Khu vực dự kiến khảo sát để xây dựng Trang trại điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà. Khu vực khảo sát để xây dựng dự án (Survey zone to build project); Độ sâu đáy biển (m) (Seabed depth); Diện tích ước tính (km2) (Acreage estimate); Tốc độ gió trung bình hàng năm ước tính (m/s) (Estimated average annual wind speed).
Trong bối cảnh các dự án điện gió ở Việt Nam còn chậm triển khai thì Dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận (Dự án điện gió Thăng Long) với tính khả thi và sự đồng thuận cao từ các cơ quan chức năng, được kỳ vọng sẽ được sớm triển khai thực hiện, mở ra hướng đột phá mới cho nền kinh tế đất nước.
Tiềm năng lớn từ dự án
Tiềm năng điện gió ở nước ta lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Campuchia (26.000 MW). Trong một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn. Trong khi đó, con số tương ứng của Campuchia là 0,2%, Lào 2,9% và Thái Lan 0,2%.
Dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà với tên gọi chính thức là Thanglong Wind do tổ hợp các nhà đầu tư năng lượng thực hiện, đứng đầu là Tập đoàn Enterpize Energy. Dự án này đã được khảo sát, nghiên cứu nhiều năm, với diện tích trên 2.000 km2, thuộc ngoài khơi tỉnh Bình Thuận (từ mũi Kê Gà trở ra). Thực hiện dự án này, Enterprize Energy đã lựa chọn Societe Generale là cố vấn chính cho phần tài chính và cấu trúc dự án, MVOW là đối tác cung cấp tua bin gió, ODE tư vấn thiết kế, đối tác thi công chân đế và cơ khí là Vietsovpetro, EVN PECCC3 tư vấn về chuẩn bị và thực hiện dự án tịa Việt Nam, Haduco thực hiện công tác hậu cần và cung cấp tàu dịch vụ, Hemera Media là đơn vị truyền thông xuyên suốt toàn bộ dự án.
Theo thông tin từ Tập đoàn Enterpize Energy, Dự án Thanglong Wind được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 50km, tốc độ gió bình quân 9,5m/s; kết cấu trụ gió đặc biệt, các tua bin có thể có công suất khác nhau, những tua bin đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5MW, sau đó sẽ được tăng lên 10MW, 12MW. Tổng công suất của dự án 3.400MW, bao gồm 300 đến 340 tua bin gió ngoài khơi, với đường kính cánh quạt 174m, chiều cao trụ tua bin 110-120m.
Ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterpize Energy khẳng định: “Tập đoàn Enterprize Energy và các đối tác, quyết tâm thực hiện dự án tiên phong này”.
Các giai đoạn chia ra nhiều chu kỳ đầu tư, mỗi chu kỳ khoảng 600MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho từng chu kỳ và cho toàn bộ dự án khoảng 11,9 tỷ USD, đây là phần do chủ đầu tư đề ra, chưa kể phần đầu tư đường dây và trạm tới 500kV để kết nối với hệ thống điện quốc gia Việt Nam.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, vốn được thu xếp từ các ngân hàng quốc tế đảm bảo đủ nhu cầu cho xây dựng dự án. Trong tương lai, với dự án này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.
Theo các chuyên gia năng lượng, Dự án Thanglong Wind sẽ tối ưu hoá nguồn nội lực của Việt Nam về các ngành công nghiệp thiết kế, gia công, chế tạo với kỳ vọng sử dụng từ 6-8,3 tỷ USD vốn đầu chi cho các nhà thầu tại Việt Nam trong quá trình khảo sát, thiết kế, gia công, chế tạo và tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 600 triệu USD cho các nhà thầu Việt Nam trong quá trình vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng.
