Giải pháp cột thép đơn thân trong các đường dây tải điện

Thứ tư, 30/8/2017 | 08:52 GMT+7
Hiện nay, đối với các đường dây cao thế cấp điện từ 110kV trở lên, khi đi qua các khu vực dân cư, thành phố, thị xã… việc tìm vị trí xây dựng móng và cột là rất khó khăn, do giá cả đền bù đất thấp, diện tích xây dựng không đủ lớn để trồng các cột thép hình thông dụng hoặc chiếm hết vỉa hè và mặt tiền kinh doanh của người dân.
 
Cột điện đơn thân trên vỉa hè khu công nghiệp.
 
Cột thép đơn thân là giải pháp tối ưu dành cho những khu vực nêu trên. Thân cột là các đoạn ống đa giác côn ghép lồng nhau để đạt được chiều cao mong muốn. Độ dài của các đoạn ống được thiết kế tối ưu nhằm đảm bảo cho số mối ghép lồng là ít nhất. Các tay xà được lắp với thân cột bởi các mặt bích lắp ghép.
 
Trên thế giới, cột đơn thân đã được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là ở các nước phát triển. Nó đã dần dần thay thế cho các loại cột truyền thống như cột thép, cột bê tông ly tâm  nhờ vào những ưu điểm nổi bật như:
 
- Giảm thiểu diện tích chiếm đất của cột và móng, giảm hành lang tuyến. Điều này đặc biệt quan trọng, quyết định đến khả thi của nhiều dự án trong khu đô thị, thành phố;

- Có tính thẩm mỹ cao, góp phần làm đẹp cảnh quan xung quanh, đây là điều kiện bắt buộc mà cột tháp sắt và bê tông ly tâm không có được tính năng này;
 
- Cho phép bố trí nhiều loại đường dây trên cùng một cột, điều này dùng cột thép dạng tháp bố trí sẽ rất khó khăn, không hài hòa;
 
- Thi công lắp dựng thuận tiện, nhanh chóng;
 
- Kết cấu đơn giản, ít chi tiết và tăng tuổi thọ đường dây…v.v.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích và thuận lợi nêu trên, việc dùng cột đơn thân sẽ làm tăng giá trị cho công trình. Do giá thép của cột đơn thân cao gấp 2-3 lần so với thép hình thông thường và cột đơn thân luôn có khối lượng cao hơn cột thép dạng tháp (gấp 1,5-2 lần). Mặt khác, giải pháp móng trụ tương ứng cũng làm tăng giá trị, thông thường móng cho trụ đơn thân là móng cọc ép, cọc nhồi…
 
Với những phân tích trên, nhưng đối với các trường hợp đặc biệt bắt buộc phải sử dụng cột đơn thân để giải quyết các khó khăn về mặt bằng. Tại Việt Nam, cũng đang dần sử dụng cột đơn thân thay cho các cột thép dạng tháp thông thường, đặc biệt các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM…v.v. Hiện nay, đối với Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư nhiều công trình có sử dụng trụ đơn thân nêu trên và đã được Công ty Tư vấn điện miền Nam thiết kế, điển hình: Các lộ ra 110kV trạm biến áp 220kV Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; trạm 110kV khu công nghiệp VSIP II MR1 và đường dây đấu nối tỉnh Bình Dương; xây dựng mới đường dây 2 mạch kết nối Dệt May – Nhơn Trạch 6 – Nhơn Trạch 3 – Long Thành, tỉnh Đồng Nai; trạm 110kV khu công nghiệp Bến Lức và đường dây đấu nối…
Theo: EVNSPC