Một nhà máy hóa chất của Đức. (Ảnh: Reuters)
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 19/8 đã "bật đèn xanh" cho kế hoạch trị giá 27,5 tỷ euro (27,6 tỷ USD) của Đức nhằm hỗ trợ các công ty dùng nhiều năng lượng của nước này, vốn đang đối mặt với chi phí cao hơn vì phải mua chứng chỉ phát thải theo Hệ thống Thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài Đức, EC cũng đã bật đèn xanh cho các chương trình tương tự với quy mô nhỏ hơn của Hà Lan và Phần Lan.
Bà Margrethe Vestager - Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU cho hay chương trình trị giá 27,5 tỷ euro trên sẽ giúp các công ty Đức giảm nguy cơ phải chuyển sản xuất sang các nước nằm ngoài khối EU - nơi có các biện pháp bảo vệ khí hậu ít tham vọng hơn.
Khoản tiền này sẽ bù đắp cho giá điện cao hơn mà các công ty phải chi trả theo hệ thống buôn bán khí thải của EU.
Theo quy định của Đức, các công ty sử dụng nhiều năng lượng đủ điều kiện được hỗ trợ sẽ được hoàn một phần chi phí phát sinh từ năm 2021 đến năm 2030.
Số tiền hỗ trợ tối đa trong hầu hết trường hợp sẽ bằng 75% "chi phí phát thải gián tiếp" phát sinh hoặc là một phần của hóa đơn tiền điện tăng cao do các công ty phải chi trả nhiều hơn cho khí phát thải.
Theo quy định của EU, các công ty sản xuất da, kim loại hoặc giấy đủ điều kiện để được hỗ trợ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cũng đi kèm một số điều kiện khác, chẳng hạn các công ty phải đầu tư vào những biện pháp tiết kiệm năng lượng hoặc khử carbon.
Những biện pháp này có thể bao gồm việc tăng tiết kiệm năng lượng, hoặc đảm bảo tối thiểu 30% lượng điện tiêu thụ lấy từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, các công ty từ năm 2023 phải đầu tư thêm để ít nhất 50% số tiền hỗ trợ hướng tới việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, hoặc để khử carbon trong quá trình sản xuất.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phàn nàn rằng việc họ phải chi trả cho lượng khí phát thải thông qua Hệ thống Thương mại khí thải EU (ETS) - công cụ chính để thực thi chính sách khí hậu của khối, khiến họ gặp bất lợi so với các ngành ngoài EU.
Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng cao, thậm chí trong một số trường hợp các công ty buộc phải chuyển sang sử dụng than đá vốn thải nhiều carbon hơn.
Đức vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga và cũng là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng.