Tin thế giới

Đức: Than đá vẫn là nguồn năng lượng quan trọng nhất

Thứ ba, 14/6/2022 | 15:45 GMT+7
Nguồn cung cấp điện quan trọng nhất của Đức trong quý I/2022 vẫn là than đá, cung cấp 31,5% tổng lượng điện sản xuất tại nước này, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhà máy nhiệt điện ở Gelsenkirchen, tây Germany, ngày 29/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
 
Báo cáo mới nhất của Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, phần lớn điện năng được tạo ra ở Đức và được đưa vào lưới điện quốc gia trong quý đầu tiên của năm 2022 đến từ các nguồn năng lượng thông thường, trong đó quan trọng nhất vẫn là than đá.
 
Tính toán sơ bộ của Destatis cho thấy trong quý đầu tiên của năm 2022, hơn một nửa (52,9%) tổng lượng điện được sản xuất ở Đức đến từ các nguồn năng lượng như than đá, khí đốt tự nhiên và điện hạt nhân. Phần còn lại (47,1%) được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, quang điện, sinh khối.
 
Nguồn cung cấp điện quan trọng nhất của Đức trong quý I/2022 vẫn là than đá, cung cấp 31,5% tổng lượng điện sản xuất tại nước này, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Năng lượng gió là nguồn cung cấp điện quan trọng thứ hai, đóng góp 30,1% tổng lượng điện sản xuất điện tại Đức, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2021, do quý I/2021 có ít gió.
 
Lượng điện được tạo ra từ khí đốt tự nhiên giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 13% tổng lượng điện được tạo ra và đứng vị trí thứ ba trong số các nguồn năng lượng tại Đức.
 
Trong khi đó, do tích cực loại bỏ năng lượng hạt nhân nên khối lượng điện tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân còn lại tại Đức chỉ chiếm 6% tổng lượng điện sản xuất tại nước này.
 
Tính chung trong quý I/2022, tổng lượng điện được sản xuất và đưa vào lưới điện quốc gia tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện từ các nguồn năng lượng thông thường giảm 8%, các nguồn năng lượng tái tạo tăng 21%. 
 
Theo mục tiêu mà Chính phủ Đức đặt ra, đến năm 2030, 80% lượng điện tiêu thụ của Đức sẽ được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo; đến năm 2035, con số này sẽ là gần 100% và đạt trung hòa khí hậu vào năm 2045.
 
Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này, nước Đức sẽ cần sự nỗ lực rất lớn trong thời gian tới.
 
Theo: BNews