Cùng dự phiên họp, có ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia phản biện của Hội đồng.
Về phía EVN có ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc tập đoàn; lãnh đạo các ban Kỹ thuật – Sản xuất, An toàn; lãnh đạo các Công ty Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Huội Quảng – Bản Chát.
Các công trình thủy điện của EVN đủ điều kiện tham gia chống lũ và tích nước
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, năm 2022 và đầu năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Công ty Thủy điện: Hòa Bình, Sơn La và Huội Quảng - Bản Chát đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình, điều tiết hồ chứa đối với 5 công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Huội Quảng, Bản Chát.
Kết quả quan trắc và đo đạc các thông số, đánh giá tình trạng làm việc của công trình đến thời điểm tháng 5/2023 cho thấy, các Công ty Thủy điện đã thực hiện công tác kiểm tra tổng thể, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; sửa chữa và củng cố các hạng mục công trình, thiết bị; thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Công trình đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ lưu ý, các Công ty Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Huội Quảng - Bản Chát chú trọng việc xây dựng kế hoạch chi tiết công tác kiểm định an toàn đập; xây dựng kế hoạch chi tiết khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình; quan tâm đến công tác bảo trì thiết bị cơ khí, hệ thống điều khiển nhằm kịp thời thay thế các thiết bị không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật…
Song song đó, các đơn vị tiếp tục quan trắc thời gian truyền lũ từ tuyến đập Sơn La đến đập Hòa Bình và quan trắc thời gian truyền lũ từ thủy điện Lai Châu đến Sơn La, Bản Chát đến Huội Quảng, Huội Quảng đến Sơn La, rút ra quy luật truyền lũ nhằm bổ sung cho các quy trình và công tác điều hành chống lũ hàng năm của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác kiểm tra, quan trắc đập; quan trắc khí tượng thủy văn, tính toán quá trình lũ,…để vận hành công trình thủy điện hiệu quả, an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm đề xuất với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo hướng tiệm cận dần với thời gian thực nhằm khai thác các hồ chứa an toàn và hiệu quả; nâng cao chất lượng dự báo nhằm phục vụ vận hành khai thác các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình và phòng, chống thiên tai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 114/2018/NĐ-CP để phù hợp thực tiễn công tác đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước của các bộ, ngành liên quan; Nghị định số 04/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về việc thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai xem xét điều tiết hợp lý đảm bảo an toàn công trình và hạ du nhưng tận dụng được tối đa nguồn nước; Bộ Công Thương xem xét, đánh giá tác động tới lòng, bờ hồ trước khi quyết định phê duyệt các Dự án khai thác nạo vét cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường có nguồn từ vùng lòng hồ thủy điện trên bậc thang sông Đà.
Lãnh đạo UBND các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên và Lai Châu tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn, không làm ảnh hưởng đến các đặc trưng kỹ thuật của hồ chứa và làm cản trở dòng chảy đến hồ; tuyên truyền người dân trong hoạt động sinh hoạt, sản xuất tránh làm tăng bồi lắng và các chất lơ lửng ảnh hưởng đến chất lượng nước của các hồ chứa.
Bộ trưởng yêu cầu EVN chỉ đạo các Công ty thủy điện thực hiện tốt các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP; cho phép Trung tâm Kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà kết thúc giai đoạn thí điểm và đưa vào hoạt động chính thức.
Cần chung tay bảo vệ an toàn hành lang hồ chứa
Theo báo cáo của EVN, đến nay, các Công ty Thủy điện trực thuộc tập đoàn đã xây dựng kế hoạch Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trên nguyên tắc phòng ngừa là chủ yếu, với tinh thần chủ động, linh hoạt để hạn chế tổn thất, thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, đơn vị và cá nhân; quán triệt phương châm “04 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Toàn bộ công trình, thiết bị đã được kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo yêu cầu.
Trên cơ sở đánh giá số liệu quan trắc, theo dõi công trình từ 6/2022 đến hết tháng 5/2023 và kết quả kiểm tra các công trình thủy điện của các chuyên gia Hội đồng trong Đoàn công tác khảo sát, kiểm tra các công trình thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà từ 29/5/2023 - 2/6/2023 cho thấy, hiện trạng các công trình thủy điện thuộc EVN trên bậc thang thủy điện sông Đà ở trạng thái làm việc ổn đinh và an toàn, đủ điều kiện tích nước và đón lũ năm 2023.
Phát biểu tại phiên họp, ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc cảm ơn hội đồng, các chuyên gia phản biện đã có những đánh giá, ý kiến cụ thể về hiện trạng các công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà.
Lãnh đạo EVN mong muốn nhận được sự phối hợp của các địa phương trong việc chung tay cùng các công ty thủy điện trong việc đảm bảo an toàn hành lang hồ chứa; tiếp tục củng cố Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà, hoàn thiện không chỉ về mặt tổ chức, thể chế mà cả bộ chỉ tiêu kỹ thuật để có cơ sở đánh giá. Ngoài ra, lãnh đạo EVN cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu về việc tăng cường năng lực các hồ chứa thủy điện.
Tại phiên họp, Hội đồng cũng đã được nghe một số ý kiến đóng góp của các Ủy viên Phản biện của hội đồng như chuyên gia Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia Mai Văn Biểu, chuyên gia Tăng Chiến Thắng và đại diện các bộ ,ngành, địa phương. Qua đó, làm rõ thêm những điểm đã làm được và những nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn tới, nhằm nhằm đảm bảo an toàn của các công trình hồ, đập.
Trong nửa đầu năm 2023, diễn biến thủy văn không thuận lợi, đặc biệt ở khu vực miền Bắc. Lưu lượng nước về các hồ chứa khu vực miền Bắc phổ biến ở mức 50-60% so với trung bình nhiều năm và bằng 40%-80% so với cùng kỳ năm 2022. Các thủy điện lớn của hệ thống tập trung ở miền Bắc gồm Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà không có lũ tiểu mãn tháng 5. Tổng lượng nước về tháng 5-6 của các thủy điện miền Bắc thấp hơn 27% so với trung bình nhiều năm.
Tổng sản lượng điện sản xuất 5 tháng đầu năm của Thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng và Bản Chát là 7,26 tỷ kWh, giảm 1,08 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 6,20% sản lượng điện toàn hệ thống.
|