Sự kiện

Mùa khô 2014, miền Nam hết lo thiếu điện

Thứ ba, 21/1/2014 | 14:54 GMT+7
Tháng 4/1994, đường dây 500kV đầu tiên của Việt Nam hoàn thành, chuyển dòng điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Công trình này thể hiện chứng tỏ được tầm nhìn chiến lược đúng đắn, lâu dài của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế đất nước.


Đường dây 500kV mạch 3 hoàn thành sẽ tiết giảm lượng điện năng tiêu hao trên hệ thống

Trong 20 năm qua, nhiều thế hệ điện lực Việt Nam đã liên tục tiếp nối, xây dựng nguồn và lưới điện với một mục tiêu duy nhất: “Đủ điện cho miền Nam”.

 Năm 2014, lần đầu tiên Trung tâm Điều độ điện quốc gia (Ao) tỏ ra tin tưởng sẽ cấp đủ điện, ổn định cho miền Nam trong mùa khô năm 2014 mà không phải huy động nguồn điện chạy dầu và nhập khẩu. Hiện nay, miền Nam đang có khoảng 5,8 triệu hộ dân và hơn 400 ngàn doanh nghiệp sử dụng điện tại 21 tỉnh, thành phố. Đây là khu vực tập trung tiêu thụ điện lớn nhất nước ta để sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt với gần 40 tỉ kWh điện thương phẩm trong năm 2013. Khu vực này cũng có tốc độ phát triển nhu cầu tiêu dùng điện luôn đứng đầu cả nước ở mức cao trên 10%/năm. Chính vì vậy, nhiều năm qua ngành điện luôn phải nỗ lực đầu tư lưới, nguồn điện với một mục tiêu cơ bản là ổn định và đáp ứng đủ điện cho khu vực miền Nam, đặc biệt vào các tháng mùa khô giữa năm. Đầu năm nay, tín hiệu tích cực từ các công trình truyền tải và nguồn điện mới như đường dây 500kV mạch 3, 1.300MW của 4 nhà máy Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 1, Đắkđring, Nậm Na bổ sung lên lưới điện quốc gia… sẽ chấm dứt cảnh thiếu điện trong mùa khô tại khu vực miền Nam.

Sau khi thực hiện cân đối giữa tổng công suất nguồn và phụ tải điện năm 2014, EVN đã đưa ra kết luận hệ thống điện có khả năng cung cấp đủ điện cho toàn hệ thống điện quốc gia, trong đó có cả khu vực miền Nam. Để bảo đảm tốt nhất cung cấp điện cho miền Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo Ao và các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp chuẩn bị nguồn và truyển tải điện cho mùa khô năm 2014.

 Ngay từ cuối năm 2013, EVN đã lên phương án cân đối giữa khả năng nguồn và nhu cầu phụ tải, đưa ra 6 phương án cung cấp điện cho năm 2014. Theo đó, lượng điện thương phẩm sẽ tăng 10-11,5%, tần suất nước về các hồ thủy điện 50-75% lưu lượng theo thiết kế căn cứ trên 5 năm vận hành gần nhất. Ao cho rằng, cả 6 phương án tính toán cân bằng cung cầu điện năm 2014 đều được đảm bảo, hệ thống sẽ không phải tiết giảm phụ tải. Trường hợp xấu nhất như phụ tải tăng cao hơn 11,5%, lượng nước về thấp nhất (50%) thì Ao vẫn có thể huy động đủ lượng điện đáp ứng nhu cầu (khoảng 624 triệu kWh nhiệt điện dầu). Trong trường hợp đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có thể vào vận hành sớm từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5-2014 sẽ không phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu.

Theo tính toán của Ao, khó khăn lớn nhất hiện nay là phải truyền tải lượng điện lớn từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Để bảo đảm an toàn cho hệ thống truyền tải điện cũng như cấp điện an toàn, EVN đã chỉ đạo Ao, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) cùng các đơn vị quyết liệt thi công sớm đưa đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông vào vận hành trong cuối tháng 4/2014, trước thời điểm lượng điện tiêu thụ lên cao nhất trong mùa khô (tháng 6-7) để tăng cường khả năng cung cấp điện cho miền Nam. Khi đó, lưới điện toàn quốc và khu vực miền Nam sẽ hoàn thiện mạch vòng các đường dây siêu cao áp 500kV, tăng khả năng linh hoạt cung cấp điện và giảm 1-2% lượng điện hao tổn (tương đương với 1,3 đến 2 tỉ kWh điện) trên lưới so với các năm trước, giảm áp lực cho truyền tải điện cho miền Nam vào mùa khô.

Hiện nay, Ao và các đơn vị tập trung triển khai đồng bộ 3 giải pháp chuẩn bị. Đầu tiên là tích nước tối đa cho các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện miền Nam để cung cấp tốt nhất cho mùa khô 2014. Theo tính toán của Ao, lưu lượng nước về các hồ thủy điện trọng điểm trên cả nước đều thực hiện đúng kế hoạch, tần suất trên 65%. Đồng thời, ngay trong năm 2013 EVN đã tiến hành thay thế, bảo dưỡng đồng bộ các trạm biến áp trên đường dây 500kV để tăng khả truyền tải điện vào miền Nam. Ngoài ra, EVN cũng chuẩn bị giải pháp huy động tối đa công suất các tổ máy turbine khí ở miền Nam trong mùa khô đối với tất cả 6 phương án.

Ông Nguyễn Thành Duy, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam khẳng định: “Tổng Công ty Điện lực Miền Nam hiện đang cung cấp điện cho gần 6,2 triệu khách hàng, trong đó có gần 5,8 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt và gần 400 ngàn khách hàng sử dụng điện sản xuất. Từ đầu năm 2014, sẽ có thêm đường dây 500kV mạch 3 đưa điện từ miền Trung vào miền Nam. Một số nhà máy điện vận hành từ đầu năm tới sẽ giúp bổ sung thêm nguồn cung điện cho miền nam, thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn điện chuyển từ miền Bắc và miền Trung. Cuối tháng 12/2013 và đầu năm 2014 sẽ đưa vào vận hành đường dây cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, thêm gần 1.300MW điện của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (600MW), Nhiệt điện Vũng Áng 1 (600 MW), Thủy điện Đắkđring (62,5MW), Thủy điện Nậm Na 2 (22MW)… đưa vào vận hành, đáp ứng đủ điện cho khu vực miền Nam”.

Năm 2014, EVN đã công bố các mục tiêu cơ bản, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đảm bảo tiến độ xây dựng các công trình lưới điện cấp bách cho miền Nam và tăng lượng điện thương phẩm lên 126,5 tỉ kWh, tăng 10% so với năm 2013. Hai nhiệm vụ trọng tâm này sẽ xử lý cơ bản vấn đề thiếu điện trong mùa khô khu vực các tỉnh phía Nam, cũng chính là mục tiêu, nguyện vọng của các thế hệ người làm điện lực trong 20 năm qua kể từ khi xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV.
 
Theo: Petrotimes