Bên cạnh việc giải quyết bài toán năng lượng lâu dài cho quốc gia, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi và kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà thầu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có thể tận dụng công nghệ và thiết bị xây dựng góp phần chuyển giao/bổ sung chiến lược và lao động hiện có của các ngành vận tải biển và cảng, thăm dò và khảo sát biển.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đánh giá dự án điện gió ThangLong Wind sẽ là dự án điện gió ngoài khơi hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực, vô cùng tiềm năng, hiện đại và khả thi. Thành công của dự án sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai. Một dự án lớn và ý nghĩa như Thanglong Wind sẽ tạo một bước đột phá cho nền kinh tế Việt Nam và nên được triển khai sớm. Ông Trần Viết Ngãi nhấn mạnh thêm: “Điện gió ngoài khơi Kê Gà là một viên ngọc quý, một cơ hội hiếm có, mở ra một chân trời mới cho ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam. Cơ quan chức năng cần sớm có những cơ chế chính sách đặc thù cho dự án để tháo gỡ các khó khăn ngay từ ban đầu”.
Việt Nam luôn ưu tiên và tạo điều kiện cho các dự án năng lượng tái tạo
Tại buổi làm việc mới đây với ông Gareth Wath, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam và ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterpize Energy, ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao sự quan tâm của nhà đầu tư đến Việt Nam khi rất nỗ lực triển khai dự án Thanglong Wind ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận, theo đúng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo môi trường và nhu cầu về tiêu thụ điện tại Việt Nam. Đặc biệt đây là dự án sử dụng công nghệ tiên tiến và có quy mô tầm cỡ của thế giới. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất ủng hộ về chủ trương đối với xu hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió. Chính phủ luôn tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, các bước bổ sung quy hoạch cấp giấy phép đầu tư để sớm đưa dự án vào vận hành.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, tuy dự án điện gió Thanglong Wind là dự án mới nhưng Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ luôn lắng nghe nhà đầu tư để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện để nhà đầu tư yên tâm khi triển khai dự án tại Việt Nam.
Ông Gareth Wath, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng, đây là một biểu hiện sinh động trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Đại sứ quán Anh tại Việt Nam sẽ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy việc triển khai dự án. Qua đó, thúc đẩy quan hệ giao lưu kinh tế thương mại giữa hai nước.
Dự án điện gió Thanglong Wind hiện đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chính thức đi vào khảo sát chi tiết. Trung tuần tháng 6 vừa qua, Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy (EE) đã chính thức công bố giấy phép khảo sát dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phương án khảo sát chi tiết dự án này gồm: khảo sát và thu thập số liệu gió, thời gian đo liên tục trong 12 tháng và ở độ cao 200 m so với mực nước biển; khảo sát sự di trú của các loài chim biển, sinh vật biển; khảo sát địa vật lý; khảo sát địa chất công trình; khảo sát môi trường nước và sinh thái biển…
Sau khi được cấp phép khảo sát, mục tiêu của nhà đầu tư sẽ là đồng thời tiến hành khảo sát và lập báo cáo bổ sung quy hoạch, lập báo cáo môi trường, báo cáo khả thi của dự án để đảm bảo giai đoạn I của dự án sẽ được hòa lưới điện vào cuối 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW, 64 cột gió. Giai đoạn phát triển tiếp theo Thanglong Wind II, Thanglong Wind III, Thanglong Wind IV, Thanglong Wind V lần lượt đưa vào khai thác từ 2023-2026 với công suất mỗi giai đoạn 600 MW. Giai đoạn phát triển cuối là Thanglong Wind VI với công suất 400 MW. Dự kiến, dự án sẽ đóng góp vào nguồn năng lượng của Việt Nam một giá trị to lớn, dần hiện thực hóa mục tiêu đạt 20% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Ông Lương Văn Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, Bình Thuận có tiềm năng lớn về nắng, gió và có điều kiện để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt ngoài khơi Bình Thuận. Với dự án lớn như Thanglong Wind sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư thăm dò, khảo sát đánh giá tác động môi trường toàn diện để từ đó triển khai dự án; hỗ trợ dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng như cam kết. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị, chủ đầu tư, các đối tác dự án sẽ cùng với địa phương phối hợp thực hiện tốt các bước khảo sát của dự án này.