Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tìm phương án thu xếp vốn cho các dự án mới, trước hết là các dự án đã triển khai như Huội Quảng-Bản Chát, Uông Bí mở rộng 2, đồng thời tìm phương án thu xếp vốn cho 5 dự án khác trong số 9 dự án cấp bách mà Ban chỉ đạo Quy hoạch 6 của Tập đoàn đã xác định là Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Lai Châu, Ô Môn 3 và Ô Môn 4. Trong đó, Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải sẽ yêu cầu nhà thầu EPC chào thu xếp tài chính; Ô Môn 3 & 4 định hướng vay vốn ADB. Riêng 3 dự án cấp bách khác là Mông Dương 1, Nghi Sơn 1 và Thái Bình 1 cơ bản vốn đã được xác định.
Theo kế hoạch vốn đầu tư năm 2008 của EVN là 43.130 tỷ đồng trong khi nguồn vốn kế hoạch cơ bản của Tập đoàn chỉ đảm bảo được 9.300 tỷ đồng còn lại phải huy động từ nguồn vốn bán cổ phần, vốn vay và các nguồn khác. Qua cân đối các nguồn vốn, đến nay EVN còn thiếu khoảng 8.166 tỷ đồng vốn chưa thu xếp được.
Tổng Giám đốc EVN cho biết hiện các dự án Bản Chát, Huội Quảng, Uông Bí mở rộng 2, Buôn Tua Sha không có vốn để triển khai do ngân hàng không cho vay. Bên cạnh đó, dự án Duyên Hải (Trà Vinh) cũng không có vốn để thực hiện. Vốn đang là một trong những áp lực lớn của EVN.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn khi thực hiện các dự án điện, EVN đang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước ưu tiên bán ngoại tệ cho EVN thanh toán các hợp đồng ngoại và trả nợ hợp đồng vay nước ngoài, đồng thời ưu tiên sắp xếp vốn ODA cho các công trình nguồn điện của EVN giai đoạn 2008-2015 cũng như cho phép bổ sung các dự án điện vào danh mục các dự án được vay tín dụng ưu đãi theo Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Bộ Tài chính, EVN đề nghị sớm giải quyết cơ chế cho vay lại đối với khoản 400 triệu USD cho dự án thuỷ điện Sơn La và phát hành bảo lãnh cho khoản vay Ngân hàng Fortis của dự án thuỷ điện Sông Tranh để Tập đoàn có vốn thanh toán cho nhà thầu như Chính phủ chỉ đạo. Mặt khác, Bộ Tài chính nghiên cứu có chính sách thuế phù hợp với sản phẩm điện nhằm giảm áp lực tăng giá điện mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng như bỏ thuế tài nguyên nước sản xuất thuỷ điện, đặc biệt là thuế tài nguyên nước làm mát nhiệt điện, đồng thời trình Chính phủ cho áp dụng cơ chế miễn giảm thuế nhập khẩu đối với điện nhập khẩu. Bởi theo EVN, với giá mua điện từ Trung Quốc là 4,5 cent/kWh cộng với phí truyền tải, tổn thất và thuế nhập khẩu thì 1 kWh điện nhập khẩu có giá thành khoảng 1.000 đồng, trong khi giá bán điện bình quân đến tận hộ tiêu dùng hiện nay trong khu vực Công ty điện lực 1 quản lý (đơn vị mua điện Trung Quốc) là 730,21 đồng/kWh./.
Mai Phương