Thi công sửa chữa lưới điện hotline tại Đồng Nai.
Với sự quyết đoán trong chỉ đạo điều hành, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã cho thấy ứng dụng khoa học công nghệ thực sự là “đòn bẩy” góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo đà phát triển nhanh và bền vững cho đơn vị trong bối cảnh cạnh tranh và nhiều khó khăn của ngành Điện hiện nay.
Đạt hiệu quả cao về kỹ thuật, thời gian nhờ công nghệ…
Tổng Công ty Điện lực miền Nam là đơn vị quản lý và vận hành lưới điện trên địa bàn có nhiều tỉnh, thành ven biển, có mức độ nhiễm mặn cao, thường xảy ra hiện tượng phóng điện bề mặt cách điện, điện áp thay đổi nên các sự cố xảy ra trên đường dây gây mất an toàn hệ thống điện. Để khắc phục những hạn chế này, EVN SPC đã mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư ứng dụng đồng loạt nhiều kỹ thuật công nghệ mới trong quản lý và vận hành lưới điện. Đối với tình trạng nhiễm bẩn và nhiễm mặn sứ cách điện, hiện nay EVN SPC đã sử dụng công nghệ vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao giúp vệ sinh thiết bị, cách điện các trạm biến áp 110 kV và đường dây 22kV dễ dàng mà không cần phải cắt điện, tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí cũng như làm giảm sự cố điện. Từ những hiệu quả thiết thực đó, năm 2016 EVN SPC đã trang bị 68 bộ thiết bị vệ sinh hotline và triển khai đại trà công nghệ này cho 21 đơn vị trực thuộc đồng thời tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn vận hành thiết bị an toàn, đúng quy định.
Đối với lưới điện trung thế để khắc phục tình trạng điện áp thường xuyên thay đổi do nhu cầu phụ tải tăng giảm theo từng thời điểm, EVN SPC đã áp dụng công nghệ bù ứng động theo “Var”. Từ khi áp dụng phương thức bù theo Var, hiện tượng sụt áp, bù dư đã được cải thiện rõ rệt, cung cấp chất lượng điện năng tốt hơn.
Để rút ngắn thời gian phát hiện và xử lý sự cố, EVN SPC đã áp dụng hệ thống lưới điện thông minh vận hành nhờ nhiều nút thiết bị gồm recloser, tụ điện bù, điện kế điện tử. Qua mạng truyền dẫn cáp quang nội bộ, hệ thống này sẽ thu thập dữ liệu, thông số vận hành lưới điện liên tục. Đặc biệt, hệ thống có thể báo sự cố và xác định chính xác khu vực xảy ra sự cố. Tất cả thông tin thu thập được truyền về phòng điều hành hệ thống đặt tại trụ sở công ty. Nhờ đó, người theo dõi có thể phát hiện sự cố trong vòng 2 phút, đóng cắt các thiết bị điện cách xa vài chục cây số, thực hiện khoanh vùng, hạn chế sự lan rộng của sự cố. Đây là ưu điểm vượt trội so với hệ thống lưới điện thông thường. Hiện tại, hầu hết các đơn vị trực thuộc EVN SPC đã triển khai và ứng dụng hiệu quả các công nghệ này.
Đặc biệt, từ tháng 4/2017, EVN SPC đã đưa vào sử dụng module giám sát thực hiện công trình qua hình ảnh cho tất cả các đơn vị thành viên nhằm nâng cao chất lượng và tiến độ thi công công trình. Đây cũng là công cụ hỗ trợ cho lãnh đạo, bộ phận quản lý, giám sát thi công thuận lợi trong quản lý chuyên môn hằng ngày.
Quản lý, vận hành trực tuyến lưới điện tại 21 tỉnh thành
Với việc đưa vào vận hành Trung tâm điều hành SCADA đặt tại 72 Hai Bà Trưng, P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM, vừa qua Tổng Công ty điện lực miền Nam (EVN SPC) tiến tới quản lý, vận hành lưới điện tại 21 tỉnh thành phía Nam bằng công nghệ số. Đây là một trong những bước quan trọng thực hiện chiến lược phát triển lưới điện thông minh theo đề án được Thủ tướng phê duyệt. Trung tâm điều hành SCADA của EVN SPC sẽ kết nối với hệ thống SCADA với các công ty điện lực trực thuộc tại các tỉnh thành, từ đó giúp quá trình vận hành, xử lý, ngăn ngừa sự cố trên hệ thống lưới điện hiệu quả hơn nhiều so với cách quản lý vận hành truyền thống trước đây.
