Sự kiện

Đưa điện ra đảo: Niềm tự hào của ngành điện

Thứ tư, 22/1/2014 | 09:34 GMT+7
Sự kiện khánh thành công trình đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và khởi công dự án cáp ngầm xuyên biển để đưa điện lưới ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) nằm trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Công Thương năm 2013.



Điện góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội các huyện đảo

Đây không chỉ là niềm tự hào của ngành điện nói riêng, ngành Công Thương nói chung mà còn là niềm vui của người dân huyện đảo Cô Tô, Phú Quốc, niềm hy vọng của người dân các đảo đang ngày đêm ngóng dòng điện lưới quốc gia.

Tại Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đến năm 2020, phấn đấu 100%  dân cư các huyện đảo được sử dụng điện. Bên cạnh việc đẩy nhanh kế hoạch đưa cáp ngầm ra một số huyện đảo đã được phê duyệt, các nguồn năng lượng mới và tái tạo cũng thuộc diện ưu tiên.

Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung xây dựng các đường dây truyền tải, trạm điện để đưa điện lưới quốc gia đến các huyện đảo. Huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sẽ được đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho 6 xã đảo gồm Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Cái Chiên. Huyện đảo Phú Quốc sẽ đưa vào sử dụng đường cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc vào tháng 1/2014. Lưới điện quốc gia từ đất liền sẽ được truyền thẳng ra đảo và trở thành nguồn cấp điện chính. Các tổ máy diesel trước đây sẽ đáp ứng phần phụ tải và dự phòng trong các thời điểm phụ tải tăng đột biến vào các mùa khô.

Nước ta có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, 1/6 số đảo đang có cư dân sinh sống. Tuy nhiên, nhiều đảo vẫn chưa có điện. Mỗi năm nhà nước đã phải bù lỗ gần 300 tỉ đồng để cấp điện cho các huyện đảo. Để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế biển, giải pháp quan trọng nhất là cung ứng đủ điện. Với những đảo quá xa đất liền, Chính phủ sẽ cấp điện bằng nguồn diezel hoặc các nguồn năng lượng tái tạo nhưng bán bằng giá đất liền.
Còn huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, EVN sẽ đầu tư hệ thống điện ngầm từ đất liền ra đảo và đường dây 220 kV trên đảo. Đồng thời, đầu tư cung ứng điện cho các huyện đảo Cồn Cỏ, Kiên Hải, Côn Đảo, Bạch Long Vỹ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, để giải bài toán kinh tế lâu dài, việc xác định nguồn cấp điện cho các đảo không chỉ bao gồm yếu tố công suất, sản lượng mà còn phải đảm bảo giá điện hợp lý, bảo vệ môi trường. Ngoài việc xây dựng các nhà máy điện sạch với quy mô vừa đủ đảm bảo nguồn điện cấp tại chỗ đối với các đảo không thể nối lưới từ đất liền ra, phương án kéo điện ra các đảo bằng cáp ngầm (110kV, 22kV) cho thấy lợi thế hơn hẳn so với xây nhà máy nhiệt điện, điện gió hay năng lượng mặt trời. Khi đi vào vận hành, điện lưới quốc gia sẽ làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống dân sinh, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo và khả năng chinh phục thiên nhiên. Đây cũng  là cơ sở để hơn 20.000 người dân đang sống trên huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)  hy vọng điện lưới quốc gia sẽ sóm đến với họ.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng đang chủ trương dành hơn 70 tỷ đồng kéo điện lưới ra xã đảo Nhơn Châu. Tỉnh Quảng Nam đã dự toán 350 tỷ đồng để năm 2014 kéo điện ra đảo Cù Lao Chàm. Tỉnh Kiên Giang cũng chủ trương đầu tư trên 60,5 tỷ đồng đưa điện ra đảo Hòn Tre. Đến năm 2014, EVN sẽ quản lý lưới điện ở 10/12 huyện đảo của cả nước.

Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện quy hoạch công nghiệp và thương mại các huyện đảo nhằm phát triển ngành công nghiệp và thương mại một cách hiệu quả. Đồng thời đặt ra các lộ trình cụ thể xây dựng các đường dây truyền tải điện, đường ống nước sạch… cho từng huyện đảo.
Theo: Công Thương Online