Miền Nam – khu vực kinh tế trọng điểm và phát triển năng động bậc nhất cả nước, các nhà máy nhiệt điện dùng dầu DO và khí chiếm tỷ lệ quan trọng đặc biệt trong mùa khô. Vì vậy, nguy cơ thiếu điện là thực tế hiện hữu. Nguồn điện chính của Việt Nam chủ yếu ở miền Bắc, gồm các nhà máy thủy điện và các nhà máy nhiệt điện than có giá thành thấp hơn các nguồn điện dùng nhiên liệu dầu. Trong khi đó hệ thống điện của chúng ta chưa được kết nối thống nhất, nên không thể truyền tải điện năng từ miền Bắc vào miền Nam. Do đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải 500kV Bắc – Nam, kết nối hệ thống điện cả nước để khai thác có hiệu quả các nhà máy điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước là hết sức cần thiết.
Qua 25 vận hành đường dây siêu cáo áp 500kV Bắc-Nam mạch 1 là quãng thời gian đủ để khẳng định tính tất yếu, tầm nhìn vĩ mô của Đảng và Nhà nước khi quyết định đầu tư xây dựng đường dây này. Quyết định mang tính chiến lược này không chỉ khẳng định tầm quan trọng của đường dây 500kV trong việc liên kết điện năng giữa các vùng, miền của cả nước mà còn thể hiện sự phát triển vượt bậc của những "người lính" truyền tải đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý vận hành hệ thống lưới điện siêu cao áp quốc gia một cách an toàn, hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 25 năm qua đi, đường dây 500kV mạch 1 đã phát huy hiệu quả to lớn, không chỉ thể hiện ở con số sản lượng điện truyền tải hàng năm, mà còn là sự kích cầu cho sự phát triển, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những thời điểm khó khăn, là “sợi dây” vững chắc liên kết hệ thống truyền tải điện theo cả hai chiều, giúp điều hòa lưới điện của cả nước linh hoạt, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện áp cho cả hệ thống, tạo điều kiện để khai thác tối ưu các nguồn điện, góp phần hết sức quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước ta.
Từ thực tiễn trong công tác, đội ngũ CBCNV của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã trưởng thành nhanh chóng, không ngừng phát huy nội lực, chủ động học hỏi nâng cao trình độ mọi mặt để tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, sửa chữa, thay thế đường dây và trạm biến áp 500kV (kể cả việc quản lý thiết bị công nghệ tự động hoá tại các trạm biến áp 220kV - 500kV) mà không cần đến chuyên gia nước ngoài, tiết kiệm được ngoại tệ cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh những ý nghĩa to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng trên cả nước, đường dây 500kV Bắc – Nam còn là cơ hội để CBCNV ngành Điện tiếp cận với thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến của các nước công nghiệp phát triển. Điển hình là khi thi công đường dây mạch 1 cần phải có chuyên gia nước ngoài từ lập dự án đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thí nghiệm hiệu chỉnh thì đến đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2 và các đường dây 500kV khác trên toàn quốc, đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý, công nhân vận hành trạm và đường dây đã chủ động phát huy nội lực tự chủ của chính kỹ sư, công nhân Việt Nam. Các công đoạn từ tư vấn, giám sát, thí nghiệm thiết bị, đến công tác quản lý, vận hành đường dây đều do CBCNV ngành Điện Việt Nam thực hiện, mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình. Bằng tinh thần học hỏi, dám nghĩ dám làm, tính chủ động, sáng tạo, CBCNV ngành Điện đã nắm bắt, làm chủ thiết bị công nghệ, đảm nhận được nhiều công việc đòi hỏi chất xám và kỹ thuật cao như: Sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện; sử dụng máy bay trực thăng sửa chữa đường dây 500kV; sửa chữa đại tu, bảo dưỡng máy biến áp 500kV tại hiện trường; vệ sinh sứ hotline; xử lý các mối nối tiếp xúc bằng công nghệ hàn cadweld; sử dụng công nghệ kiểm tra phóng điện bề mặt chuỗi sứ bằng thiết bị ghi hình vầng quang corona camera; tự sửa chữa sự cố máy biến áp, cũng như chủ động chế tạo các thiết bị, công nghệ và vật tư chất lượng cao để phục vụ thay thế, sửa chữa công trình... đảm bảo cho lưới điện vận hành thông suốt, ổn định, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do sự cố mất điện gây ra. Trước đây toàn bộ cột thép, dây dẫn, dây chống sét, cùng nhiều linh kiện khác đều phải nhập từ nước ngoài, thì đến nay cơ khí chế tạo trong nước đã sản xuất được và sẵn sàng phục vụ cho mọi nhu cầu khi đầu tư xây dựng các công trình điện. Đặc biệt, ngành điện đã chế tạo thành công máy biến áp 500kV được lắp đặt tại trạm biến áp 500kV Nho Quan và đang tiến hành thi công các máy biến áp 500kV theo đơn đặt hàng khác.