Hiện nay EVN SPC đang quản lý khoảng 200 trạm biến áp 110kV với hàng chục ngàn ki-lô-mét đường dây điện truyền tải phân phối. Từ khi áp dụng hệ thống điều hành SCADA gần như toàn bộ các trạm biến thế, lưới điện được số hóa trên hệ thống máy tính. Chỉ cần theo dõi qua hệ thống máy tính, các nhân viên trực biết được tình hình vận hành thực tế trên lưới điện như: điện áp, dòng điện, công suất… để điều hành nguồn điện ổn định, hợp lý nhất. Trường hợp sự cố hệ thống điện gặp sự cố, hệ thống SCADA cấp báo để các đơn vị quản lý đề ra các phương án khắc phục trong thời gian nhanh nhất.
Ngoài ra theo ông Nguyễn Phước Quý Hải - Giám đốc Trung tâm SCADA EVN SPC đối với những sự cố thoáng qua, nếu chưa có hệ thống SCADA thì đơn vị quản lý vận hành khó biết được đã xảy ra sự cố. Điều này tạo ra sự tiềm ẩn nguy cơ sự cố sẽ mở rộng và gây hậu quả nặng nề hơn. Ngoài ra trong điều kiện mưa, gió, bão lũ… cần phải thao tác cắt điện các đường dây cũng như thực hiện cấp điện trở lại, nhân viên trực chỉ cần thao tác trên hệ thống SCADA mà không phải đến trực tiếp ra hiện trường.
Khi hệ thống SCADA vận hành có 104 trạm biến áp đã được kết nối, đến nay số lượng trạm biến áp kết nối đã tăng lên 164 trạm. Từ chuyển giao kỹ thuật nước ngoài, các cán bộ EVN SPC học hỏi để tiếp tục kết nối toàn bộ 200 trạm biến áp trong năm 2017, trong đó có những trạm biến áp phát triển mới sau này. Đồng thời hệ thống SCADA này cũng sẽ kết nối đồng bộ về Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam (A2) nhằm chia sẻ dữ liệu và thực hiện công tác điều độ khi có yêu cầu từ A2.
Với thành công ở giai đoạn đầu, EVN SPC tiếp tục nghiên cứu phát triển giai đoạn 2 cho hệ thống SCADA theo hướng thông minh hơn. Cụ thể ngoài việc phát hiện sự cố, hệ thống SCADA mới sẽ được lập trình tự động cắt điện trong phạm vi nhỏ nhất. Mặt khác so với cách quản lý vận hành trước đây (mỗi trạm biến áp có khoảng 10 người trực), với hệ thống SCADA việc bật mở các thiết bị đóng cắt… điều thực hiện thao tác trên máy tính, vì vậy EVN SPC sẽ giảm số lượng người trực tại các trạm này còn khoảng 2 người/trạm, như vậy sẽ giảm đáng kể số lượng nhân viên trực tại các trạm biến áp trên địa bàn 21 tỉnh thành.
“Đòn bẩy” trong phát triển…
Năm 2016 là năm đầu tiên EVN SPC thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 với điều kiện khí hậu, thủy văn không thuận lợi, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng làm phụ tải tăng đột biến, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện. Tuy nhiên, sự quyết đoán trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo EVN SPC cũng như sự mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ vào mọi hoạt động đã tạo đà cho EVN SPC hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, cung cấp điện ổn định, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phía Nam. Hiện tại, các công ty điện lực trực thuộc EVN SPC ở 21 tỉnh, thành phía Nam đều triển khai đồng bộ hệ thống lưới điện thông minh, ứng dụng công nghệ mới trong đo ghi chỉ số công tơ từ xa. Bên cạnh đó, các dự án, công trình đầu tư xây dựng trọng điểm đều đảm bảo tiến độ yêu cầu. EVN SPC cũng làm tốt công tác đầu tư lưới điện ở vùng sâu vùng xa, vùng núi và hải đảo, cấp điện đảm bảo tưới tiêu trong mùa khô, phục vụ các trạm bơm để giảm xâm nhập mặn, đầu tư cho vùng lõm chưa có điện.
Để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển công nghệ điện lực, kế hoạch phát triển hệ thống công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2030, EVN SPC tiếp tục huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, phát triển lưới điện thông minh, triển khai chương trình quản lý truyền tải điện tiên tiến, nâng cao hiệu quả kinh doanh tạo đà phát triển mạnh mẽ.