Các dự án đường dây 500 kV Long Thành – rẽ Phú Mỹ - Sông Mây; trạm biến áp 500 kV Long Thành và đấu nối đang được Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) khẩn trương triển khai thực hiện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ngày 3-4-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện và vấn đề cung cấp than, khí cho sản xuất điện, theo đó, đã kết luận: An ninh năng lượng là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong thời gian qua, ngành điện, dầu khí, than đã có đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quóc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Đối với an ninh năng lượng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về đảm bảo cung ứng điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện, không để xảy ra khủng hoảng năng lượng trong mọi tình huống.
Các nước đã phát triển điều chỉnh giá điện mạnh
Singapore tăng giá điện 10% do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Nguồn điện chủ yếu của Singapore là điện khí. Do cơ chế thị trường thông thoáng nên giá khí lập tức thể hiện lên giá điện ở Singapore. Sau đợt tăng giá kéo dài từ tháng 9-2020, đến nay, Công ty SP Group đã tuyên bố sẽ tăng giá điện thêm 9,8% trong vòng 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2022) để đạt giá điện 27,94 cent Singapore đô la cho một kWh - tức là tăng 42% so với tháng 9-2020. Khi tính thêm cả thuế GST, giá điện sinh hoạt trung bình ở Singapore sẽ là 29,9 cent Singapore/kWh, tương đương 4.990 VND/kWh.
Thái Lan cũng là nước dựa nhiều vào khí tự nhiên và than để phát điện, tương ứng khoảng 63% và 19%, nên giá điện cũng phải tăng theo giá khí và than. Thái Lan sử dụng yếu tố giá nhiên liệu trong giá điện để điều chỉnh tăng giảm. Trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8-2022, yếu tố nhiên liệu sẽ tăng thêm 0,2338 baht cho một kWh điện lên thành 1,2991 baht, khiến giá điện bán lẻ trung bình tăng lên 4 baht mỗi kWh, tương đương 2.720 VND/kWh. Giá đó chưa tính phí dịch vụ hàng tháng, khoảng từ 6.000 đến 24.000 VND/tháng.
Malaysia có cơ cấu phát điện gần giống với Thái Lan nhưng tỷ lệ điện than cao hơn. Chính phủ Malaysia thừa nhận giá thành phát điện tăng 45% nhưng cam kết không tăng giá điện cơ sở mà thêm vào phụ phí 0,037 ringgit/kWh (tương đương 200 VND/kWh) cho đối tượng không phải điện sinh hoạt cho đến tháng 6-2022. Sau đó sẽ xem xét lại giá thị trường. Giá điện cơ sở vẫn giữ ở mức 0,3945 ringgit/kWh, tương đương 2.133 VND/kWh. Malaysia là nước có giá điện và xăng trung bình thấp trên thế giới do chính phủ quản lý chặt giá điện đầu ra. Cho đến nay, Malysia vẫn xuất khẩu thuần dầu mỏ, tuy không nhiều, nên họ có thể tự cho phép dùng một phần lợi nhuận dầu mỏ vào việc ổn định giá.
Các đơn vị thi công thí nghiệm thiết bị trạm biến áp 500kV Long Thành để chuẩn bị nghiệm thu, đóng điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Indonesia có hơn một nửa sản lượng điện là nhiệt điện than nhưng Indonesia cũng là nước xuất khẩu than lớn trên thế giới nên có thể chủ động điều tiết giá than cho sản xuất điện. Giá điện sinh hoạt trung bình ở Indonesia vẫn giữ được ở mức 1.444 Ruppee/kWh, tương đương 2.310 VND/kWh.
Giá điện ở Anh rất phức tạp vì người Anh dùng điện và khí đốt đồng thời trong nhà với các chi phí khác nhau do các Công ty bán lẻ mời chào. Hóa đơn điện thường rất nhiều mục mà trong đó tiền phát điện chỉ chiếm 35%, tiền truyền tải 25%, cộng với tiền vận hành, tiền chính sách, thuế... Chính phủ Anh điều tiết giá điện bằng giá trần. Ngày 1-4-2022, chính phủ Anh nâng giá trần lên thêm 50% tạo điều kiện cho giá bán lẻ điện tăng lên mức tương ứng. Giá điện trung bình hiện ở mức 0,28 bảng Anh/kWh, tương đương 8.190 VND/kWh, so với 0,163 bảng Anh vào năm 2019.
