Nhiều giải pháp kỹ thuật, vận hành đã được EVN ứng dụng trong khâu truyền tải lưới điện đã góp phần vào việc giảm TTĐN của Tập đoàn trong những năm qua. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Cụ thể, theo số liệu thống kê, tổn thất điện năng (TTĐN) năm 2018 toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước đạt 6,9%, thấp hơn 0,3% so với kế hoạch đề ra và vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong năm 2019, EVN đặt mục tiêu tỉ lệ TTĐN toàn Tập đoàn còn 6,7%, giảm 0,2% so với năm 2018, phấn đấu giảm xuống 6,5%.
Tính từ năm 2015 trở lại đây, chỉ tiêu TTĐN của EVN đã không ngừng được cải thiện theo hướng TTĐN năm sau đều thấp hơn năm trước. Cụ thể, TTĐN trong năm 2015 của Tập đoàn này là 7,94%, giảm xuống còn 7,57% trong năm 2016 và 7,24% trong năm 2017.
Theo GS. Viện sĩ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: diễn biến tỉ lệ tổn thất điện năng của EVN 10 năm gần đây giảm liên tục và mức giảm xuống 7% là cố gắng rất lớn và như vậy đã đưa Việt Nam đứng vào top những nước có tỉ lệ TTĐN tương đối thấp.
GS. Trần Đình Long nhấn mạnh, mức TTĐN trong hệ thống điện phụ thuộc nhiều vào năng lực đầu tư cho lưới điện. Lưới điện đầu tư càng tốt, càng hiện đại, mức TTĐN càng thấp, hiện nhiều nước đạt trên dưới 3%, đây là quá trình rất dài do đó cần chú ý đầu tư, hiện đại hoá lưới điện. Do đó, với hiện trạng lưới điện Việt Nam hiện nay, đặc biệt lưới điện phân phối mức TTĐN dưới 5% là thành tựu rất đáng hoan nghênh.
Nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực năng lượng cũng cho rằng đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của EVN với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ công tác quản lý đến kỹ thuật vận hành. Đặc biệt là trong việc áp dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học, công nghệ vào lưới điện truyền tải, phân phối. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chỉ số độ tin cậy cung cấp điện, bảo đảm đủ điện cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN.
Theo: VGP News