Sự kiện

Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 5: Không thể là “gót chân Asin”

Thứ sáu, 31/5/2019 | 09:14 GMT+7
Trong 3 năm trở lại đây, đầu tư cho ngành năng lượng, gồm điện - than - dầu khí, suy giảm đã tạo ra khoảng trống, gây áp lực lớn lên an ninh năng lượng của nước ta. 

 
Với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, để thoát “bẫy thu nhập trung bình”, thì an ninh năng lượng phải là trụ cột trong chính sách phát triển, chứ không thể là “gót chân Asin” của nền kinh tế.
 
Nắng như thiêu, như đốt, nắng gay gắt trên diện rộng trong những ngày giữa tháng 5/2019 là lời cảnh báo đối với việc đảm bảo điện cho nền kinh tế và tiêu dùng. Nguồn cơn của lỗ hổng an ninh năng lượng đã hiện rõ, đây là lúc cần bịt các lỗ hổng nguy hiểm này.
 
Nguồn cơn của sự trì trệ
 
Thị trường điện vận hành chậm chạp, với thực tế giá điện không phản ánh đầy đủ các chi phí theo thị trường có thể xem là nguồn cơn khiến các đối tác tham gia không mặn mà, góp phần dẫn tới lỗ hổng về an ninh năng lượng.
 
Mặc dù giá bán lẻ điện bình quân đã tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3/2019, lên mức 1.864,44 đồng/kWh, nhưng ông Hà Đăng Sơn, đến từ Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng Xanh - người có thâm niên 15 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tiết kiệm năng lượng cho rằng, mức tăng này vẫn chưa kích thích các doanh nghiệp tiết kiệm điện.
 
“Thông thường, các doanh nghiệp trong nước chỉ xem xét hoàn vốn đầu tư dưới 5 năm, trong khi các dự án tiết kiệm năng lượng mang tính chất đổi mới công nghệ mất từ 7-10 năm mới hoàn vốn. Tính quy đổi giữa mục tiêu hoàn vốn 5 năm và câu chuyện 7 năm khi đổi mới công nghệ, thì giá điện phải tăng khoảng 40-50% so với hiện tại mới kích thích đầu tư tiết kiệm điện”, ông Sơn nói.
 
Dẫn chứng thực tế, sau khi có thông tin giá điện không tăng trong năm 2018, nhiều dự án tiết kiệm năng lượng đang được tư vấn triển khai trong các ngành xi măng, thép, hóa chất không còn được doanh nghiệp “mặn mà”. “Doanh nghiệp không có động lực triển khai tiết giảm chi phí năng lượng trong sản xuất, vì họ tính toán được ngay khoản tiền phải bỏ ra để theo đuổi các dự án tiết kiệm năng lượng là quá lớn, khiến chi phí sản xuất tăng”, ông Sơn nói.
 
Thực tế, giá bán điện chưa phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất cũng khiến kết quả của Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) trong giai đoạn I và II không như mong đợi.
 
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) - đối tác của VNEEP cho thấy, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện chỉ bằng 1/4 so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó. Chính bởi vậy, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, việc phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời thực hiện các giải pháp thiết kiệm năng lượng và hiệu quả sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.
 
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế có cường độ sử dụng điện ở mức cao nhất trong khu vực Đông Á, và ngành công nghiệp sản xuất sử dụng hơn 50% tổng lượng điện sản xuất. Nghiên cứu của WB cho thấy, khi sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp, thương mại và sinh hoạt, có thể giảm được đầu tư mới tới 10.000 MW điện. Trong bối cảnh này, Chính phủ cần chuyển dần từ hình thức khuyến khích thực hiện năng lượng hiệu quả tự nguyện sang bắt buộc. Phải đặt ra các chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho mỗi ngành công nghiệp với cơ chế thưởng phạt trong việc hoàn thành hay không hoàn thành chỉ tiêu này”, ông Franz Gerner, chuyên gia năng lượng cao cấp, Trưởng nhóm Năng lượng của WB tại Việt Nam nhận xét.
 
