Ông Lê Hữu Lộc - Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
PV: Thưa ông, Bình Định là một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vì vậy trong năm 2013 tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có những nét gì nổi bật?
Chủ tịch Lê Hữu Lộc: Năm 2013, do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế thế giới và trong nước, cộng với những khó khăn vốn có của nền kinh tế tỉnh nhà và sự thiệt hại do hạn hán đầu năm, mưa lũ cuối năm nên kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả rất có ý nghĩa. Tổng sản phẩm địa phương (GDP) cả năm tăng 8,56% (kế hoạch tăng 8,5-9%). Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành: nông, lâm, thủy sản là 2,9%; công nghiệp, xây dựng: 9,46%; dịch vụ: 12,15%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 620 triệu USD, vượt 10,7% kế hoạch và tăng 8% so với năm 2012. Tổng thu ngân sách vượt 5,1% dự toán năm và tăng 8,2% so với năm 2012; trong đó thu nội địa vượt 15,7% dự toán năm và tăng 5,3% so với năm trước. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh chiếm 40% so với GDP. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được củng cố, đời sống nhân dân cơ bản ổn định.
Để đạt được kết quả nêu trên, trong năm qua, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là đối với các ngành nghề có tiềm năng, thế mạnh và các mặt hàng, sản phẩm đang có thị trường tiêu thụ; phát triển toàn diện nông lâm ngư nghiệp, trong đó chú trọng phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản gắn với phát triển kinh tế biển; hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Tích cực thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, kể cả hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong các lĩnh vực nêu trên, kết quả nổi bật là đã, đang và sẽ triển khai nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh như dự án Tổ hợp lọc, hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội đang lập dự án khả thi, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 4/2014; các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A, QL19, QL1D; Khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn đang trong giai đoạn thi công xây dựng; dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt tại khu quy hoạch đô thị Long Vân - Long Mỹ (thuộc phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn) đang xúc tiến các thủ tục đầu tư; Cảng Quy Nhơn đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và từng bước đầu tư nâng cấp, mở rộng theo kế hoạch để đáp ứng nhu cầu XNK hàng hóa thông qua cảng ngày càng tăng. Ngoài ra, trên lĩnh vực thủy sản, còn có các dự án chế biến thủy - hải sản, một trong những thế mạnh của tỉnh đang được các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm khai thác.
Những kết quả trên đây đều có sự đóng góp rất quan trọng của ngành Điện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
P/V: Theo đánh giá chung, ngành Điện đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội ở Bình Định, xin ông cho biết những kết quả cụ thể?
Chủ tịch Lê Hữu Lộc: Có thể nói với sự quản lý trực tiếp của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Công ty Điện lực Bình Định đã và đang phát huy vai trò của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong suốt thời gian qua. Với hơn 1700 trạm biến áp (TBA) phân phối các loại có tổng dung lượng 400.600KVA và 836km chiều dài đường dây trung, cao áp trải dài trên 11 huyện, thị xã, thành phố cùng với việc xây dựng mới và đưa vào vận hành 02 TBA 110kV Phước Sơn và Nhơn Hội (nâng tổng số TBA 220kV và 110kV lên 13 TBA) đã tạo ưu thế so sánh vượt trội về khả năng tiếp nhận nguồn điện quốc gia của tỉnh Bình Định so với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Ngành Điện đã phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân với sản lượng điện thương phẩm hàng năm đều tăng, riêng năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã đạt xấp xỉ 1,3 tỷ kWh, cao nhất từ trước đến nay; trong đó tỷ lệ điện năng phục vụ xản xuất công nghiệp đã lên đến 47%; đã tham gia cung cấp điện kịp thời, ổn định cho Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại tại thành phố Quy Nhơn và các huyện, thị xã trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, để sớm ổn định việc cung cấp và nâng cao chất điện cho khu vực nông thôn, từng bước đáp ứng nhu cầu CNH nông nghiệp, nông thôn trong năm 2013, Công ty Điện lực Bình Định đã phối hợp với các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Tính đến cuối năm 2013 đã tiếp nhận được trên 75% số xã nằm trong diện bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý, kể cả các đơn vị đang thực hiện dự án REII và REII mở rộng. Tiếp nhận đến đâu, Công ty đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp lưới điện cơ bản đến đó trên cơ sở theo nguồn vốn cho phép của Tổng Công ty. Do đó, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 98,5% số người dân ở khu vực nông thôn được sử dụng điện, với chất lượng điện ổn định, giá điện khá bình đẳng so với các khu vực khác, được đông đảo các tầng lớp nhân dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ. Đây là hiệu quả bước đầu khẳng định vai trò quan trọng của ngành Điện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
P/V: Theo ông, ngành Điện Bình Định cần tập trung vào các vấn đề gì trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tới?
Trước tiên vẫn là nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện ổn định, thường xuyên, với chất lượng điện áp ổn định, an toàn cho sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân và nhu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Ngoài ra, ngành Điện còn phải có trách nhiệm tham gia thực hiện kịp thời việc di dời các đường dây và lưới điện nằm trong các dự án mở rộng, nâng cấp QL1A, QL1D, QL19 (đoạn nằm trên địa bàn tỉnh) mà Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép khởi công xây dựng để các dự án nêu trên đảm bảo hoàn thành theo tiến độ theo quy định; đồng thời cung cấp điện cho các dự án khác trên địa bàn tỉnh đang và chuẩn bị triển khai xây dựng, như: dự án Khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn, dự án Bệnh viện Đa khoa hạng đặc biệt trong Khu quy hoạch đô thị Long Vân - Long Mỹ và các dự án trong Khu kinh tế Nhơn Hội; các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND thành phố Quy Nhơn nghiên cứu đề xuất phương án khả thi đưa điện lưới quốc gia sang xã đảo Nhơn Châu để UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch trước khi triển khai thực hiện dự án.
Công ty Điện lực Bình Định cần phối hợp tốt hơn nữa với các ngành chức năng địa phương để đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện dứt điểm trong năm 2014. Tập trung cải tạo lưới điện nông thôn một cách cơ bản, vững chắc để phát huy tốt vai trò đầu tàu trong tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Cùng với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn tuyến điện theo quy định hiện hành của pháp luật để bảo đảm an toàn trong cung ứng và sử dụng điện.
P/V: Xin cám ơn ông