Công nhân Tổng Công ty Điện lực Hà Nội vận hành cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn.
Hiện nhiều địa phương, doanh nghiệp đã sẵn sàng kế hoạch cho tiết kiệm điện. Theo ông Lê Văn Luận, Giám đốc Xí nghiệp 380, thành viên của Công ty CP Phú Tài - tỉnh Bình Định, đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh đá granite xuất khẩu, mỗi tháng, xí nghiệp tiêu tốn khoảng 11 tỷ đồng tiền điện, chiếm tỷ lệ lớn chi phí trong sản xuất đá granite xuất khẩu.
“Để thực hiện tiết kiệm điện, chúng tôi đã tiến hành thay thế các hệ thống máy sản xuất cũ bằng công nghệ hiện đại hơn, tốn ít năng lượng hơn và tính tự động hóa cao hơn. Để từ đó hệ thống này đem lại hiệu quả sản xuất cao, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp,” ông Luận cho hay.
Nhờ đầu tư công nghệ mới trong sản xuất, cùng với các giải pháp về điều hành như thay thế đèn Led trong chiếu sáng..., lượng tiêu thụ điện của đơn vị này trong những năm qua đã giảm từ 30-40% so với trước đây.
Tuy nhiên, để tiếp tục tiết giảm chi phí tiền điện sẽ là rất khó, ông Luận cho rằng, yếu tố công nghệ vẫn quyết định phần lớn việc này. Do vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư thay thế các thế hệ máy sản xuất cũ để nhập khẩu những máy móc tự động cao hơn, tốn ít điện năng hơn.
Công ty Điện lực Bình Định cho biết, tính trong quý 1/2020, sản lượng điện tiết kiệm của công ty gần 11 triệu kWh, chiếm 2,35% điện thương phẩm toàn công ty; trong đó chủ yếu là từ khối sản xuất, kinh doanh với 6,3 triệu kWh. Trong khi đó, tiết kiệm điện từ khối hành chính sự nghiệp và chiếu sáng công cộng đạt rất thấp, chỉ được hơn 421.000 kWh.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho hay theo tính toán của ngành điện, việc thiếu điện sẽ diễn ra gay gắt vào giai đoạn 2021-2025.
Ngay trong năm 2020, do tình hình hạn hán kéo dài từ năm trước, lượng nước tại các hồ thủy điện trong cả nước chỉ đạt khoảng 60% dung tích thiết kế, riêng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh cũng chỉ chạy cầm chừng.
Để giảm thiểu tình trạng thiếu điện ngay trong quý 1/2020, Công ty Điện lực Bình Định đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể, công ty đã phát động các chương trình thi đua “Tiết kiệm điện trong công sở;” Chương trình thi đua tiết kiệm điện trong sản xuất... Đến nay, có trên 200 đơn vị gửi đăng ký tham gia thi đua các chương trình nêu trên.
Cùng với đó, công ty ký kết thỏa thuận điều chỉnh phụ tải (DR) với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Tính đến nay, công ty đã ký kết thỏa thuận tham gia DR phi thương mại với 247 khách hàng; trong đó có 22 khách hàng thuộc diện khách hàng trọng điểm đảm bảo các yêu cầu tổng công suất phụ tải điều chỉnh được trong giờ cao điểm tối thiểu bằng 2% so với công suất phụ tải tối đa năm 2018 của đơn vị; thời gian tiết giảm mỗi khách hàng tối thiểu 6 tiếng/tháng vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để đạt mục tiêu tiết kiệm điện 2% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm như Chỉ thị 20/CT-TTg của Chính phủ (Chỉ thị 20) sẽ là rất khó, bởi các doanh nghiệp muốn tăng cường tiết kiệm điện, sẽ phải đầu tư thêm máy móc, công nghệ, tốn nhiều chi phí và khó có thể thực hiện sớm.
Do vậy, dư địa để đẩy mạnh tiết kiệm điện sẽ tập trung nhiều ở khối hành chính sự nghiệp và chiếu sáng công cộng. Thời gian qua, 2 khối này có mức độ tiết kiệm thấp.
Trong Chỉ thị 20, Chính phủ cũng yêu cầu khối hành chính sự nghiệp đảm bảo hàng năm tiết kiệm tối thiểu 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm và khối chiếu sáng công cộng là 20%.
Còn với doanh nghiệp sản xuất, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm. Cái khó là làm sao để đánh giá được mức 2%/sản phẩm này.
Vấn đề này phải có kiểm toán năng lượng, giám sát mức độ tiêu thụ, công cụ kiểm soát. Ví dụ như mặt hàng sắt thép phải có mặt bằng chung quy định mức năng lượng, kiểm toán...
Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiết kiệm điện cũng rất quan trọng... “Các ban, ngành cùng với ngành điện tuyên truyền để người dân chủ động tham gia trong việc tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả,” ông Tuấn cũng kiến nghị.
Cùng quan điểm trên, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, để triển khai hiệu quả tiết kiệm điện trong giai đoạn tới, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.
Tập đoàn cũng sẽ tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội về các chương trình sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đơn vị tư vấn xây dựng phương pháp đo lường, đánh giá chỉ tiêu tiết kiệm điện của tỉnh, thành phố và cả nước.
EVN cũng phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương, các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố theo dõi cảnh báo mức tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; cảnh báo về mức độ tiêu thụ điện tăng/giảm so với cùng kỳ để quản lý việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả của các đơn vị.
Theo ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), tiết kiệm điện là giải pháp quan trọng để đảm bảo nguồn điện trong giai đoạn tới.
Để đảm bảo mục tiêu Chính phủ đề ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với EVN, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hành động và hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành, UBND các địa phương thực hiện; xây dựng phương pháp đánh giá tiết kiệm điện; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tiết kiệm điện...
Cũng theo ông Phương Hoàng Kim, trong giai đoạn 2020-2025, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh hơn các chương trình truyền thông về tiết kiệm điện, phát triển điện Mặt Trời áp mái, dịch vụ năng lượng (ESCO), chương trình điều chỉnh phụ tải./.