Ủy ban châu Âu (EC) đã phê duyệt kế hoạch trị giá 2,36 tỷ euro, tương đương 2,6 tỷ USD của Hungary để nước này có thể tăng tốc đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, truyền thông Hungary đưa tin ngày 3/8.
Ủy ban châu Âu phê duyệt kế hoạch sản xuất năng lượng tái tạo của Hungary.
Hungary sẽ sử dụng chương trình này thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp và điều khoản có lợi về thuế. Kế hoạch này được phê duyệt theo Khuôn khổ Khủng hoảng và Chuyển đổi Tạm thời, một biện pháp được Ủy ban châu Âu thông qua vào đầu tháng 3 năm nay nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ các quốc gia thành viên EU. Các khoản tiền hỗ trợ từ chương trình của Hungary sẽ được cấp trước cuối năm 2025.
Trong số các công nghệ mà Hungary hướng đến là sản xuất các tấm pin mặt trời, pin hoặc chất điện phân và các công nghệ sạch khác.
Động thái này của Hungary cũng phù hợp với lời kêu gọi của Hội đồng sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu (ESMC) yêu cầu các quốc gia thành viên EU phân bổ hỗ trợ tài chính từ các khoản tài trợ của REPowerEU để thúc đẩy việc tạo ra ngành sản xuất điện mặt trời cạnh tranh trong nội địa.
Mặc dù Hungary không phải là thị trường điện mặt trời lớn, nhưng việc quốc gia này phụ thuộc vào việc nhập khẩu điện từ các nước láng giềng có thể thúc đẩy tăng trưởng điện mặt trời ở nước này, trong khu vực và cung cấp năng lực sản xuất cho các nước Đông Âu.
Các quốc gia trong Liên minh Châu Âu hiện đang hướng tới việc xây dựng năng lực sản xuất trong nước. Chia sẻ về kế hoạch này, bà Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành phụ trách chính sách cạnh tranh tại Ủy ban châu Âu, cho biết, "Kế hoạch trị giá 2,36 tỷ euro này của Hungary sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh. Kế hoạch này dành cho các lĩnh vực chiến lược sản xuất pin, tấm pin mặt trời, tua-bin gió, máy bơm nhiệt, chất điện phân, thiết bị sử dụng và lưu trữ thu hồi carbon cũng như các thành phần chính cho thiết bị đó. Nó sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư và giúp Hungary tích hợp năng lượng tái tạo vào nền kinh tế mà không gây tạo ra sự cạnh tranh quá mức".
Link gốc
Theo: VOV