Đường dây gần nhà máy điện hạt nhân Grohne ở bang Hạ Sachsen, Đức ngày 30/8. Ảnh: AFP.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck ngày 5/9 thông báo hai trong số ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức "sẽ được duy trì đến giữa tháng 4/2023 để đề phòng trường hợp cần thiết".
Các nhà máy này sẽ được đưa vào trạng thái chờ nhằm "sẵn sàng đóng góp thêm sản lượng cho lưới điện ở miền nam nước Đức", nơi tiến trình phát triển năng lượng tái tạo chậm hơn so với miền bắc.
Quyết định được đưa ra sau khi các đơn vị vận hành lưới điện Đức thực hiện kiểm tra áp lực trên hệ thống, cho thấy có thể xảy ra nhiều giờ khủng hoảng cấp điện trong mùa đông do châu Âu thắt chặt thị trường năng lượng.
Bộ trưởng Habeck khẳng định cuộc khủng hoảng cấp điện "cực kỳ khó xảy ra" và Đức có nguồn cung đảm bảo. "Tuy nhiên, tôi phải làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo đầy đủ nguồn cung", ông Habeck giải thích về quyết định duy trì hai nhà máy hạt nhân.
Ông Habeck cũng nhấn mạnh Đức không thay đổi kế hoạch ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân và ngắt toàn bộ nhà máy điện hạt nhân khỏi lưới điện vào cuối năm nay. "Họ sẽ không đưa các thanh nhiên liệu mới vào lò phản ứng và nguồn dự trữ sẽ hết sau tháng 4/2023", ông Habeck nói.
Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân năm 2011 sau thảm họa tại Fukushima, Nhật Bản. Đức hồi tháng 3 kiểm tra áp lực trên lưới điện và kết luận các nhà máy điện hạt nhân không còn cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, do đó có thể dần loại bỏ chúng vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, thị trường điện tại Đức bị ảnh hưởng do chiến sự tại Ukraine, hóa đơn điện tăng vọt một phần do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. "Chiến sự và khủng hoảng khí hậu đang gây ra tác động lớn", Bộ trưởng Habeck nói, đề cập đến đợt hạn hán vào mùa hè khiến các dòng sông tại Đức khô cạn và cản trở vận chuyển than đến các nhà máy nhiệt điện.
Đức đã khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than và lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước mùa đông để đề phòng nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Bộ trưởng Habeck nói Đức không còn đưa nguồn cung của Nga vào các tính toán về an ninh năng lượng của mình, đồng thời tuyên bố "không ngạc nhiên" khi Nga chưa nối lại cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.
Theo: VnExpress