Sự kiện

EVN đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì những đóng góp xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy, 19/10/2019 | 11:00 GMT+7
Tối ngày 18/10, tại Nam Định đã diễn ra Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến và tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. 
 

 Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ban, ngành có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua. Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đứng ngoài cùng bên trái.
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vinh được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì những đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua 10 năm qua.
 
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, về đích trước gần 2 năm so với kế hoạch. Bên cạnh 4.665 xã (chiếm 52,4% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 109 đơn vị cấp huyện (chiếm 16,5% số huyện) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chúng ta đã có hai tỉnh Đồng Nai (133/133 xã, 11/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới) và tỉnh Nam Định (209/209 xã, 10/10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới).
 
Chương trình được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp cả nước, với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, tạo sự chuyển biến lớn cả về lượng và chất đối với làng quê Việt Nam. Nhiều nơi, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn được đồng bộ hơn với sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ và nhiều kết quả tốt. 
 
Đối với EVN, để đạt được thành tích trên, EVN tham gia với tư cách chủ thể tiêu chí số 4 về điện trong đó yêu cầu về đảm bảo kỹ thuật lưới điện và là yêu cầu về tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng điện. EVN xác định cung cấp đủ điện cho khu vực nông thôn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn đáp ứng giêu chí số 4 về điện trong Chương trình NTM là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
 
Từ năm 2008, theo yêu cầu của các địa phương, công tác chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức quản lý điện nông thôn không đủ năng lực quản lý đã diễn ra mạnh mẽ trên cả nước, từ chỗ chỉ quản lý bán điện trực tiếp tại 2.126 xã, trong hơn 10 năm qua EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại gần 6.000 xã, đến nay EVN đang quản lý bán điện tại 8.122 xã chiếm tỷ lệ 92% số xã và hơn 93% hộ dân. 
 
Để lưới điện nông thôn đáp ứng tiêu chí số 4, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chí số 4, mỗi xã cần từ 5-10 tỷ đồng. EVN đã tìm kiếm, làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài, sử dụng các nguồn vốn vay ODA, nguồn vốn của EVN và nguồn vốn ngân sách cấp là nguồn lực chính để thực hiện Chương trình. Tổng số vốn đầu tư của EVN cho lưới điện phân phối cung cấp cho khu vực nông thôn trong 10 năm là hơn 89.200 tỉ đồng. 
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đại diện Tập đoàn đón nhận.
 
Bên cạnh đó, việc đáp ứng tiêu chí số 4 về điện trong Chương trình NTM tại khu vực hải đảo trong giai đoạn 2010-2019 được EVN đặc biệt quan tâm. Đến nay, EVN đã thực hiện tiếp nhận và quản lý bán điện tại 11/12 huyện đảo. Sau khi tiếp nhận và bán điện trực tiếp trên các huyện đảo, EVN đã đầu tư nguồn và lưới điện trên huyện đảo, tăng giờ phát điện thay vì 6 giờ/ngày lên 24/24h và thực hiện bán điện cho các hộ dân trên đảo theo giá quy định của Chính phủ.
 
Kết quả, trong 10 năm (2010-2019), tỷ lệ số xã có điện đã tăng từ 98,69% (năm 2010) lên 100% (năm 2018) và số hộ dân có điện sử dụng điện tăng hơn 8,4 triệu hộ từ 97,31% tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47% tương ứng 27,41 triệu hộ (6/2019). Tới ngày, 30/6/2019, có 8.072/8.902 xã đạt tiêu chí số 4 chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với thời điểm năm 2015. 
 
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Việc tiếp nhận quản lý bán điện trực tiếp tới hộ dân và đầu tư phát triển điện nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện nông thôn từ mức độ chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ở mức cơ bản như phục vụ ánh sáng sinh hoạt và một phần sản xuất nhỏ đã tăng lên đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt và phát triển sản xuất với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, du lịch, nâng cao thu nhập đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực nông thôn. 
 
Để đạt được thành tích trên, EVN luôn nhận được chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Chính phủ tạo cơ chế huy động được các nguồn vốn cho chương trình điện nông thôn, giúp EVN thực hiện chương trình điện nông thôn. Huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính: phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm” là sự sáng tạo độc đáo của Việt Nam trong chương trình điện nông thôn. 
 
Cùng với đó, Chính phủ đã kết hợp hài hòa mục tiêu của Chương trình điện nông thôn với một số mục tiêu Thiên niên kỷ quốc gia mà Việt Nam ký cam kết với Liên Hiệp quốc như mục tiêu Xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, mục tiêu Đảm bảo bền vững môi trường, mục tiêu Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, vì vậy chương trình điện nông thôn được sự ủng hộ của quốc tế, nhận được các dự án hỗ trợ kỹ thuật và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển rất lớn từ Chính phủ các nước Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Pháp, Đức và các tổ chức tài chính quốc tế WB, ADB…
 
Các dự án đầu tư cung cấp điện của EVN được thiết kế, xây dựng, tổ chức phát huy hiệu quả nhờ việc thực tốt từ khâu chuẩn bị cho đến khi đi vào sử dụng. Quá trình triển khai thực hiện đưa điện về nông thôn, các địa phương thực hiện và tuyên truyền vận động tốt cho các hộ dân trong vùng dự án, đặc biệt là các hộ dân được hưởng lợi từ dự án tham gia đóng góp bằng việc tự thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và có sự cam kết chuẩn bị chi phí đấu nối ngay sau khi dự án hoàn thành. 
Kim Thái/Icon.com.vn