Các chuyên gia kinh tế đã từng ví von công trình đường dây siêu cáo áp 500kV Bắc-Nam mạch 1 vừa là "xa lộ" truyền tải điện năng vừa là "xa lộ" truyền tải thông tin qua các sợi quang trên toàn quốc. Quả thực đúng như vậy, dây chống sét kết hợp với cáp quang của đường dây này và các đường dây truyền tải điện khác đã góp phần lập nền tảng truyền dẫn thông tin xuyên quốc gia, góp phần rất quan trọng giúp lĩnh vực viễn thông của Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Các chuyên gia thừa nhận việc đầu tư xây dựng kịp thời đường dây siêu cáo áp 500kV Bắc – Nam mạch 1 là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nhìn lại 25 năm sau khi công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam mạch 1 được đưa vào vận hành, chúng ta có thể thấy rằng giá trị mang lại của đường dây này là vô cùng to lớn. Những năm 1994-1997, đường dây đã truyền tải công suất và sản lượng điện lớn từ phía Bắc vào cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại miền Nam và miền Trung, chấm dứt tình trạng cắt điện triền miên trước đó, nâng cao đáng kể độ tin cậy của hệ thống và đảm bảo chất lượng điện áp. Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam mạch 1 nói riêng và cả Hệ thống truyền tải điện quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bằng và miền núi trên cả nước. Cho đến nay đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 và cả hệ thống truyền tải vận hành tin cậy, ổn định trong khi sản lượng truyền tải qua hệ thống tăng trưởng bình quân là 15%/năm (từ 71,3 tỷ kWh năm 2008 lên 184,5 tỷ kWh năm 2018), số lượng các trạm biến áp trong lưới điện của EVNNPT tăng từ 62 TBA (11 TBA 500kV và 51 TBA 220kV) với dung lượng là 22527MVA năm 2008 lên 148 TBA (30 TBA 500kV và 118 TBA 220kV) với dung lượng 89,738 MVA cuối năm 2018, chiều dài đường dây 500, 220kV tăng từ 11.442 km lên 24.692 km.
Ngay từ khi mới đưa vào vận hành, đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam mạch 1 đã nhanh chóng phát huy hiệu quả. Công trình mang lại lợi ích kinh tế vượt trội. Trong vòng chưa đầy 3 năm ngành điện đã thu hồi được tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu đô la Mỹ. Nhưng cái được lớn hơn của đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 là đã góp phần quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của kinh tế đất nước. Các số liệu cụ thể sau đây là minh chứng sinh động cho điều đó: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995; giai đoạn 1996-2000, mặc dù trước tác động khủng hoảng tài chính – kinh tế khu vực tuy nhiên giai đoạn này vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 7%/năm; giai đoạn 2000-2005, nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, GDP bình quân mỗi năm đạt 7,5%. Sự phát triển vượt bậc của kinh tế xã hội của đất nước sau khi đưa đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam mạch 1 vào vận hành đã thúc đẩy việc phải tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2 (năm 2005) và mạch 3 (dự kiến sẽ hoàn thành, đóng điện vào tháng 6 năm 2020).
Qua 25 năm vận hành đường dây 500kV mạch 1 đã chứng minh tính đúng đắn, tầm chiến lược của công trình, mang lại hiệu quả trong việc truyền tải điện năng giữa các vùng miền của đất nước, phát huy lợi thế từng khu vực theo từng thời điểm. Đồng thời cũng khẳng định sự phát triển vượt bậc của giai cấp công nhân lao động Việt Nam nói chung và ngành điện nói riêng; đã nỗ lực thực hiện xây dựng, quản lý vận hành hệ thống lưới điện cao áp quốc gia một cách an toàn, làm chủ khoa học công nghệ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Đây cũng tiền đề mở đường cho sự phát triển của ngành Điện và là cơ sở để xây dựng đường dây 500kV mạch 2, mạch 3 cũng như tăng cường mở rộng hợp tác liên kết với các nước trong khu vực, sớm kết nối lưới điện nước ta với hệ thống điện của các nước ASEAN, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước..