Đảm bảo cung ứng điện khi phụ tải tăng cao và khô hạn
Tháng 6/2010, ở nước ta ghi nhận thời tiết nắng nóng gay gắt trên diện rộng, Bắc bộ và Bắc Trung bộ phải chịu đựng đợt nắng nóng nhất trong vài chục năm qua, nhiều nơi nhiệt độ lên trên 40 độ C. Mùa mưa ở Nam Bộ cũng đến muộn hơn mọi năm.
Vì vậy, lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc vẫn thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm (từ 35% - 55%), lũ về muộn hơn so với các năm trước nên các nhà máy thủy điện phía Bắc như: Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang khai thác theo lượng nước về, các máy thủy điện miền Trung và miền Nam khai thác theo kế hoạch điều tiết, khai thác tối đa các nhà máy nhiệt điện than, tua-bin và mua tối đa điện Trung Quốc, huy động cao các nhà máy nhiệt điện dầu (Thủ Đức, Cần Thơ, Ô Môn) và trong thời gian ngừng cấp khí PM3 (từ ngày 19 - 25/6) huy động các tổ máy NĐ Cà Mau bằng dầu DO. Khí Cửu Long cấp trung bình khoảng 0,8 triệu m3/ngày; khí Nam Côn Sơn cấp trung bình 17 triệu m3/ngày.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tháng 6/2010, sản lượng trung bình ngày của toàn hệ thống đạt 275,3 triệu kWh, tăng 8,1% so cùng kỳ năm trước (254,7 tr.kWh/ngày), chưa kể phần tiết kiệm điện và tiết giảm phụ tải. Sản lượng ngày cao nhất đạt 283,59 tr.kWh (ngày 24/6).
Điện sản xuất và mua của EVN tháng 6 đạt 7,984 tỷ kWh, tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện sản xuất đạt 4,849 tỷ kWh (Thủy điện 1,495 tỷ kWh, giảm 44,17% so với cùng kỳ, nhiệt điện dầu và diesel 344 triệu kWh, tăng 324,3% so cùng kỳ và tăng 51% so tháng 5/2010). Điện mua ngoài đạt 3,135 tỷ kWh, tăng 32,28% so cùng kỳ (điện mua Trung Quốc 494 tr.kWh, tăng 35,86% so cùng kỳ).
Do thời tiết khô hạn và nước về muộn nên nguồn thủy điện của EVN chỉ huy động bằng 84,46%, hụt hơn 1,7 tỷ kWh so cùng kỳ năm 2009. Để phấn đấu đáp ứng điện cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của đất nước, EVN đã huy động tất cả các nguồn điện hiện có, trong đó có các nguồn điện có giá thành rất cao, đó là nhiệt điện dầu tăng 179,85%, tua-bin khí chạy dầu tăng 604,8% và Diesel tăng 21,76% so cùng kỳ năm 2009.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương về các giải pháp cấp bách cung cấp điện trong mùa khô, ứng phó với những khó khăn do thời tiết bất lợi, để đảm bảo an toàn hệ thống điện Quốc gia, EVN phải thực hiện phân bổ sản lượng điện đầu nguồn bình quân ngày cho các Tổng công ty/Công ty Điện lực trong quý II/2010 để các đơn vị chủ động cung cấp điện cho khách hàng.
Trong 6 tháng đầu năm 2010, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp tại 308 xã để bán điện trực tiếp cho 419 ngàn hộ dân nông thôn. Tính từ khi bắt đầu Chương trình tiếp nhận (tháng 8/2008) đến cuối tháng 6/2010, EVN đã hoàn thành tiếp nhận 3.832 xã với 4,3 triệu hộ dùng điện. Các Công ty Điện lực đã bán điện trực tiếp tới 100% hộ dân nông thôn tại 6.722 xã/8.911 xã có điện đạt tỷ lệ 75,43%. Số hộ dân nông thôn mua điện trực tiếp từ các Công ty Điện lực là 10,2 triệu hộ, bằng 72,84% số hộ dân nông thôn có điện.
