Sự kiện

Ý kiến của các chuyên gia về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Thứ hai, 9/11/2009 | 08:55 GMT+7

Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận là dự án trọng điểm quốc gia với tính đặc thù rất riêng về tính chất và qui mô. Đến thời điểm hiện tại, Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận và các báo cáo chuyên ngành của dự án này đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII. Đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế, bài học về kinh nghiệm quản lý, vận hành nhà máy ĐHN, đẩy mạnh hợp tác quốc tế... nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành tổ máy đầu tiên vào năm 2020 là những vấn đề được các chuyên gia trong ngành năng lượng rất quan tâm.


Địa điểm dự kiến xây dựng NMĐ hạt nhân tại thôn Vĩnh Tường - Phước Dĩnh - Ninh Thuận

* GS, TS Trần Đình Long - Viện sĩ khoa học, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam :

Cạn kiệt nguồn năng lượng sơ cấp rõ ràng là một lý do quan trọng để phát triển ĐHN, nhưng không phải là yếu tố quyết định, vì nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ, Nga vẫn phát triển ĐHN từ nhiều thập kỷ trước, khi mà trữ lượng nguồn năng lượng sơ cấp của họ còn dồi dào.

Theo tôi, việc hình thành các nhà máy ĐHN và đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích phát triển và hòa bình sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam từng bước bắt nhịp với trình độ tiên tiến của khoa học và công nghệ trên thế giới, góp phần cân bằng an ninh năng lượng quốc gia. Công nghệ ĐHN là công nghệ cao. Phát triển công nghệ ĐHN sẽ kéo theo sự phát triển của công nghệ cao; đặc biệt, tạo điều kiện cho Việt Nam cải thiện cơ cấu nguồn điện, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chúng ta có thể học tập Nhật Bản, quốc gia này có cơ cấu năng lượng rất hợp lý với tỷ lệ 25-30% phân bố đều cho các nguồn năng lượng chính: thủy điện, nhiệt điện và điện nguyên tử. Điều này giúp Nhật Bản không bị phụ thuộc quá nhiều vào biến động giá nguyên liệu cho sản xuất điện, cũng như đảm bảo việc huy động công suất nguồn điện một cách cân bằng và hợp lý.

Về dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận, tôi cho rằng đây là dự án có tính khả thi cao. Trước tiên là Bộ Chính trị và Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Bên cạnh đó, dự án nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của chính quyền địa phương, nơi xây dựng dự án. Nhiều công ty, tổ chức nước ngoài cũng đang rất quan tâm đến dự án này. Họ sẵn sàng tham gia đầu tư vào dự án. Vấn đề quan trọng hiện nay là việc chuẩn bị nguồn nhân lực, lựa chọn công nghệ cho dự án như thế nào ?

* Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương:

Tôi cho rằng xây dựng nhà máy ĐHN là yêu cầu tất yếu. Nếu không đi con đường này, Việt Nam không thể giải quyết được vấn đề thiếu năng lượng để phát triển đất nước. Thực chất, sự quan ngại của dư luận về chi phí cho ĐHN vượt quá khả năng của một đất nước còn khó khăn như Việt Nam là không có cơ sở. Bởi qua các nghiên cứu và thực tế phát triển ĐHN ở các nước cho thấy, chi phí ĐHN chủ yếu là chi phí vốn (xây dựng), tính kinh tế được nâng cao thông qua quá trình vận hành dài hạn. Hơn nữa, chi phí nhiên liệu của ĐHN trong hàng chục năm qua khó bị tác động bởi thị trường và có thể đảm bảo cho tính ổn định của giá điện.

Hiện tại, suất đầu tư cho 1 kW ĐHN có cao hơn so với thủy điện và nhiệt điện than, song nếu xét ở thời điểm nhà máy ĐHN được đưa vào vận hành giai đoạn 2020-2025, khi Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho phát điện thì chắc chắn ĐHN sẽ có giá cạnh tranh tốt hơn so với nhiệt điện than và nhiệt điện khí. Trong những thập kỷ tiếp theo, khi ngày càng có nhiều dự án ĐHN được triển khai và đi vào vận hành thì suất đầu tư cho các dự án sẽ ngày càng rẻ hơn do tận dụng được nhiều lợi thế từ những dự án ĐHN đầu tiên.

Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của dự án còn được thể hiện thông qua việc thuận lợi trong tiếp cận được nguồn nguyên liệu urani cho sản xuất ĐHN ổn định thay vì nguồn than nhập khẩu. Mặt khác, nếu tính đến yếu tố bảo vệ môi trường thì ĐHN hoàn toàn cạnh tranh so với nhiệt điện do việc vận hành nhà máy không phát thải khí CO2.

* Ông Phan Minh Tuấn, Trưởng Ban Chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo (Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN):

Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Báo cáo đầu tư dự án làm cơ sở pháp lý cho các giai đoạn tiếp theo như lập Dự án đầu tư, xin cấp phép địa điểm, xây dựng, vận hành. Để sẵn sàng cho các bước này EVN đã tham gia với các Bộ ngành soạn thảo các văn bản pháp lý liên quan, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận thị trường cung cấp dịch vụ, công nghệ ĐHN.

Từ năm 2005, EVN đã bắt đầu gửi sinh viên tài năng đi học tại Liên bang Nga về chuyên ngành điện hạt nhân và các ngành khác liên quan, ngoài ra các sinh viên tài năng cũng được gửi đi học ở Cộng hòa Pháp học đại học và cao học để chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án. Hiện một số nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình tiến sỹ tại LB Nga, Thụy Điển. EVN đang có chủ trương thu hút nhân lực có chuyên môn ĐHN, vật lý hạt nhân, đồng thời sẽ có chương trình đào tạo chuyển nghề cho các kỹ sư nhiệt điện, hệ thống điện, kỹ thuật điện sang chuyên ngành hạt nhân. EVN cũng có kế hoạch nâng cấp năng lực đào tạo của trường Đại học Điện lực để tham gia đào tạo nhân lực ĐHN cho ngành và cho đất nước.

Trong khi hoàn tất báo cáo đầu tư, EVN đã chuẩn bị các thủ tục để có thể sớm đấu thầu lựa chọn tư vấn thực hiện dự án đầu tư. Tôi nghĩ rằng công việc này cần tiến hành sớm và thận trọng do đây là lần đầu tiên ta làm với dự án lớn và phức tạp; phải đảm bảo có được tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm, am hiểu nhằm mục tiêu đưa ra được các vấn đề mấu chốt nhất cho dự án sau này.

Bên cạnh đó, EVN đã đề xuất một số cơ chế đặc biệt để sớm triển khai các hạng mục của dự án ngay sau khi báo cáo đầu tư được duyệt. Theo đó, các dự án thành phần về di dân tái định cư, chuẩn bị mặt bằng, chuẩn bị các hạng mục hạ tầng của dự án kể cả một trung tâm thông tin tuyên truyền tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm sẽ được phép triển khai trong thời gian sớm nhất. Đề án về các biện pháp an toàn, chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân trên địa bàn sẽ được soạn thảo để thống nhất với địa phương trong quá trình xin cấp phép địa điểm.

Một vấn đề quan trọng nữa là công tác thông tin, tuyên truyền sẽ được thực hiện trên qui mô rộng hơn trong tỉnh Ninh Thuận theo yêu cầu của địa phương. Cũng như trên tầm quốc gia EVN đang trình Bộ Công Thương để thống nhất với Ban Tuyên giáo Trung ương chương trình thông tin tuyên truyền tổng hợp về ĐHN với mục tiêu đạt được sự đồng thuận của dư luận cả nước cho chương trình ĐHN quốc gia.

* TS. Hoàng Anh Tuấn, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ):

Khi nói đến công nghệ của nhà máy điện hạt nhân, người ta thường nói đến công nghệ lò nước nhẹ (LWR) và lò nước nặng (HWR). Đây là những công nghệ phổ biến, đã được kiểm chứng và thương mại hóa.

