Kỳ Anh vẫn miệt mài kéo những cột điện nghiêng đổ tại khu vực xã miền núi Thượng. Anh Trần Văn Cường, Tổ trưởng cho biết: “Vì nhu cầu cấp thiết cho việc cấp điện trở lại cho khu vực trung tâm nên anh em tranh thủ làm hết khả năng có thể”.
Các nhân viên điện lực tham gia khắc phục điện lưới ở đây cho biết, đã gần một tuần nay, các cán bộ và nhân viên ngành Điện đều phải làm việc rất cật lực, cả ngày lẫn đêm để sớm có điện trở lại cho dân. Sáng sớm gói theo cơm hộp để ăn tại hiện trường, 11 giờ đêm mới về lại cơ quan ăn cơm kết thúc ngày làm việc... Vừa lau mồ hôi trên khuôn mặt phờ phạc vì làm việc mệt mỏi, vừa mở hộp cơm gói để ăn buổi trưa, anh Nguyễn Văn Nhật, một cán bộ điện lực Kỳ Anh tươi cười: “Thấy ánh điện dần sáng từ nhà dân sau mưa bão là anh em vui rồi”.
Ông Nguyễn Phúc Phong, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết, mặc dù ngành Điện đã huy động tối đa nhân vật lực nhưng do cột đổ, dây đứt quá nhiều, vật tư cấp không kịp, điều kiện địa hình thi công khó khăn, mặt bằng một số nơi vướng mắc nên tiến độ khắc phục chậm so với yêu cầu…
Tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh là nơi thiệt hại nặng nề nhất, ông Trần Xuân Thông, Giám đốc Điện lực Kỳ Anh cho biết: Đơn vị đã huy động toàn bộ 60 cán bộ, công nhân viên và công nhân hợp đồng, ngoài ra, còn có hàng trăm cán bộ, công nhân viên văn phòng điện lực và các chi nhánh cùng 14 nhà thầu được huy động để khắc phục hậu quả. “Chúng tôi đã tập trung xử lý cột đổ trên đường, cây cối đổ đè lên hành lang và xử lý các vấn đề liên quan để cấp điện trở lại. Tuy nhiên do thiệt hại quá nặng nề nên đến nay mới chỉ xử lý được đường dây trung thế, còn hạ thế hầu như mới chỉ dừng lại ở mức khảo sát và dọn dẹp cây cối.
Đến nay, còn nhiều xã ở các địa phương vùng núi hầu như chưa thể khắc phục xong. Thời gian tới, cùng với sự tăng cường lực lượng từ các nhà thầu, chi nhánh sẽ triển khai đồng loạt từ đầu nguồn đến các nhánh rẽ và sau đó là hạ thế, các trạm biến áp nhỏ, đến tận khách hàng”.
Ông Bùi Quang Quân, Giám đốc Điện lực Cẩm Xuyên cho biết: “Chúng tôi đã huy động 100 cán bộ công ty, ngoài ra lực lượng nhân viên điện lực các nhà thầu nơi khác về làm cật lực cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn chưa thể khắc phục hết. Với phương pháp khắc phục từ đầu nguồn xuống, sau khi làm xong trung thế sẽ làm hạ thế để cấp điện cho khách hàng”. Là địa bàn nằm sát biển, sức gió mạnh nên huyện Lộc Hà cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, với 13/13 xã mất điện. Hệ thống điện lưới bị mất khiến nhiều kho đông lạnh với hàng trăm tấn cá của dân ướp trữ trong kho có nhiều nguy cơ bị hư hỏng. Tuy nhiên ngay khi bão tan, đơn vị đã huy động 100% lực lượng ra quân khắc phục và đến nay đã cơ bản khắc phục xong phục vụ điện cho người dân sản xuất…