Cùng quan điểm “đầu tư nguồn mới không bằng quan tâm tới tiết kiệm”, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà cho hay, nhà máy của Sơn Hà được thiết kế chiếu sáng tự nhiên một cách khoa học để giảm sử dụng điện chiếu sáng bên cạnh dùng đèn LED và đầu tư các động cơ hiện đại, có hiệu suất cao với quan điểm hiệu quả cao thay vì rẻ. Nhờ vậy, chỉ 1 nhà máy bồn nước Sơn Hà tại Bắc Ninh (trong số 10 nhà máy của tập đoàn) đã giảm được chi phí tiền điện từ gần 500 triệu đồng/tháng xuống còn hơn 300 triệu đồng/tháng.
 
Còn nhớ, ở thời điểm đỉnh công suất sử dụng điện đạt tới 35.150 MW vào tháng 7/2018 và hệ thống chỉ có 35.000 MW khả dụng, nhưng tình trạng mất điện, rã lưới đã không xảy ra. Nói về thực trạng này, ông Thái Phụng Nê cho hay, đây là do EVN đã đi làm việc trước với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiêu thụ điện lớn để bàn việc điều tiết, giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, dồn lực cho sinh hoạt khi nắng nóng.
 
“Giải pháp này đã tỏ ra có hiệu quả năm 2018 và có thể vẫn dùng được trong năm 2019, vì vấn đề căng thẳng về đảm bảo điện cũng mới diễn ra và chưa quá gay gắt, nhưng về lâu dài, nếu nguồn mới không có thêm và tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện cao như hiện nay, thì nguy cơ mất điện diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Nê nói.
 
Giá điện - Đòn bẩy của an ninh năng lượng
 
Đánh giá cao cách tiếp cận giá điện của Việt Nam trong quá khứ khi “nguồn thu từ bán điện được sử dụng để trang trải cho hoạt động và vận hành cũng như để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ cho EVN và cho ngành điện”, ông Franz Gerner cũng thẳng thắn cho rằng, giá bán điện này chưa tính đến chi phí đầu tư và chi phí đầu tư thường được trang trải bởi nguồn tài chính ODA hoặc các khoản vay của EVN, nhưng được Chính phủ bảo lãnh.
 
Hệ quả là, chính sách giá bán điện dưới mức thu hồi vốn đã làm cho thị trường điện méo mó và kém hiệu quả, đơn cử là cường độ thâm dụng năng lượng cao, từ việc đưa ra những tín hiệu không chính xác đến người tiêu dùng về chi phí thực của dịch vụ.
 
Đơn cử, giá bán lẻ điện năm 2017 đã bị đóng băng kể từ năm 2015 ở mức tương đương 7,6 UScent/kWh, trong khi tổng giá thành là 11,3 UScent/kWh năm 2017.
 
“Chi phí đầu tư cho phát triển ngành điện trong tương lai - ước tính khoảng 8 tỷ USD/năm - sẽ được tính vào doanh thu bán điện từ các công ty phân phối điện tới người tiêu dùng. Giá điện trong tương lai cần thu hồi đầy đủ tất cả các chi phí của ngành điện (chi phí vận hành và bảo dưỡng, chi phí đầu tư, các nghĩa vụ trả nợ) thông qua nguồn thu từ bán điện và mức giá này dự tính trung bình khoảng 11-12 UScents/kWh”, ông Franz Gerner nói.
 
Mức giá điện bán lẻ bình quân khoảng 8 UScent/kWh ở Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực như Campuchia, Lào, Philippines, Indonesia lần lượt là 19 - 9 - 14,6 và 7,3 UScent/KWh.
 
Thực tế, nhiều dự án điện được lên kế hoạch hoàn thành, nhưng không về đích như dự tính trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh cũng có lý do sâu xa từ hiệu quả kinh tế và giá điện khiến thời gian đàm phán, chuẩn bị thực hiện dự án bị kéo dài so với dự tính.
 
