EU với công cuộc chuyển đổi xanh.
Trước thực tế biến đổi khí hậu gây thời tiết cực đoan ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng, trong khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử EP diễn ra vào tháng 6 năm nay, các nhà hoạch định chính sách của EU xem chính sách về khí hậu là vấn đề then chốt nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa carbon vào năm 2050.
Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) vào năm 2019 và thỏa thuận này đã được thông qua vào tháng 1/2020. Đây là chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050, với các gói sáng kiến chính sách khung nhằm thực hiện các mục tiêu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, chương trình nghị sự xanh của EU không được một số quốc gia thành viên ủng hộ hoàn toàn vì chi phí cao. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cuộc bầu cử của EP có thể khiến việc thông qua các chính sách khí hậu đầy tham vọng trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh như vậy, EC dự kiến đưa ra khuyến nghị EU đến năm 2040 cắt giảm 90% lượng khí thải ròng của năm 1990, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực tăng mạnh đầu tư để đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 trước năm 2050.
Theo nghiên cứu của Viện Rousseau, EU có thể bảo đảm phần lớn số vốn đầu tư nêu trên bằng cách chuyển hướng các khoản chi tiêu hiện tại, chủ yếu là chi cho các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Điều này đồng nghĩa EU sẽ cần phải thoái vốn quy mô lớn khỏi các dự án như sản xuất ô-tô động cơ đốt trong, nhiên liệu hóa thạch và xây sân bay mới, đồng thời tăng cường đầu tư vào giao thông công cộng, cải tạo các tòa nhà theo hướng thân thiện với môi trường và thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Đồng Chủ tịch nhóm các nhà lập pháp Xanh thuộc EP, Philippe Lamberts, cho rằng, EU luôn có sẵn nguồn lực đầu tư, chỉ cần khối thoái vốn lớn khỏi các dự án gây ảnh hưởng tiêu cực tới khí hậu. Theo các nhà nghiên cứu, khoản đầu tư cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng 0 chủ yếu đến từ khu vực tư nhân, nhưng chi tiêu công cho quá trình chuyển đổi xanh cũng sẽ cần tăng gấp đôi, lên 490 tỷ euro mỗi năm.
Trong nỗ lực của EU nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải khí nhà kính, mới đây, EC thông báo đã phê duyệt các chương trình tài trợ của nhà nước từ Pháp và Đức. Khoản đầu tư viện trợ của Pháp với tổng trị giá 2,9 tỷ euro nhằm tận dụng các khoản miễn thuế để hỗ trợ các công ty có kế hoạch đầu tư vào sản xuất pin mặt trời, pin, tua-bin gió và máy bơm nhiệt, cũng như các bộ phận chính và vật liệu quan trọng cần thiết cho việc chế tạo các sản phẩm này.
Trong khi đó, khoản hỗ trợ trị giá 902 triệu euro của Đức dành cho Northvolt, một nhà sản xuất pin của Thụy Điển, nhằm xây dựng nhà máy tập trung vào sản xuất pin cho xe điện ở thành phố Heide. Việc sản xuất dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2026 với công suất hoạt động đạt tối đa vào năm 2029. Theo Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EC Margrethe Vestager, khoản viện trợ của Đức sẽ cho phép Northvolt đầu tư vào một siêu nhà máy để sản xuất pin cho xe điện ở châu Âu thay vì ở Mỹ.
Trong khi đó, Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)- tổ chức cho vay dài hạn của EU thuộc sở hữu của các quốc gia thành viên, đang đẩy mạnh việc tài trợ cho các khoản đầu tư góp phần vào các mục tiêu chính sách của EU, bao gồm cả quá trình tiến tới trung hòa carbon trên toàn cầu. Quỹ đầu tư châu Âu (EIF) trực thuộc EIB hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME) của châu lục tiếp cận nguồn tài chính. Trong năm 2023, EIB đã ký các hợp đồng tài trợ mới trị giá gần 88 tỷ euro cho các dự án có tác động cao trong các ưu tiên chính sách của EU, trong đó có hành động về khí hậu.
Theo Chủ tịch EIB Nadia Calviño, trên khắp châu Âu, EIB đang thực hiện các ưu tiên của EU là thúc đẩy khả năng cạnh tranh của châu Âu và sự đi đầu của EU về công nghệ xanh. Với 349 tỷ euro đầu tư xanh được huy động kể từ năm 2021, EIB đang trên đà đạt được mục tiêu 1.000 tỷ euro tài chính xanh bền vững vào cuối thập kỷ này. Trong đó, 49 tỷ euro được tài trợ trực tiếp cho hành động về khí hậu và môi trường bền vững vào năm 2023, so với 38 tỷ euro vào năm 2022.
Các nước EU đang mạnh tay rút hầu bao chi cho các dự án chuyển đổi năng lượng. Sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng gió và mặt trời đã bắt đầu mang lại lợi ích cho lục địa già sau một mùa đông đầy u ám. Năng lượng tái tạo đã giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ, giảm tác động của hạn hán, lượng khí thải ra môi trường trên toàn EU. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào các dự án năng lượng sạch, công cuộc chuyển đổi xanh của các nước trong khu vực được dự báo sẽ chứng kiến những bước nhảy vọt trong thời gian tới.
Link gốc