Tin trong nước

EVN được vinh danh Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022

Thứ tư, 12/10/2022 | 20:29 GMT+7
Tại Lễ công bố & Vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 12/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xuất sắc nằm trong TOP 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2022.
 

Ông Trịnh Mai Phương-  Ủy viên BTV Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông EVN đại diện nhận giải.
 
Tham dự buổi lễ, có ông Lê Quốc Minh - Ủy biên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
 
Cùng nằm trong TOP 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2022 với EVN còn có: Vinamilk, Vietcombank, Viettel, Petrovietnam, VinGroup, Sungroup, Thaco, Tập đoàn Hòa Phát và Masan.
 
Với chủ đề “Kiến tạo và Phát triển Thương hiệu Việt Nam Xanh”, các tiêu chí bình xét Thương hiệu mạnh năm 2022 tập trung vào các chiến lược, chương trình hành động và kết quả hoạt động của doanh nghiệp đạt được thể hiện rõ quá trình: chuyển đổi số; chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng, ưu tiên sử dụng năng lượng sạch; phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh chia sẻ, nhân văn và bao trùm; bảo vệ thương hiệu và chú trọng phát huy chính sách hướng tới người lao động và cộng đồng; và các chỉ số phục hồi tăng trưởng của doanh nghiệp sau tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19
 
Ông Đào Quang Bính – Tổng giám đốc, Tổng thư ký Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chung khảo giải thưởng cho biết, năm 2022, Giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam tổ chức đánh giá giá trị thương hiệu các tập đoàn kinh tế; trong đó, EVN là một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Những năm qua, EVN đã làm tốt nhiệm vụ đảm đảm bảo năng lượng cho tiêu dùng và phát triển kinh tế.
 
"Chúng tôi đánh giá, EVN là một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng. EVN cũng luôn đi đầu trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam", ông Đào Quang Bính nhấn mạnh.
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là tập đoàn kinh tế được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, EVN đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống điện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao “Giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.
 
Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất lắp đặt và đường dây truyền tải. Cũng trong khu vực ASEAN, EVN đứng thứ 2 về sản lượng điện thương phẩm; thứ 4 về tổn thất điện năng và chỉ số tin cậy cung cấp điện; thứ 5 về độ tin cậy cung cấp điện và năng suất lao động.
 
Đặc biệt, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2019 đạt 88,2/100 điểm, duy trì thứ hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ. Sau 6 năm (2013-2019), chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam cải thiện 129 bậc, là chỉ số có mức độ cải thiện nhiều nhất và là một trong 3 chỉ số có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam.
 
Ông Trịnh Mai Phương – Trưởng Ban Truyền thông EVN cho biết, trong 2 năm 2021, 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng EVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kép được Đảng và Chính phủ giao, vừa đảm bảo cung cấp điện, vừa đảm bảo phòng chống dịch. Ngoài ra, EVN đã thực hiện 5 lần giảm giá điện, với tổng giá trị khoảng 17.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng và thiết thực với cộng đồng xã hội.
 
Bên cạnh đó, EVN cũng đã triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ. EVN đã cơ bản hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số trong năm 2021, 2022. Đến hết tháng 9/2022, EVN đã hoàn thành khoảng 87% kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022, trong một số lĩnh vực đã cơ bản hoàn thành như Lĩnh vực quản trị, Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng, Đầu tư xây dựng. Đặc biệt, với những thành tựu trong chuyển đổi số, 4 năm liên tục, EVN được vinh danh là doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc.
 
Đối với tiêu chí tăng trưởng xanh, trong thời gian qua, ngoài các dự án năng lượng tái tạo do EVN triển khai đầu tư, EVN và các đơn vị thành viên cũng đã tạo điều kiện để rất nhiều dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vào vận hành, góp phần đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, được Đảng, Chính phủ đánh giá cao. Tập đoàn cũng luôn tiên phong, đi đầu trong các hoạt động tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
 
Gần 68 năm xây dựng và phát triển, đến nay EVN đã trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu trong nước và khu vực. Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW, chiếm tỷ trọng 27%.
Minh Tuấn