EVNCPC: Thắp sáng vùng biên, hải đảo

Thứ hai, 13/12/2021 | 11:10 GMT+7
Đưa điện lưới quốc gia về các vùng nông thôn, bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo xa xôi là hành trình đầy gian nan, vất vả. 
Công nhân EVNCPC sửa chữa điện trên đảo Lý Sơn.
 
Những năm qua, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã vượt khó đưa dòng điện về các địa phương, nâng cao đời sống cho đồng bào, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia.
 
Điện vượt núi, thắp sáng miền Trung
 
Địa bàn của EVNCPC trải rộng khắp 13 tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên với đủ các loại địa hình như hải đảo, đồng bằng duyên hải, trung du, miền núi... nên rất khó khăn trong công tác quản lý cung ứng điện, đầu tư xây dựng lưới điện. Thêm vào đó, cơ cấu phụ tải chủ yếu tập trung khu vực điện sinh hoạt; điện công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ lệ thấp dẫn đến sản lượng điện thương phẩm thấp; càng thấp hơn do khu vực nông thôn, miền núi chiếm tỷ lệ lớn.
 
Hơn 46 năm qua, EVNCPC không ngừng phát triển lớn mạnh. Ban đầu, tài sản chỉ là những tổ máy phát điện diesel cũ kỹ và nhỏ lẻ, lưới điện manh mún, điện năng cung cấp trong toàn khu vực chưa đầy 100 triệu kWh.
 
Từ những năm thuộc thập kỷ 1990, các dự án đưa điện về nông thôn đã được khởi động, điện đã theo chân những người “lính áo cam”, vượt qua những con đường dốc đứng, chông chênh, gập ghềnh, điện đã về thắp sáng khắp các thôn, bản hẻo lánh xa xôi trải dài từ Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hoà, Gia Lai, Đắk Lắk,…
 
Đến nay, bản đồ điện khí hóa nông thôn khu vực miền Trung có sự thay đổi lớn, toàn EVNCPC có 100% số huyện và xã đất liền có điện lưới Quốc gia và 99,65% hộ có điện. Trong đó, số hộ nông thôn có điện đạt tỷ lệ 99,49%. Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2020 đạt trên 19,119 tỷ kWh.
 
Việc mở rộng hệ thống lưới điện về các xã miền núi sẽ là một trong những tiêu chí hàng đầu thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở những vùng dân tộc ít người. Có điện sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo động lực cho đồng bào vùng cao thoát nghèo, cải thiện sinh hoạt.
 
Bên cạnh đó, tám Công ty Điện lực thành viên của EVNCPC ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên có đường biên giới với nước bạn Lào, Campuchia. Vì vậy, bảo đảm nhiệm vụ cung cấp điện trong tình hình dịch bệnh COVID-19 là vấn đề luôn được EVNCPC chú trọng. EVNCPC đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi làm việc, hỗ trợ người dân vùng biên xử lý khó khăn trong và sau dịch.
 
Hướng ra biển, đảo
EVNCPC ủng hộ cán bộ chiến sỹ biên phòng, thắp sáng tình biên giới.
 
Điện không chỉ về với núi mà còn vượt sóng, vươn xa ra đảo. Bắt đầu từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào năm 2013, EVNCPC được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án xây dựng công trình “Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm”. Để một năm sau đó, ngày 28.9.2014, Thủ tướng Chính phủ chính thức đóng cầu dao khánh thành đưa dự án vào sử dụng, đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của trên 22.000 người dân trên đảo Lý Sơn.
 
Hành trình vượt sóng đưa điện ra đảo của EVNCPC đã đến với các huyện đảo của miền Trung, như: Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Nhơn Châu (Bình Định), huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)... Người dân không còn cảnh trông chờ vào máy phát điện hay phải dùng “dè xẻn” trong đời sống sinh hoạt.
 
Từ thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất nông nghiệp, buôn bán đến điều kiện công tác, học hành... đều có dấu ấn đi lên từ “điện quốc gia”. Người dân trên đảo có thể thoải mái hơn khi sử dụng thiết bị điện cho sinh hoạt mà không lo chuyện chập chờn như trước. Người dân được lắp đặt miễn phí đường dây sau công tơ đến nhà, tài trợ hệ thống đèn điện chiếu sáng, bảng điện trong nhà. Việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hơn.
 
Có nguồn điện, người dân có thể làm dịch vụ du lịch. Rõ nét nhất là lượng du khách đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tham quan tăng đột biến, kéo theo một lượng lớn nhà hàng, khách sạn được xây dựng mới trên đảo. Nếu như trước năm 2013, khách du lịch tới đảo hàng năm chỉ dưới 10.000 lượt thì nay, số lượt khách đã tăng hơn gấp 2, 3 lần.
 
Nằm trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, EVNCPC hiểu rõ nhất sự cần thiết phải đưa điện về biển đảo, để chung tay thực hiện sự nghiệp phát triển kinh tế biển và góp phần giữ vững chủ quyền biên giới trên biển của Tổ quốc. Từ trăn trở ấy, điện đã được thắp sáng khắp các vùng biển, điện đã vươn mình đến các đảo xa; tạo động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế biển, đảo, nâng cao đời sống người dân và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Theo: Báo Công thương