Sự kiện

Dự án Thủy điện Lai Châu: Góp phần thay đổi diện mạo vùng Tây Bắc

Thứ tư, 11/11/2009 | 10:09 GMT+7

Là công trình trọng điểm quốc gia được kỳ vọng triển khai đúng tiến độ nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, đồng thời góp phần thay đổi diện mạo vùng Tây Bắc, nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủy điện Lai Châu sẽ khởi công xây dựng cuối năm 2010 và kịp thời hoàn tất vào năm 2017.



 
Địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu


Đảm bảo 3 nhiệm vụ, 5 yêu cầu

Tại Hội nghị báo cáo giám sát dự án Thủy điện Lai Châu vừa qua, UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có những ý kiến đánh giá tổng thể, khẳng định vai trò, nhiệm vụ cũng như những lưu ý về vấn đề an toàn mà công trình phải đảm bảo tuyệt đối. Là công trình trọng điểm quốc gia, Thủy điện Lai Châu phải đảm bảo được 3 nhiệm vụ, 5 yêu cầu trọng yếu. 3 nhiệm vụ là: Phát điện; góp phần chống lũ vào mùa mưa, chống hạn vào mùa khô và góp phần phát triển KT-XH của vùng Tây Bắc. 5 yêu cầu là: Bảo đảm an toàn tuỵệt đối; hiệu quả kinh tế tổng hợp cao; bảo đảm quốc phòng an ninh; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cũng đã khẳng định: Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, góp phần đánh thức tiềm năng của vùng Tây Bắc – một trong những vùng khó khăn và nghèo nhất nước.

Phát huy đầy đủ ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội của dự án, khi đi vào nhà máy Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động, có thể kết hợp phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển thương mại dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Những cơ hội về công ăn, việc làm, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng công cộng khi triển khai dự án sẽ mở ra cho người dân nghèo khó của Tây Bắc một tương lai tốt đẹp hơn…

Với vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng sông Đà, nên trong công tác nghiên cứu thiết kế, quy hoạch, thẩm định dự án đã có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan, đồng thời thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước, cơ quan tư vấn trong và ngoài nước…

Là chủ đầu tư của dự án trọng điểm này, EVN đã tiến hành một cách bài bản việc nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đầu tư của dự án; triển khai các bước sẵn sàng cho khởi công, xây dựng công trình, nhằm đảm bảo thực hiện tuyệt đối những nhiệm vụ và yêu cầu mà Quốc hội đã quy định.

Thuận lợi là cơ bản

Theo các chuyên gia, hiện dự án Thủy điện Lai Châu đang có những thuận lợi cơ bản. Trước hết là chủ trương xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã từng được Quốc hội xem xét đến khi quyết định chủ trương khai thác tiềm năng thủy điện Sông Đà gồm có 3 bậc: Bậc 1 là Thủy điện Hòa Bình (Nhà máy này thuộc EVN); bậc 2 là Thủy điện Sơn La (EVN là chủ đầu tư) và bậc 3 là Thủy điện Lai Châu.

Tiếp theo, EVN (Tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ lực trong đầu tư, sản xuất và phân phối điện năng) là chủ đầu tư dự án Thủy điện Lai Châu, nên việc triển khai dự án này sẽ dựa trên việc kế thừa rất nhiều kinh nghiệm quý giá từ lập dự án, điều tra cơ bản, điều tra địa chất, thủy văn, KT-XH; thẩm định dự án, di dân tái định cư, bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống... cho đến việc vận hành Nhà máy sau này.

Là công trình trọng điểm, song Thủy điện Lai Châu có khối lượng di dân, tái định cư không lớn. Dự kiến có khoảng 1.331 hộ/5.867 khẩu thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nằm trong phạm vi vùng lòng hồ và mặt bằng công trình. EVN đã lập chi phí đền bù, di dân tái định cư của công trình này theo cơ chế của Thủy điện Sơn La. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết: Giá đền bù sẽ cao hơn, nhưng chi phí di dân tái định cư của công trình này ước tính chưa bằng 10% chi phí di dân tái định cư dự án Thủy điện Sơn La.

Với dự kiến tổng mức đầu tư là 32,5 ngàn tỉ đồng, trong đó nguồn vốn tự có của EVN khoảng 9,9 ngàn tỉ đồng. EVN đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ cần thiết để đảm bảo huy động đủ vốn cho dự án; đồng thời EVN cũng mong muốn có được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, sự phối hợp chặt chẽ của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư… nhằm đảm bảo những tác động tích cực tổng thể của dự án, chứ không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế…

 

Một số thông tin chính về Dự án Thủy điện Lai Châu

Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Địa điểm xây dựng: Dự kiến được xây dựng tại đoạn tuyến Nậm Nhùn trên sông Đà, thuộc xã Nậm Hàng huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu

Quy mô và thông số chính của công trình:

- Tổng mức đầu tư sơ bộ: 32,5 ngàn tỉ đồng
- Tiến độ thi công: Dự kiến 9 năm (bao gồm 3 năm chuẩn bị)
- Hồ chứa thủy điện với mức nước dâng bình thường: 295m
- Mực nước chết: 270m
- Mực nước gia cường: 296,13m
- Mức nước kiểm tra: 302,7m
- Dung tích toàn bộ: 1.215.000.000 m3
- Dung tích hữu ích: 711.000.000 m3
- Công suất lắp máy: 1200 MW (04 tổ máy x 300 MW)
- Lượng điện trung bình nhiều năm: 4,7 tỉ kWh (không kể tăng thêm cho TĐ Sơn La và TĐ Hòa Bình)
- Cấp công trình: Cấp 1

Theo: Tạp chí Điện lực