Tin thế giới

Nắng nóng giáng đòn vào khủng hoảng năng lượng châu Âu

Thứ bảy, 20/8/2022 | 13:34 GMT+7
Mùa hè khô hạn vì nắng nóng làm giảm sản lượng thủy điện Na Uy, đe dọa lò phản ứng hạt nhân Pháp, làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng châu Âu.
 
Sông Rhine ở Bingen, Đức cạn nước hôm 15/8. Ảnh: NY Times.
 
Tại vùng đất Bắc Âu nổi tiếng với những vịnh nước sâu, Sverre Eikeland chỉ tay về phía một trong những hồ chứa chính của Na Uy, cho thấy mực nước đã giảm mạnh, để lộ ra những vách đá cao 15 mét.
 
"Bạn thấy chỗ vách đá mà thảm thực vật không phát triển kia không? Mực nước đáng lẽ cao tới đó", Eikeland, giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Agder Energi, nói về hồ chứa Skjerkevatn. "Chúng tôi không quen với hạn hán. Chúng tôi cần nước".
 
Mùa hè nắng nóng ở châu Âu đang gây ra những tác động nghiêm trọng với Na Uy. Sản lượng từ các nhà máy thủy điện, vốn cung cấp 90% điện năng cho Na Uy và xuất khẩu sang các nước láng giềng, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua, gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá cả tăng.
 
Mùa hè khắc nghiệt, hạn hán nghiêm trọng đã giáng thêm đòn vào hệ thống năng lượng châu Âu, vốn đang lao đao vì Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.
 
Tại Pháp, nhiệt độ nước sông tăng đã gây khó khăn cho việc xả nước làm mát của các lò phản ứng hạt nhân. Tại Đức, mực nước sông Rhine quá thấp để có thể vận chuyển than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, giải pháp mà Berlin đang áp dụng để bù đắp nguồn khí đốt giảm từ Nga. Trong khi tại Anh, tháng 7 khô hạn nhất trong gần 90 năm qua đã gây ra các đám cháy rừng xung quanh London, khiến hàng nghìn ngôi nhà ở miền bắc đất nước không có điện.
 
"Chúng tôi gọi đó là cơn bão hoàn hảo", Steffen Syvertsen, giám đốc Agder Energi, nói.
 
Syvertsen hiện có mặt ở Arendal, nơi các lãnh đạo chính trị và công nghiệp Na Uy nhóm họp về "khủng hoảng năng lượng", yêu cầu xem xét lại các thỏa thuận xuất khẩu điện với Liên minh châu Âu (EU) và Anh, hoặc cung cấp gói trợ cấp mới cho người dân Na Uy để giảm áp lực về giá điện tăng vọt.
 
Bên cạnh Nga cắt nguồn cung, nhu cầu tăng vọt khi nền kinh tế phục hồi hậu đại dịch, thất bại trong nỗ lực tăng nguồn cung năng lượng tái tạo và đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm đã khiến giá điện ở Na Uy tăng kỷ lục, đặc biệt ở các thành phố đông dân tại miền nam đất nước.
 
Quốc gia giàu tài nguyên, vốn là bên xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ lớn, đang chịu áp lực phải hạn chế bán năng lượng ra bên ngoài để phục vụ nhu cầu trong nước. "Cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng và đảm bảo an ninh năng lượng là phải độc lập với khí đốt Nga càng nhanh càng tốt. Nhưng đó là thách thức lớn", Syvertsen nói.
 
Hôm 16/8, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng dù giữ cam kết cung cấp điện cho thị trường EU, Oslo khó có thể tăng thêm lượng xuất khẩu khí đốt.
 
Nhưng Đức cần nhiều khí đốt hơn. Đợt hạn hán nghiêm trọng đã khiến quốc gia này phải thảo luận về phương án đầu tư vào năng lượng hạt nhân, trong bối cảnh hoạt động vận chuyển than đá bằng đường thủy gặp nhiều khó khăn.
 
Các nhà máy nhiệt điện của Đức nằm rải rác bên bờ sông Rhine, nhưng mực nước sông thấp buộc các tàu chở than lớn chỉ vận chuyển khoảng 1/3 công suất. Tuần trước, Uniper, công ty điện lực lớn của Đức, thông báo sẽ cắt giảm sản lượng điện từ hai trong ba nhà máy nhiệt điện vì không đủ nguồn cung than.
 
Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất được ghi nhận ở Pháp cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung năng lượng, khi các nhà máy hạt nhân cung cấp hơn 70% điện năng của nước này phải giảm hoạt động để tránh xả nước nóng hơn ra sông.
 
Nhiều lò phản ứng của 56 nhà máy điện hạt nhân đã phải dừng hoạt động để bảo trì. Nhưng những dòng sông tiếp nhận nước làm mát từ các lò phản ứng đã trở nên nóng hơn vì nhiệt độ tăng, vượt mức cho phép theo quy định xả nước từ các nhà máy để bảo vệ động vật hoang dã.
 
Tuy nhiên, cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân của Pháp tháng này tạm thời miễn trừ áp dụng quy định, cho phép 5 nhà máy tiếp tục xả nước nóng ra sông với lý do đáp ứng "nhu cầu công cộng".
 
Tại Na Uy, một mùa đông không có nhiều tuyết và đặc biệt khô hạn trong mùa xuân, trong đó có tháng 4 khô hạn nhất trong 122 năm, đã làm giảm lượng nước ở các sông hồ. Nước ở Mjosa, hồ lớn nhất Na Uy, cạn đến mức tàu thuyền không thể hoạt động, buộc giới chức thành phố Oslo kêu gọi người dân giảm thời gian tắm và không dùng nước sinh hoạt để tưới cây cỏ.
 
"Hãy làm điều đó vì Oslo, để chúng ta còn nước cho những điều quan trọng nhất của cuộc sống", tin nhắn được chính quyền Oslo gửi tới người dân có đoạn.
 
Vào tháng 5, nhà điều hành lưới điện quốc gia Statnett SF cũng cảnh báo về nguy cơ thiếu điện. Lượng mưa thấp và mực nước xuống đến mức báo động khiến nhiều nhà máy thủy điện phải cắt giảm sản lượng để tiết kiệm nước cho mùa đông. Các hồ chứa hiện có lượng nước ở mức 60%, thấp hơn 10% so với trung bình hai thập kỷ trước, theo dữ liệu của cơ quan quản lý năng lượng.
 
Miền nam Na Uy, nơi có hơn 1/3 hồ chứa của đất nước, mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm, chỉ khoảng 46%. Hôm 16/8, mưa đã xuất hiện trở lại, nhưng Eikeland cho biết khi khảo sát khu vực, mặt đất vẫn rất khô và mức nước trong các hồ chứa hầu như không tăng.
 
Eikeland nói hạn hán năm nay chỉ càng cho thấy nhu cầu khẩn cấp của việc chuyển đổi năng lượng quy mô lớn hơn. "Chúng ta chưa sẵn sàng cho những thay đổi lớn hướng tới năng lượng tái tạo, nhưng cũng không chịu chấp nhận nếu giá điện tăng cao", ông nói.
 
Theo: VnExpress