Đa số các lò phản ứng điện hạt nhân đang vận hành trên thế giới thuộc thế hệ II. Các lò phản ứng điện hạt nhân đang được xây dựng mới ở các nước bao gồm các lò thế hệ II và III. Công nghệ lò phản ứng thế hệ II ra đời vào thập niên 70; các nước xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới dựa trên công nghệ thế hệ này đã đưa vào trong thiết kế, chế tạo những đặc trưng mới hiện đại dựa trên kinh nghiệm vận hành được tích lũy trong những thập niên qua. Các loại lò thế hệ thứ III được phát triển với các tính năng an toàn thụ động, cho phép đơn giản hóa đáng kể thiết kế và vận hành của nhà máy, tuổi thọ đạt đến 60 năm. Thế hệ lò thứ IV đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, chưa được thương mại hóa. Các lò phản ứng thế hệ III đã và đang được xây dựng ở các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Phần Lan, Nga và nước khác. Tính riêng ở Hoa Kỳ, trong số gần 30 lò phản ứng điện hạt nhân trong kế hoạch xây dựng mới có đến 14 lò phản ứng loại AP1000, ngoài ra còn có các lò thế hệ thứ III khác thuộc loại lò nước nhẹ.

Trong Báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất lựa chọn theo hướng đơn công nghệ, nghĩa là sẽ sử dụng một dòng công nghệ nhất định cho các dự án điện hạt nhân. Cũng trong báo cáo này đã xem xét đến các lò phản ứng thế hệ II và III hiện có trên thế giới. Phạm vi xem xét đánh giá như thế là phù hợp với khuôn khổ của một Báo cáo đầu tư. Việc xác định công nghệ cụ thể sẽ được thực hiện trong giai đoạn sắp tới (giai đoạn dự án đầu tư), là căn cứ để chủ đầu tư xây dựng và đánh giá hồ sơ mời thầu sau này.

Đối với Việt Nam, việc nghiên cứu lựa chọn công nghệ nhà máy điện hạt nhân là một nhiệm vụ quan trọng bởi việc này không chỉ cần thiết cho dự án điện hạt nhân đầu tiên mà còn cho cả chương trình điện hạt nhân dài hạn. Để xác định công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân cần xem xét đến nhiều yếu tố: chủng loại lò, thế hệ lò, các đặc trưng an toàn, hồ sơ vận hành của các nhà máy tương tự và các vấn đề liên quan khác như nhiên liệu, tài chính dự án, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ. Do đó, nếu chỉ xét riêng về mặt thế hệ lò phản ứng để quyết định lựa chọn cho dự án điện hạt nhân thì sẽ chưa đầy đủ. Cần nhấn mạnh rằng tính hiệu quả và an toàn của nhà máy điện hạt nhân phụ thuộc hàng loạt yếu tố: con người, quản lý, tiềm lực khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, loại công nghệ…, trong đó con người là yếu tố quyết định thành công của dự án. Vì vậy, cần phải tổ chức việc đánh giá một cách có hệ thống và phải dựa trên nguồn thông tin từ các nhà cung cấp, các nhà vận hành (chẳng hạn thông qua Tổ chức các nhà vận hành lò hạt nhân thế giới, WANO), các chuyên gia và tổ chức tư vấn, phải gắn lựa chọn công nghệ với việc chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, chuyên gia, tài chính dự án, đối tác và các yếu tố khác.

Các yếu tố chi phối đến an toàn và hiệu quả của điện hạt nhân không chỉ là thế hệ công nghệ mà còn có khâu lựa chọn địa điểm, thiết kế, công suất của tổ máy, đặc trưng lưới điện, thi công xây lắp, vận hành, bảo dưỡng. Nếu như việc lựa chọn công nghệ đúng đắn, nhưng lại xem nhẹ các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành và an toàn của nhà máy. Do đó, nếu chỉ ‘”trông cậy” vào việc lựa chọn công nghệ của nhà máy mà yên tâm rằng nhà máy sẽ được vận hành an toàn thì là một sai lầm.

Đối với các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, có thể đi theo công nghệ lò nước nhẹ hiện đại, được thương mại hóa và được kiểm chứng, có công suất tổ máy phù hợp với lưới điện, hướng vào các đối tác lâu dài có công nghệ gốc và xem xét các yếu tố liên quan khác. Cho dù lựa chọn công nghệ nào cho nhà máy điện hạt nhân thì việc đảm bảo an toàn cho con người và môi trường phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy phải tăng cường quản lý chất lượng chặt chẽ trong các khâu lựa chọn địa điểm, thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế và khoa học-công nghệ của một dự án điện hạt nhân phải được xem xét hợp lý./.

Mai Phương, Hồng Điệp