EVNNPT: Vận hành lưới điện truyền tải an toàn, hiệu quả nhờ làm chủ các công nghệ hiện đại

Thứ bảy, 17/12/2022 | 10:02 GMT+7
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ nhiều năm qua, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và làm chủ những công nghệ tiên tiến.
Sử dụng Ipad kiểm tra thông số thiết bị TBA 220 kV Vân Phong
 
Các công nghệ như: Tự động hóa các trạm biến áp (TBA); Ứng dụng Flycam trong kiểm tra đường dây (ĐZ) và giám sát hành lang an toàn tuyến; Quản lý thiết bị, TBA, ĐZ trên nền bản đồ thông tin địa lý; Trang bị Camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI); …
 
Hiện nay, Tổng công ty đang quản lý, vận hành 151.086 km ĐZ truyền tải điện và 178 TBA từ 220 kV đến 500 kV với tổng dung lượng đạt 111.175 MVA. Nhờ hệ thống lưới điện truyền tải được đầu tư đồng bộ, hiện đại nên EVNNPT đã truyền tải an toàn, ổn định trên 200 tỷ kWh mỗi năm để phục vụ phát triển KT-XH của đất nước, cũng như nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Giờ đây, lưới điện 500 kV khu vực miền Bắc, miền Nam đã hình thành các mạch vòng liên kết. Điều này giúp nâng cao độ tin cậy truyền tải điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn cho các phụ tải quan trọng như: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhiều trung tâm kinh tế lân cận.
 
Từ năm 2016 tới nay, bên cạnh việc ban hành Nghị quyết số 20-NQ/DU về việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020, EVNNPT còn tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung triển khai công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận hành, cũng như đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật. Cụ thể, đối với thiết bị bay không người lái (UAV), Tổng công ty đã thử nghiệm triển khai ứng dụng này từ năm 2018. Việc ghi nhận thực tế hiện trạng ĐZ và TBA bằng hình ảnh, video thông qua UAV đã mang lại nhiều hiệu quả cho công tác kiểm tra, quản lý vận hành lưới điện truyền tải như: Giảm nhân công, nâng cao năng suất lao động; Đảm bảo an toàn cho con người khi kiểm tra các hạng mục trên cao đang mang điện; Quan sát khu vực ĐZ bao quát hơn; Khả năng tiếp cận và phát hiện nhanh các hư hỏng trên dây dẫn, dây chống sét, cáp quang và các thiết bị trên ĐZ mà không cần thiết phải cắt điện…

Ngoài ra, Tổng công ty cũng tập trung nghiên cứu, kết hợp triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); Phân tích hình ảnh từ thiết bị chụp ảnh, Camera và thiết bị bay UAV bằng AI để nhận diện/phân loại được bất thường/bình thường trong kiểm tra ĐZ… Đối với công tác quản lý vận hành TBA, cũng trong giai đoạn từ năm 2016 tới nay, EVNNPT đã từng bước chuyển đổi mô hình các TBA 220 kV có người trực sang vận hành ở chế độ không người trực. Để nâng cao công tác quản lý vận hành TBA, Tổng công ty đã thí điểm thực hiện đề án quản lý TBA bằng thiết bị thông minh tại 20/20 TBA của PTC3 và 06 TBA của PTC1, PTC2, PTC4. Phần mềm cho phép nhân viên sử dụng thiết bị di động, hoặc máy tính bảng để ghi nhận lại các thông tin kiểm tra thiết bị. Áp dụng công nghệ này sẽ giúp giảm thời gian ghi chép sổ sách của công nhân; Dữ liệu được số hóa; Giảm được thời gian tổng hợp, báo cáo và triển khai chuyển đổi số công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo hướng thống nhất trong toàn EVNNPT.
 
Lưới điện truyền tải 500 kV khu vực miền Bắc, miền Nam hình thành các mạch vòng liên kết đã giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
 
Riêng trong công tác trang bị Camera cho ĐZ truyền tải điện, đến nay, Tổng công ty đã lắp đặt hàng trăm Camera phục vụ giám sát ĐZ tại các vị trí cột giao chéo với đường bộ và đường sông; Nơi có nhiều phương tiện qua lại, dễ sạt lở móng cột; Khoảng cột nằm trong vùng có nguy cơ cháy rừng cao; Khu vực ĐZ hay gặp sự cố do thả diều... Việc ứng dụng Camera đã mang lại nhiều hiệu quả như: Giúp theo dõi từ xa và dễ dàng phát hiện, đánh giá chính xác những bất thường phát sinh trên tuyến ĐZ như: Cháy rừng gần hành lang, sạt lở móng cột hay những hoạt động sản xuất gần ĐZ có khả năng ảnh hưởng đến vận hành an toàn. Cùng với đó, thông qua hình ảnh từ Camera, các Đội Truyền tải điện sẽ đánh giá được hiện trạng lưới điện mà không cần tiếp cận hiện trường; Có khả năng phóng to, quan sát rõ được tình trạng cách điện, phụ kiện, thanh cột tại vị trí lắp đặt Camera. Đặc biệt, Camera có khả năng lưu trữ hình ảnh nên có thể dễ dàng truy xuất dấu vết để phục vụ điều tra, phân tích đúng nguyên nhân khi có bất thường, vi phạm hành lang an toàn lưới điện truyền tải.
 
Về lĩnh vực trang bị thiết bị định vị khoảng cách điểm sự cố, hiện EVNNPT đã lắp đặt được nhiều chục bộ định vị cho hầu hết các ĐZ 220 – 500 kV quan trọng và có chiều dài lớn. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm điểm sự cố, cũng như hỗ trợ việc xử lý sự cố. Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian, giảm các chi phí quản lý vận hành. Mặt khác, trong công tác thí nghiệm sửa chữa TBA, Tổng công ty cũng đã và đang triển khai số hóa, đồng thời ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như: Số hóa công tác kiểm tra, quản lý vận hành TBA, cũng như thí nghiệm sửa chữa; Ứng dụng các hệ thống giám sát dầu online máy biến áp, kháng điện; Thiết bị giám sát bản thể máy biến áp; Hệ thống giám sát ắc quy online…
 
Thời gian tới, để tiếp tục vận hành hệ thống lưới điện truyền tải an toàn, hiệu quả, EVNNPT sẽ tích cực mở rộng nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại. Nổi bật trong đó là sẽ nỗ lực hoàn thành cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm PMIS; Phối hợp với EVNICT thực hiện CBM cho máy biến áp, máy cắt 220 kV và 500 kV; Xây dựng phần mềm sửa chữa, bảo dưỡng theo CBM cho các thiết bị; Tiếp tục thử nghiệm ứng dụng AI trong công nghệ xử lý hình ảnh, huấn luyện mô hình AI để nâng cao độ chính xác nhận diện và triển khai ứng dụng trong quản lý vận hành ĐZ truyền tải điện; Ứng dụng công nghệ hiện trường (Digital Workforce) cho khối phân phối và truyền tải; Hoàn thiện các ứng dụng số hóa công tác quản lý vận hành ĐZ và TBA.
 
Đặc biệt, EVNNPT cũng sẽ tiếp tục tập trung thực hiện ba mũi nhọn về khoa học – công nghệ, đó là: Xây dựng phần mềm quản lý ĐZ để ứng dụng và phân tích hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo; Ứng dụng phần mềm quản lý TBA bằng thiết bị thông minh; Thay đổi phương thức quản lý công tác thí nghiệm bằng việc ứng dụng phần mềm quản lý thí nghiệm.

Link gốc
Theo: CN&TD