Hội nghị về khí hậu tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất. Ảnh AP.
Anh đã trở thành nền kinh tế đầu tiên trên thế giới ban hành luật nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính về 0% vào năm 2050, khi mới đây, Anh đã ban hành văn bản hướng dẫn thực thi luật về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Anh khẳng định, đây là kế hoạch đầy tham vọng nhưng quan trọng, mà Anh cần đạt được để bảo vệ hành tinh và các thế hệ tương lai. Bộ Tài chính Anh cho biết, chi phí để thực hiện mục tiêu nêu trên khoảng 1.300 tỷ USD. Ủy ban về biến đổi khí hậu (CCC), cơ quan tư vấn cao cấp của Anh về biến đổi khí hậu, cũng cho rằng, Anh cần chi khoản ngân sách từ 1% đến 2% GDP của nước này từ nay đến năm 2050 để hiện thực hóa mục tiêu này.
Trong những bước đi đầu tiên nhằm thực hiện kế hoạch, ngày 2-7, Chính phủ Anh đã công bố chiến lược tài chính xanh của nước này, trong đó hối thúc ngành tài chính đi đầu trong việc phát triển một nền kinh tế xanh, nhằm giúp Anh hoàn thành mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chiến lược đề ra một loạt kế hoạch tăng đầu tư vào các dự án bền vững và phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi vẫn bảo đảm duy trì vị thế đi đầu của Anh trong lộ trình cắt giảm lượng khí thải các-bon.
Bên cạnh Anh, thời gian gần đây, nhiều quốc gia thành viên EU cũng đưa ra các thời hạn chót về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chính phủ Pháp đã đặt mục tiêu giảm khí thải vào năm 2050, trong khi Na Uy đang thảo luận về thời hạn chót là năm 2030. Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) cũng thông báo, tám quốc gia thành viên EU đã cam kết loại bỏ nhiệt điện vào năm 2030. Trong số đó, Pháp đặt mục tiêu loại bỏ nhiệt điện sớm nhất, vào năm 2022, tiếp theo là Italy và Ireland dự kiến loại bỏ nhiệt điện vào năm 2025. Năm nước còn lại gồm Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Phần Lan đều lên kế hoạch vào năm 2030.
Các chuyên gia cho rằng, những cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên EU cho thấy quyết tâm của khối trong việc thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Trên thực tế, châu Âu vừa trải qua một đợt nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ lên mức kỷ lục hơn 45oC ở nhiều nước như Pháp, Bungary, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp... Theo các nhà khoa học thuộc Liên minh Thời tiết thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người có thể là nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng gay gắt này.
Tuy nhiên, nỗ lực của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu gặp không ít thách thức. Tại Hội nghị cấp cao EU mới đây, các quốc gia thành viên EU chưa thể đạt đồng thuận về mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 0% vào năm 2050, do sự phản đối mạnh mẽ của Ba Lan, CH Séc và Hungary. Pháp và Đức là hai quốc gia dẫn đầu các nỗ lực của EU nhằm đặt ra mục tiêu mới đầy tham vọng về khí hậu trước thềm hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, trong hội nghị kéo dài nhiều giờ, các nhà lãnh đạo EU đã không thể xoa dịu quan ngại của các nước Trung Âu, vốn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và than đá. Ba Lan khẳng định sẽ không ủng hộ mục tiêu nêu trên nếu EU chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Chống biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, bởi hậu quả nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu đối với sự sống của nhân loại, các loài động thực vật và sự phát triển toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến này chỉ có thể thành công khi có sự chung tay góp sức của tất cả các quốc gia trên thế giới.