Người dân ở Đức được mời chào các gói điện từ tháng 3-2022 với giá cao hơn 23% so với tháng 12-2021, ở đất nước vốn có giá điện cao nhất châu Âu. Với hộ dùng ở mức 5.000 kWh/năm, giá điện đã lên tới 42 Euro cent/kWh, tương đương 10.227 VND/kWh. Giá điện ở Đức cũng như Anh, bao gồm giá phát điện, truyền tải, quản lý, trợ giá NLTT, thuế... Người Đức dù quen với giá cao và có tỷ lệ điện NLTT cao nhất châu Âu cũng phải lo lắng tới lạm phát, khiến chính phủ Đức không thể tẩy chay khí tự nhiên của Nga.
Nước Mỹ có giá điện tùy theo bang, có đủ mức giá, tùy theo nguồn phát điện chính của bang đó. Trong một bang giá cũng khác nhau do các mạng khác nhau. Rẻ nhất là Nebraska, North Dakota, Utah, Wyoming với giá trung bình hơn 8 cent/kWh và đắt nhất là bang Hawaii với giá 35,15 cent/kWh. Giá điện bán lẻ trung bình nước Mỹ đã tăng đều đặn trong năm 2021 từ 10,36 cent/kWh lên 11,34 cent, tăng 9,45%.
Giá điện bán lẻ trung bình tháng 1-2022 ở New York là 17,17 cent/kWh (tương đương 3.949 VND/kWh), tăng 16% so với 14,73 cent/kWh của tháng 1-2021. Trong đó, giá điện sinh hoạt trung bình là 21,01 cent/kWh, giá kinh doanh 16,58 cent/kWh, giá điện công nghiệp 7,55 cent/kWh và giá điện giao thông là 13,34 cent/kWh.
Trung Quốc đã bị khủng hoảng điện từ tháng 9-2021 khi giá than tăng rất mạnh còn giá bán không đổi làm cho các công ty phát điện trì hoãn mua than để phát. Sau đợt đó, Trung Quốc đã có những cải cách về giá bán lẻ điện mà báo chí gọi là "tự do hóa". Giá bán lẻ trung bình cho điện sinh hoạt được giữ nguyên 0,542 nhân dân tệ/kWh (khoảng 1.950 VNĐ/kWh) nhưng giá bán cho các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn được chuyển sang ký trực tiếp. Giá bán điện sản xuất và kinh doanh được đẩy lên gần hết khung 20%. Đồng thời cũng bãi bỏ trần 20% đối với nhiệt điện than có ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp tiêu thụ lớn. Giá bán điện "xanh" ở Giang Tô vẫn cao hơn điện than, đến 72 CNY/MWh (tương đương 2.560 VND/kWh). Giá giờ cao điểm cũng được điều chỉnh cao hơn để doanh nghiệp tự điều chỉnh lịch sản xuất.
Giá điện bán buôn và bán lẻ là yếu tố quan trọng trong việc huy động vốn cho ngành điện. Đặc biệt là đối với các nước đang phát triển cần liên tục đầu tư thêm nguồn điện. Thế nhưng có vẻ các nước đã phát triển lại có những điều chỉnh giá điện mạnh hơn các nước đang phát triển.
Ảnh hưởng từ các cuộc chiến Nga - Ukraina
Lắp đặt thiết bị trạm biến áp 220kV An Phước. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Mặc dù cách Việt Nam hàng chục ngàn km, nhưng cuộc chiến Nga – Ukraina đang ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, từ việc thanh toán những khoản đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng tại Việt Nam. Đó là, Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 (tại Sóc Trăng) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, có công suất 1.200 MW, đã được phê duyệt vào năm 2010 với dự toán 1,2 tỷ USD. PVN đã ký hợp đồng EPC với liên danh Power Machines (PM) của Nga và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) từ năm 2014. Đến năm 2018, Tổng thầu PM-PTSC đã hoàn thành khoảng 77% khối lượng công việc của dự án. Nhưng Bộ Tài chính Mỹ đưa Công ty PM của Nga vào danh sách cấm vận toàn diện nên không thể mua được tua bin và máy phát từ Mỹ theo hợp đồng EPC.
Dự án Nhà máy Điện khí Quảng Trị, công suất 340 MW được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Công ty Gazprom International của Nga làm chủ đầu tư. Hình thức đầu tư là Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Dự án sẽ sử dụng nguồn khí thiên nhiên được khai thác từ ngoài khơi tỉnh Quảng Trị và nguồn khí nhập khẩu. Nếu Nhà máy Điện khí Quảng Trị của Gazprom không tiến triển được thì việc khai thác khí ở mỏ Báo Vàng và Báo Đen, lô 111-113 ngoài khơi Quảng Trị cũng sẽ bế tắc vì không có đầu ra đồng bộ.
