Nắm bắt nhu cầu này, trên thị trường đã xuất hiện những gói tín dụng dành cho các doanh nghiệp, cá nhân vay để đầu tư lắp điện mặt trời áp mái, lãi suất ưu đãi.
Lãi suất ưu đãi
Gia đình chị Hà (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết đã đầu tư lắp các thiết bị điện mặt trời công suất 3,84 kW, với hệ thống 12 tấm pin mono ae solar, chi phí đầu tư khoảng 75 triệu đồng.
Theo chị Hà, sau khi sửa nhà, gia đình đã quyết định lắp thêm hệ thống điện mặt trời áp mái để tiết kiệm chi phí, chính sách mới cũng cho phép đấu nối với điện lưới quốc gia và có thể bán lại cho Điện lực TP.
"Theo tính toán, hệ thống này sẽ cho ra công suất điện giá trị khoảng 1 triệu đồng/tháng, phù hợp với gia đình 5 người ở. Quan trọng hơn chúng tôi tiếp cận được khoản vay lãi suất khá tốt nên đã mạnh dạn đầu tư", chị Hà nói.
Một số gia đình ở TP.HCM thời gian gần đây bắt đầu quan tâm hơn đến các gói vay đầu tư điện mặt trời ở gia đình khi nhận thấy những lợi ích từ điện mặt trời.
Tháng trước, HSBC Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư GIC tung ra gói Tín dụng Xanh hỗ trợ khách hàng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Đà Nẵng. Đáng chú ý, khoản vay có mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay thông thường kèm mức giảm giá sản phẩm trực tiếp từ Công ty GIC.
Ông Phương Tiến Minh, Giám đốc toàn quốc Khối ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết đây là một sản phẩm cho vay hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ năng lượng điện mặt trời cho các hộ gia đình tại Việt Nam. Sau gần một tháng triển khai, ngân hàng đã nhận được đăng ký của một số khách hàng cá nhân để tư vấn và khảo sát, trong đó có hai trường hợp đã giải ngân thành công.
Cũng theo ông Minh, lãi suất ưu đãi cho khoản vay này chỉ từ 11,99% - 12,99%, thấp hơn 3% so với lãi suất vay thông thường. Ngoài ra, trong gói tín dụng xanh này, người đi vay còn được hưởng chiết khấu trực tiếp cho hệ thống điện năng lượng mặt trời của GIC với mức giảm 14% cho khách hàng Premier và 12% cho khách hàng cá nhân khác.
Thủ tục đơn giản
Đại diện GIC cho biết hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái của công ty được sản xuất và chứng nhận theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu với thời gian bảo hành sản phẩm 12 năm và bảo hành hiệu suất hoạt động 25 năm.
Thông qua khoản vay tín dụng tiêu dùng tại HSBC hoặc sử dụng tiền mặt, khách có thể thanh toán cho hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái của công ty với cách thức đăng ký đơn giản, chi phí hợp lý để tận dụng nguồn năng lượng mặt trời vô hạn.
Theo đó, sau khi đăng ký, khách sẽ được chuyên viên phụ trách sản phẩm của Công ty GIC khảo sát khả năng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại nhà của khách hàng miễn phí. Một khi nhà đạt yêu cầu, hai bên sẽ tiến hành các bước thoả thuận tiến tới hợp đồng vay. Số tiền vay từ 30 triệu đến 500 triệu VND tùy thuộc vào giá trị của hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái cần lắp đặt.
"Với gói lãi suất ưu đãi này, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng sẽ không còn đắn đo khi nghĩ tới việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Việc mua hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái cũng sẽ diễn ra dễ dàng như việc mua sắm vật dụng gia đình - không quá lo lắng về chi phí đầu tư ban đầu, không bị nặng gánh về vấn đề chi phí hàng tháng khi thời hạn vay kéo dài đến 60 tháng", ông Phương Tiến Minh cho biết.
Lợi ích của việc lắp đặt điện mặt trời áp mái
Một lợi ích đáng kể khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới là nếu gia đình sử dụng điện vào ban ngày, hệ thống sẽ ưu tiên sử dụng trực tiếp điện mặt trời được sản sinh ra từ hệ thống. Vì vậy, hộ gia đình sẽ tiết kiệm được số điện phải mua từ lưới điện của EVN. Với việc áp dụng giá điện hộ gia đình đang tính theo mức bậc thang hiện nay, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời sẽ giảm mức bậc thang này và giúp hộ gia đình hưởng được giá điện ở mức thấp nhất.
Mặt khác, nếu năng lượng mặt trời tạo ra không được sử dụng hết người dân có thể tận dụng bán lại cho EVN, hiện nay Chính phủ Việt Nam đã có chính sách mua lại điện dư từ hệ thống năng lượng mặt trời với giá 9,35 cents 2.134 đồng/kWh và trả tiền hàng tháng cho khách hàng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, với nhu cầu về điện dự kiến tăng 8% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2031, Việt Nam cần phải sản xuất 60.000 Megawatt (MW) điện vào năm 2020, 96.500 MW vào năm 2025 và 129.500 MW vào năm 2030. Để thực hiện được điều đó, Chính phủ đang tiến tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo đủ sản lượng điện và giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
|