Ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, người dân ấp Trà Mẹt nói “có điện rồi mần ruộng cũng đỡ cực, khoai đậu tăng, nhà có thêm thu nhập”. Khắp trong xã người tính nuôi thêm bò, tăng thêm đàn heo, cải tạo vườn ao chuồng vì đã có điện. Điện cũng giúp bà con xem các chương trình truyền hình của Trung ương, của tỉnh, nghe các chương trình ca nhạc, cải lương, lại biết được tin tức mọi nơi, nâng cao hiểu biết rồi an ninh trật tự trong xóm ấp, phum sóc được cải thiện. Với nhiều người dân, các chương trình khuyến công trên truyền hình đã trở thành thói quen, rất thiết thực, hữu ích. Qua các chương trình này, người dân hiểu, học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật, thâm canh cây trồng, vật nuôi, làm vườn ao chuồng năng suất, hiệu quả. Những năm qua cả xã có thêm 200 hộ nghèo có điện sử dụng.
Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư 305 tỷ đồng cấp điện cho 20.388 hộ; giai đoạn 2 đầu tư cấp điện cho 16.784 hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư là 212,5 tỷ đồng. Dự án bao gồm 126 km đường dây trung thế, 355 km đường dây hạ thế và tổng dung lượng trạm là 4,951 MVA, hoàn thành đóng điện đưa vào sử dụng trong năm 2014.
Dự án cung cấp điện cho người dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer được thực hiện từ năm 2010, đến nay đã cấp điện cho gần 77 ngàn hộ dân (cùng hàng vạn hộ dân khác cũng được hưởng lợi từ dự án) ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang có số vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. Trước đó Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng đã thực hiện chương trình đem ánh sáng về các xã vùng đồng bào dân tộc Stiêng, tỉnh Bình Phước; K’ho, Churu tỉnh Lâm Đồng; Rắc Lây, tỉnh Ninh Thuận với hàng vạn hộ dân có điện lưới quốc gia. |
Tại tỉnh Kiên Giang có 211.000 người Khmer sinh sống. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ dân có điện hiện chỉ chiếm 74,41% so với 95,47% số hộ dân có điện toàn tỉnh; mức tiêu thụ điện bình quân chỉ bằng 10 - 12% so với bình quân cả nước. Chi phí đầu tư điện cho các hộ này cao hơn từ 5 - 6 lần so với suất đầu tư cho một hộ dân ở các vùng dân cư tập trung. Vì vậy thách thức lớn của địa phương và ngành điện trong thực hiện chủ trương nâng tỷ lệ hộ dân Khmer có điện lên là nguồn vốn lớn. Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer chưa có điện tại Kiên Giang được triển khai trên địa bàn 5 huyện là An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Giang Thành, Châu Thành với tổng mức đầu tư 198,255 tỷ đồng. Khối lượng xây dựng của dự án gồm 792 km đường dây trung, hạ thế, lắp đặt 265 trạm biến áp, xây dựng nhánh rẽ vào nhà và lắp công tơ điện cho 8.965 hộ dân. Ngoài ra có gần 6.400 hộ dân khác được hưởng lợi từ dự án do được cấp điện bằng các nguồn vốn khác thuộc Chương trình 134, 135 và vốn phát triển khách hàng của ngành điện. Các hộ dân trong vùng dự án đã được cung cấp điện trước Tết Nguyên đán 2013. Ông Phạm Ngọc Lễ - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - cho biết khi dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ hộ đồng bào Khmer có điện của Kiên Giang lên 94,45%, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh, thực hiện với 2 giai đoạn cung cấp điện cho 30.825 hộ có tổng mức đầu tư trên 380 tỷ đồng sẽ được hoàn thành trong năm 2014. Những người dân trong vùng dự án đều sinh sống ở các ấp vùng sâu, vùng lõm nên việc đưa điện phải chi phí rất lớn. Hơn nữa địa bàn thi công trải rộng, địa hình và điều kiện địa lý khá phức tạp, cơ sở hạ tầng yếu, việc đi lại, vận chuyển vật tư thiết bị rất khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của ngành điện nên các dự án đều được đưa vào vận hành đúng tiến độ, đem niềm vui đến cho người dân.
Trước đó, tổng công ty cũng đã thực hiện chương trình đem ánh sáng đến các xã vùng đồng bào dân tộc Stiêng- tỉnh Bình Phước; K’Ho, Churu- tỉnh Lâm Đồng; Rắc Lây- tỉnh Ninh Thuận với hàng vạn hộ dân có điện lưới quốc gia. Có điện đồng bào đã từ bỏ lối sống du canh du cư, ổn định sản xuất, đời sống.