“Kinh nghiệm chung trên thế giới là quy định mức giá phản ánh đúng chi phí và hợp lý chính là chính sách kinh tế đúng đắn. Qua đó, đảm bảo rằng, cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng tới tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn”, báo cáo của WB nhấn mạnh.
 
Vai trò của “nhạc trưởng”
 
Ngày 18/5/2019, mức tiêu thụ điện toàn hệ thống lại đạt đỉnh mới cao hơn, với công suất đỉnh đầu nguồn toàn hệ thống lên tới 36.003 MW. Đáng nói là 5 tháng đầu năm chưa phải là thời kỳ cao điểm nắng nóng bấy lâu, nhưng lượng điện tiêu thụ đã tăng cao chóng mặt.
 
Với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện vẫn lớn hơn 10%, ngành điện đang phải căng mình đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, trong khi nguồn cung hạn hẹp, thậm chí phải đổ dầu (với mức giá thành 5.000 đồng/kWh) vào phát điện. Dẫu vậy, phương thức này không thể là giải pháp căn cơ, bởi doanh nghiệp và nền kinh tế không thể chịu đựng được các mệnh lệnh hành chính, phi kinh tế.
 
Thực tế hiện nay, không chỉ các nhà đầu tư tư nhân, mà ngay EVN cũng ngày càng giảm việc xây dựng các nguồn điện lớn. Đối chiếu với tiến độ của các dự án theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh thấy rõ, nhiều dự án đã chậm tiến độ, trong đó chủ yếu là các nguồn điện BOT, rồi đến của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sau đó là của Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV).
 
Nguyên nhân của tình trạng này thì nhiều. Đơn cử, EVN, dù được giao trách nhiệm trụ cột/chủ đạo trong đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và nhu cầu của nhân dân, nhưng đơn vị này cũng lại phải phụ thuộc nhiều vào việc cho phép của các bộ, ngành trong phê duyệt các dự án đầu tư, mà đây là một hành trình dài qua hàng “rừng” thủ tục.
 
Rồi các dự án BOT, nhà đầu tư không thu xếp được vốn, chây ì, chậm triển khai, nhưng thiếu biện pháp xử lý quyết liệt, gây lãng phí lớn. Còn riêng PVN cũng vướng việc đầu tư sau những lình xình của bộ máy quản lý…
 
Từ năm 2011 đến 2018, tức là 7 năm liền, ngành điện không thiếu điện để cung cấp cho phát triển kinh tế, nhưng đến năm 2018, ngành điện không còn dự phòng nữa. Hậu quả của thiếu điện là rất ghê gớm và ai cũng biết, nhưng không dễ quy trách nhiệm.
 
Còn nhớ, giai đoạn trước, với tinh thần nỗ lực, lao động ngày đêm không ngừng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, công trình thủy điện Sơn La quy mô 2.400 MW đã về đích trước 3 năm, công trình thủy điện Lai Châu 1.200 MW cũng về đích trước 1 năm, mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế. Trước thực tế, hiện quá nhiều dự án chậm tiến độ hoặc đối mặt với “rừng” thủ tục chưa biết bao giờ được khởi công và về đích đã khiến ông Thái Phụng Nê không khỏi mong mỏi “phải đưa tinh thần Sơn La, Lai Châu vào triển khai các dự án điện”.
 
Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần thể hiện rõ vai trò “nhạc trưởng” trong việc đưa ra các đối sách khẩn cấp và phù hợp để đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút được nhiều nguồn vốn khác nhau nhằm phát triển các lĩnh vực trọng tâm, trong đó có hạ tầng ngành điện với mục tiêu bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Nếu chậm trễ và không quyết liệt, thì cái giá phải trả sẽ là những cú sốc khó lường, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà liên quan tới cả xã hội.
Theo: Báo Đầu tư