Tính đến ngày 3/7/2010, EVN đã đưa vào vận hành 6 tổ máy thuộc 5 dự án nguồn điện với tổng công suất 900MW (gồm: TM2 của TĐ Plei Krông - 50MW, TM3 của TĐ Sê San 4 - 120MW, TĐ Bản Vẽ với 2 TM x160MW, TM1 của TĐ Srêpok 3 - 110MW và TM2 của NĐ Quảng Ninh - 300MW). EVN cũng đã khởi công 2 dự án nguồn điện: TĐ Sông Bung 4 – công suất 156 MW và NĐ Nghi Sơn 1- công suất 600 MW và cùng đó hoàn thành đóng điện 19 công trình lưới điện truyền tải 500-220kV và 32 công trình 110 kV quan trọng, như các trạm biến áp 500kV Ô Môn, Quảng Ninh, ĐD 500kV Quảng Ninh - Thường Tín, lưới đồng bộ các nguồn điện TĐ Bản Vẽ, Cửa Đạt, An Khê, Srêpok 3&4..., lắp máy 3 TBA 220kV Mai Động, các công trình lưới điện 110kV cấp bách cấp điện cho TP. Hà Nội...
Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện
Tháng 7/2010, dự báo thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, nắng nóng còn tiếp tục gay gắt trên diện rộng, đồng thời bắt đầu vào mùa mưa bão, lũ lụt. Tình hình cung cấp điện còn tiếp tục khó khăn. EVN dự kiến trong tháng 7/2010, nhu cầu điện trung bình ngày toàn hệ thống ở mức 297 tr.kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 14.000 MW-15.500 MW. Hệ thống điện Quốc gia không có dự phòng, có khả năng thiếu công suất vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, ngay khi tình hình thủy văn được cải thiện và các nhà máy nhiệt điện than mới đã khắc phục được sự cố vào vận hành trở lại, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có công điện thượng khẩn chỉ đạo các đơn vị từ ngày 01/7/2010, không thực hiện điều hòa tiết giảm phụ tải tại các địa phương (trừ trường hợp sự cố bất khả kháng); tập trung đảm bảo điện đầy đủ cho các trạm bơm chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu và vụ mùa tại Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ; thực hiện nghiêm mệnh lệnh điều hành của Ao và các Trung tâm Điều độ miền; triển khai phòng chống lụt bão năm 2010.
EVN phấn đấu đảm bảo cấp điện ổn định cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của xã hội. Các nhà máy thuỷ điện, đặc biệt là thuỷ điện miền Bắc tích nước hồ lên mức cao nhất có thể. Huy động tối đa nhiệt điện than, tua bin khí; huy động nhiệt điện dầu FO ở mức cao. Tiếp tục mua điện Trung Quốc ở mức cao để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân.
Song song đó, EVN cũng tăng cường công tác sửa chữa các nhà máy điện, lưới điện truyền tải và phân phối; Duy trì vận hành ổn định TM1 - NĐ Hải Phòng, TM1 và TM2 - NĐ Quảng Ninh. Chủ động phối hợp với các Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp ngoài EVN để duy trì vận hành ổn định các nguồn điện do các đơn vị này quản lý nhằm thực hiện 3 mục tiêu lớn năm 2010 của Tập đoàn là đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và xã hội; Đảm bảo tiến độ các công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VI, các dự án lưới điện cấp bách cấp điện cho Thủ đô Hà Nội và giải tỏa công suất khu vực Tây Nguyên, chuẩn bị các giải pháp chống thiếu điện cho miền Nam sau năm 2012; Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hoạt động có hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn.
EVN sẽ hoàn thành xây dựng và hòa lưới lần đầu 9 tổ máy với tổng công suất 1.178MW, gồm: TM2-NĐ Hải Phòng 1 (300 MW), TM1-TĐ Sơn La (400 MW); TM1-TĐ Sông Tranh 2 (95 MW); TM2-TĐ Srêpok 3 (110 MW); TĐ Đồng Nai 3 (2x90 MW); TĐ AnKhê - Kanak (1x80+2x6,5 MW); Khởi công 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 4.600 MW, gồm các dự án NĐ Mông Dương 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và TĐ Lai Châu. Phấn đấu khởi công NĐ Duyên Hải 3 (3x600 MW); Hoàn thành và đưa vào vận hành máy 3 trạm 500 kV Pleiku; đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải khu vực Tây Nguyên; Hoàn thành dự án cấp điện các thôn, buôn chưa có điện của 5 tỉnh Tây Nguyên; triển khai dự án cấp điện cho đồng bào nghèo ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Lai Châu và Điện Biên, Sơn La, Bạc Liêu theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 85% vốn đầu tư. Triển khai Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển cấp điện cho đảo Phú Quốc; Đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư các dự án, đảm bảo đủ điều kiện để khởi công trong năm 2011, gồm: TĐ Trung Sơn, TĐ Sông Bung 2, NĐ Thái Bình 1.. ..