Mới đây, Bộ Kinh tế của Đức cho biết, sẽ chi 16 tỷ euro để xây dựng 4 nhà máy điện chạy bằng khí đốt, nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện sau khi loại bỏ các lò phản ứng hạt nhân.
Ảnh minh họa. Ảnh RT
Theo Bộ này, đây là một phần trong kế hoạch cải tổ lớn mạng lưới năng lượng của đất nước.
Trong một tuyên bố, các quan chức Đức cho biết các nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới sau đó sẽ được chuyển đổi sang chạy bằng hydro từ năm 2035 đến năm 2040. Cơ chế tăng công suất dựa trên thị trường của nước này sẽ cho phép tăng sản xuất điện vào năm 2028.
Các nhà máy mới sẽ có tổng công suất lên tới 10 gigawatt (GW), ngoài sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Dự kiến những nhà máy mới này sẽ rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định “ngay cả trong những thời điểm có rất ít năng lượng tái tạo, nắng và gió”.
Công ty Năng lượng Uniper của Đức, được cho là sẽ tham gia vào kế hoạch xây dựng này. Họ cho biết họ “nhẹ nhõm” khi quyết định xây dựng các nhà máy mới đã được đưa ra, đồng thời họ cho rằng “cần hành động nhanh chóng vì quy trình phê duyệt và việc xây dựng nhà máy điện thực tế và cơ sở lưu trữ sẽ mất vài năm”.
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, nền kinh tế hàng đầu của EU, đã thúc đẩy ngành công nghiệp của mình bằng khí đốt của Nga. Họ đã phải tăng cường nhập khẩu điện vào năm ngoái sau khi Chính phủ quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân để chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Tháng 4 năm ngoái, Đức đã đóng cửa ba lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của mình, bất chấp cảnh báo rằng làm như vậy sẽ thực sự khiến nhiều nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy hơn.
Đức đã đặt mục tiêu cắt giảm 65% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, một kế hoạch thậm chí còn tham vọng hơn cả kế hoạch mà toàn thể EU đặt ra. Tuy nhiên, theo báo cáo năm ngoái của Cơ quan Môi trường Liên bang cho thấy mục tiêu này có thể sẽ không thể thực hiện, vì cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài đã khiến việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo ở nước này cần phải xem xét kỹ lưỡng.
Link gốc
Theo: NL&CS