Ảnh minh họa.
Mục đích của đề án nhằm thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Đề án đưa ra mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt các cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, khoáng sản, năng lượng tái tạo... Tăng cường mối liên kết chuyên ngành giữa các cảng lớn trong nước với các cảng khu vực và quốc tế; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Đối với phát triển các ngành công nghiệp ven biển, đề an đưa ra mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ở vùng ven biển thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Cùng với đó phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.
Đối với việc phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, đề án hướng tới triển khai các chương trình điều tra, nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng tái tạo; hợp tác với các nước có tiềm năng, thế mạnh về năng lượng biển trong nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng và phát triển năng lượng tái tạo ở biển; phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị.
Một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược thông tin đối ngoại trên trường quốc tế và với kiều bào ta ở nước ngoài.
Cùng với đó rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, hành lang pháp lý về biển theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tích cực tham gia các điều ước quốc tế và chủ động thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực liên quan đến biển và đại dương.