Tin thế giới

G20 cam kết tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo

Chủ nhật, 4/9/2022 | 17:19 GMT+7
Hội nghị bộ trưởng về chuyển tiếp năng lượng (ETMM) của nhóm các nền kinh tế lớn G20 tại Bali đã kết thúc vào hôm 2-9 với việc các thành viên G20 cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng không có thỏa thuận ràng buộc nào do những bất đồng xung quanh cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine.
 
Hội nghị bộ trưởng về chuyển tiếp năng lượng (ETMM) của G20 diễn ra ở Bali, Indonesia hôm 2-9. Ảnh: Reuters
 
Giá năng lượng đã tăng chóng mặt kể từ khi Moscow tiến hành cuộc tấn công quân sự ở Ukraine, khiến nhiều nước phương Tây tranh nhau tìm các nguồn cung thay thế trong nỗ lực cắt đứt thương mại năng lượng với Nga. Những biến động về giá cả năng lượng đã gây áp lực lên các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
 
Nước chủ nhà Indonesia đã đưa ra một kế hoạch có tên gọi Thỏa thuận Bali, trong đó, đặt ra các nguyên tắc để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn và nó đã được hội nghị ETMM tán thành.
 
Bộ trưởng Năng lượng Indonesia, Arifin Tasrif cho biết “Thỏa thuận Bali” đưa ra các nguyên tắc không ràng buộc để đạt mục tiêu đưa phát thải carbon trên toàn cầu về mức zero ròng vào giữa thế kỷ này.
 
Chi tiết của thỏa thuận không được công bố nhưng Bộ trưởng Arifin Tasrif cho biết thỏa thuận sẽ tìm cách củng cố việc hoạch định và triển khai các dự năng lượng quốc gia để cải thiện an ninh, hiệu quả năng lượng cũng như tăng cường đầu tư và tài trợ vốn cho lĩnh vực năng lượng.
 
Thỏa thuận Bali sẽ được trình ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới để các lãnh đạo G20 ký kết.
 
“Các bộ trưởng năng lượng G20 đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường rằng các nhà hoạch định chính sách đang hành động để củng cố môi trường tạo thuận lợi cho đầu tư”, ông Tasrif nói trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 2-9.
 
Tuy nhiên, các bộ trưởng năng lượng G20 đã không đạt được đồng thuận về một thông cáo chung do “những bất đồng giữa các nước” tại cuộc họp kéo dài một ngày, ông Tasrif nói mà không giải thích chi tiết.
 
Một số nước, bao gồm cả Anh và Pháp, đã lên án Nga vì cuộc chiến tranh ở Ukraine và nói rằng chiến tranh đã làm mất ổn định nguồn cung năng lượng.
 
Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng Nga, Nikolai Shulginov nói rằng các hạn chế thương mại đơn phương mà phương Tây áp đặt đối với Nga đã gây ra gián đoạn nguồn cung và đẩy tăng giá năng lượng trên khắp thế giới.
 
Shulginov cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đã cản trở việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng hợp lý và đáng tin cậy cho tất cả mọi người.
 
Ông lưu ý rằng thế giới chỉ có thể vượt qua khủng hoảng năng lượng bằng cách loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của nó, và điều này đòi hỏi phải khôi phục chuỗi cung ứng năng lượng và thiết lập một chính sách năng lượng và khí hậu cân bằng.
 
Sự hiện diện của Nga tại hội nghị đồng nghĩa với việc không thể đạt được đồng thuận cho một thông cáo chung, một nguồn tin nói với AFP.
 
“Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại cho thấy sự cấp bách phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng”, nguồn tin cho biết thêm.
 
Đại diện từ Mỹ, Saudi Arabia, Úc, Đức, Ấn Độ, Nam Phi và Liên minh châu Âu (EU) cũng tham gia hội nghị.
 
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, người trực tiếp tham dự hội nghị, cho biết nhiều nước đã lên án Nga về cuộc chiến tranh ở Ukraine.
 
Ông nói: “Dù đáng tiếc là một tuyên bố chung đã không được đưa ra, tôi có ấn tượng rằng G-20 đang kiên định tiến tới lộ trình chuyển đổi sang năng lượng sạch”.
 
Cuộc đàm phán năng lượng của G20 diễn ra sau các cuộc thảo luận về môi trường của G20 tại Bali hôm 31-8 cũng đã kết thúc mà không có thông cáo chung, phản ánh sự chia rẽ giữa các nước thành viên G20 về cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
 
Bộ trưởng Khí hậu Anh, Alok Sharma kêu gọi các chính phủ G20 nên xem xét lại và củng cố các cam kết của họ để đạt được mức phát thải ròng bằng zero.
 
Indonesia, nhà xuất khẩu và sử dụng than lớn, đã tham gia cam kết toàn cầu loại bỏ dần việc sử dụng than và đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 25% cơ cấu năng lượng của nước này vào năm 2025, tăng từ khoảng 12% hiện nay. Hiện than cung cấp khoảng 60% nhu cầu điện của Indonesia.
 
Trong một báo cáo công bố hôm 2-9, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết Indonesia cần đảm bảo thực thi các cải cách chính sách để có thể chuyển sang năng lượng sạch nhanh hơn. Báo cáo cho biết các loại công nghệ mà Indonesia cần để chuyển sang năng lượng sạch hơn, chẳng hạn như hệ thống điện mặt trời, đã có sẵn trên thị trường và rất hiệu quả về chi phí, miễn là chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ.
 
Theo báo cáo, các dự án năng lượng mặt trời ở Indonesia hiện có chi phí cao hơn gấp đôi so với các dự án ở các nền kinh tế mới nổi tương tự, vì vậy, chúng không cạnh tranh về mặt kinh tế so với các nhà máy nhiết điện than và điện khí.
 
Tổng thống Indonesia, Joko Widodo có kế hoạch ban hành quy định mới về biểu giá điện nhằm thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhưng quy định này đã bị trì hoãn trong nhiều năm.
 
Trong khi đó, kế hoạch áp thuế carbon đối với các dự án nhiệt điện than cũng bị trì hoãn. Ban đầu, Indonesia định triển khai thuế carbon vào tháng 4 -2022. Theo IEA, trong một kịch bản giả định các cam kết về khí hậu được đáp ứng, Indonesia có thể đạt 25 GW công suất năng lượng mặt trời và gió vào năm 2030, tăng từ khoảng 0,4 GW hiện nay.
 
Theo: The Saigon Times