Dự án Điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong 1.000 MW chắc sẽ xin hoãn vì trong các chủ đầu tư có công ty DEME Concessions Wind của Bỉ. Các nước EU có thể vẫn phải mua dầu và khí của Nga vì khó mà tìm được nguồn nhiên liệu nào thay thế trong thời gian ngắn. Nhưng họ sẽ không hợp tác với Nga về vấn đề điện gió vì ở đó Nga hầu như không có thế mạnh nào đáng kể.
EVN chủ động cân đối cung cầu điện
Trạm biến áp 220kV An Phước do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư và giao Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam thực hiện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Để đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo, EVN tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc theo 2 kịch bản phụ tải, đó là, kịch bản phụ tải cơ sở: Đảm bảo điện cho phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP từ 6,5-7% theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự báo nhu cầu điện tăng trưởng ~9%/năm; kịch bản phụ tải cao: Chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng mạnh, trong đó dự báo tăng trưởng nhu cầu điện năm 2022 là 11,5% và các năm 2023-2025 bình quân 10,36%/năm.
Qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy, việc đảm bảo cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đối với miền Bắc nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Trong khi đó các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. Việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500kV Bắc – Trung.
Đối với khu vực miền Trung và miền Nam, cơ bản đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022-2025, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn khó khăn trong trưởng hợp nhu cầu điện tăng trưởng theo kịch bản cao và/hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.
Các đơn vị thi công thí nghiệm thiết bị trạm biến áp 500kV Long Thành để chuẩn bị nghiệm thu, đóng điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Với những khó khăn trên, EVN đã xây dựng các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, theo đó, tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy phát điện; đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện; bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, trong đó không bố trí lịch sửa chữa các Nhà máy điện khu vực phía Bắc trong các tháng 57 năm 2022; các năm tiếp theo, bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu vận hành an toàn, ổn định và tối đa công suất khả dụng các nguồn điện của hệ thống điện miền Bắc trong giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa lũ hàng năm; huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc nhằm đảm bảo tích nước các hồ thủy điện miền Bắc lên mực nước cao nhất vào cuối năm và điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô để nâng công suất khả dụng các NM thủy điện, nhất là các NMTĐ lớn trên bậc thang sông Đà.
Tập trung chỉ đạo để đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư của EVN như: Thủy điện Hoà Bình MR, NĐ Quảng Trạch I; tăng cường nhập khẩu điện Lào về khu vực miền Bắc; tiếp tục đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc linh hoạt qua các đường dây 220kV hiện hữu (công suất tối đa ~ 550MW) đến năm 2025 và đàm phán để tăng công suất nhập khẩu lên 2.000MW từ năm 2025 (qua các trạm Back-To-Back do phía Trung Quốc đầu tư); nghiên cứu đề xuất đầu tư các hệ thống pin tích trữ (BESS) tại miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh; khuyến khích phát triển các nguồn điện NLTT tại khu vực miền Bắc để có thể thực hiện nhanh, đưa vào vận hành trước năm 2025; tăng cường năng lực truyền tải, đặc biệt, truyền tải Bắc – Trung, trong đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối năm 2024-2025.
Sau khi hoàn thành sẽ tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức ~2.200MW hiện nay lên khoảng 5.000MW (tăng thêm 2.800MW); tập trung đầu tư các dự án lưới điện phục vụ giải toả công suất các NMTĐ nhỏ miền Bắc và các nguồn NLTT miền Trung, miền Nam; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường truyền thông, khuyến khích khách hàng đầu tư lắp đặt hệ thống Điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ tại khu vực phía Bắc…..
Đặc biệt, cung cấp đầy đủ, liên tục than cho hoạt động sản xuất điện; không tăng giá than trong nước bán cho hoạt động sản xuất điện cũng như giá than trong nước tính toán trong phương án phối trộn than; nghiên cứu các phương án phối trộn, tối ưu hóa chi phí, các công đoạn sản xuất, tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai minh bạch giá than nhập khẩu để có giá than pha trộn phù hợp, không tăng quá cao; kiểm soát giá than trong điều kiện giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời.