Ảnh minh họa.
Với lợi thế khí hậu nhiệt đới và có đường biển trải dài, việc phát triển điện sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, nhưng đến nay việc khai thác còn hạn chế. Để phát triển thị trường về điện NLTT, Chính phủ đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân với các hình thức sở hữu khác nhau tham gia vào thị trường điện NLTT tại Việt Nam.
Dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà là một trong những dự án điển hình về phát triển nguồn NLTT tại Việt Nam. Dự án đã chính thức được Bộ Công thương cấp giấy phép khảo sát vào ngày 12/6 mới đây. Dự án do tổ hợp các nhà đầu tư năng lượng đứng đầu là Tập đoàn Enterpize Energy. Dự án này đã được khảo sát, nghiên cứu nhiều năm, với diện tích trên 2.000 km2, thuộc ngoài khơi tỉnh Bình Thuận (từ mũi Kê Gà trở ra).
Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tuabin gió lớn. Trong khi đó, con số tương ứng của Cambodia là 0,2%, Lào 2,9% và Thái Lan 0,2%.
Đặc biệt, Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt hơn 513.000 MW, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020 và lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Cambodia (26.000 MW).
Hiện nay, Việt Nam cho phép triển khai các dự án điện gió tại một số tỉnh Ninh Thuận, BìnhThuận, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu... và một số đảo (Phú Quốc, Côn Đảo…).
Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến năm 2017, có khoảng 100 dự án điện gió đăng ký đầu tư ở Việt Nam với tổng công suất hơn 7.000 MW. Nhưng hiện mới có 4 dự án điện gió được đưa vào khai thác với tổng công suất khoảng 159.2 MW. Trong đó nhà máy điện gió Bạc Liêu là (99.2 MW), Tuy Phong (30 MW), Phú Qúy (6 MW) và Phú Lạc (24 MW). Dự kiến, những dự án này nâng tổng công suất lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số rất khiêm tốn so với tiềm năng năng lượng gió của nước ta.
Dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 50 km, tốc độ gió bình quân 9,5 m/s; kết cấu trụ gió đặc biệt, các tua bin có thể có công suất khác nhau, những tua bin đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5MW, sau đó sẽ được tăng lên 10 MW, 12 MW. Tổng công suất của dự án 3.400 MW.
Trước thực trạng trên, dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận đã được khảo sát và đi vào hoạt động trong tương lai không xa sẽ tối ưu hoá nguồn nội lực của Việt Nam về các ngành công nghiệp thiết kế, gia công, chế tạo với kỳ vọng sử dụng từ 6 – 8.3 tỷ USD vốn đầu chi cho các nhà thầu tại Việt Nam trong quá trình khảo sát, thiết kế, gia công, chế tạo và tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 600 triệu USD cho các nhà thầu Việt Nam trong quá trình vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng. Trong tương lai, với dự án này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.
Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), Việt Nam là nước có tiềm năng khá lớn về nguồn NLTT. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ mới tập trung khai thác tốt thủy điện, còn nguồn điện gió và mặt trời hầu hết đều có quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Qua nhiều năm, việc triển khai thực hiện các dự án NLTT đạt tỷ lệ còn thấp, chưa đầy 1% so với yêu cầu. Thực tế cũng cho thấy, các dự án sử dụng nguồn NLTT được phân bố rộng khắp cả nước, thời gian xây dựng nhanh. Như vậy, trong bối cảnh nhiều dự án nhiệt điện đang bị chậm so với tiến độ phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, việc tăng cường phát triển các dự án điện sử dụng NLTT chính là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2019-2020 và các năm tiếp theo.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của các chuyên gia và nhà đầu tư, việc đầu tư xây dựng một cánh đồng gió ngoài khơi trên vùng biển có diện tích hơn 2.000 m2, cách xa đất liền khoảng 20 km tính từ mũi Kê Gà là dự án đầy triển vọng.
Theo tính toán, các tuabin có thể có công suất khác nhau, những tuốc-bin gió đầu tiên được xây dựng sẽ có công suất 9,5 MW. Tiếp đó, trong quá trình xây dựng dự án, công suất các tuốc-bin có thể tăng lên 10 - 12 MW hay thậm chí lớn hơn nữa. Đây là dự án vô cùng tiềm năng, hiện đại và khả thi. Thành công của dự án sẽ cung cấp một lượng điện sạch rất lớn cho hệ thống điện của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai.
Các nghiên cứu và đánh giá của những tập đoàn lớn trong ngành năng lượng thế giới (liên minh Kê Gà) cho thấy Bình Thuận là điểm tốt nhất tại Việt Nam để triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Sức gió tại vị trí mà liên minh này lựa chọn tương đương như ở châu Âu, nơi đã triển khai thành công nhiều dự án điện gió ngoài khơi.
Nói về dự án, ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá cao tính khả thi của dự án và năng lực của từng thành viên trong Liên minh Kê Gà. Ông Lương Văn Hải khẳng định, tỉnh Bình Thuận ủng hộ dự án và sẽ hợp tác chặt chẽ cùng Liên minh Kê Gà đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy - Tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên về phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi, khai thác nguồn năng lượng giảm thải cacbon đánh giá: Với nhiều tiềm năng và lợi thế, dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà sẽ có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong tất cả các dự án trên toàn thế giới. Vì vây, dự án này không chỉ cung cấp năng lượng cho các khu vực tại miền Nam Việt Nam, mà còn kích thích sự phát triển kinh tế cho khu vực, cũng như mở ra nhiều cơ hội việc làm mới và dài hạn trong đời sống sản xuất.