Các kỹ sư Asean chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo VUSTA, VEEA, EVN SPC và SEEA.
Kết quả này đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ văn hóa và năng lực chuyên môn giữa các thành viên kỹ sư trong khối Asean, tạo tiền đề vững chắc để Tổng công ty phía Nam bước vào hội nhập quốc tế.
Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Hội Điện lực Việt Nam (VEEA) đã phối hợp tổ chức trang trọng buổi lễ trao chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp Asean 2017 cho 16 kỹ sư đang công tác tại EVN SPC.
Chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp Asean được trao bởi tổ chức Liên đoàn các tổ chức kỹ sư Đông Nam Á - AFEO (the ASEAN Federation of Engineering Organizations). AFEO được chính thức thành lập ngày 01/8/ 1982 tại Indonesia. Hàng năm AFEO tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên (CAFEO) theo chế độ luân phiên, mỗi năm tổ chức tại một quốc gia. Cùng với nội dung Hội nghị theo chủ đề được lựa chọn còn có các hoạt động như: Họp Ban chấp hành AFEO, họp Ban chấp hành Ủy ban đăng bạ kỹ sư ASEAN (ASEAN Engineering Register - AER). Tham gia CAFEO thường có 300 - 400 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN và các nước Nhật, Hàn Quốc, Canada, Úc, Mỹ, Trung Quốc…. Từ năm 1998, AFEO bắt đầu nhiệm vụ quan trọng với mục tiêu tiên phong là tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển dịch kỹ sư trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), với sự hình thành của Đăng bạ Kỹ sư ASEAN (AER). Song song với chương trình AFAS của AFTA để tự do hóa các dịch vụ chuyên nghiệp trong ASEAN, AER sẽ chuẩn bị cho quá trình toàn cầu hóa theo sáng kiến của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).
Hội đồng đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN của Việt Nam (Vietnam ASEAN Engineering Register Commission – VAERC) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là một trong những tổ chức lớn nhất tập hợp hơn 2 triệu trí thức trong nước và 400.000 trí thức người Việt ở nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Thành viên của VUSTA hiện có 77 hội khoa học và kỹ thuật ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố và gần 400 trung tâm, viện nghiên cứu, hơn 150 tờ báo, tạp chí chuyên ngành.
Từ năm 1998, VUSTA đại diện cho Việt Nam tham gia AFEO. Tháng 10/2004 đã có 19 kỹ sư Việt Nam lần đầu tiên được đăng bạ là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN. Năm 2006, Hội đồng Đăng bạ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN của Việt Nam (VAERC) chính thức thành lập dưới sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương VUSTA và đến năm 2015 đã có gần 190 kỹ sư Việt Nam đang làm việc trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông vận tải, đường thủy, tư vấn khoa học công nghệ, hàng không, được đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN. Hàng năm, VUSTA đều tổ chức các đoàn đại biểu tham dự CAFEO nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm với các kỹ sư trong và ngoài khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TSKH. Đặng Vũ Minh- Chủ tịch VUSTA chia sẻ, mục đích của đăng bạ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN là thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ kỹ sư ASEAN trong và ngoài khối; Bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của các kỹ sư; Thúc đẩy sự hình thành và thực hành chuyên nghiệp lên tiêu chuẩn cao hơn và thường xuyên kiểm tra lại; Tăng cường mối quan hệ văn hóa và năng lực giữa các thành viên kỹ sư trong ASEAN; Nâng cao sự giàu có của các nước ASEAN. Đồng thời cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan đến quá trình phát triển nghề nghiệp của kỹsư vì lợi ích của nhà tuyển dụng tiềm năng; Khuyến khích việc cập nhật liên tục về chất lượng của các kỹ sư bằng cách thiết lập, giám sát và rà soát tiêu chuẩn.
Trong việc theo đuổi những mục tiêu này, AFEO và VAERC sẽ duy trì việc đăng bạ kỹ sư với từng cá nhân, do đó các cá nhân có thể được nhận chứng nhận đăng bạ miễn là các kỹ sư đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVN SPC đã chỉ ra các quyền lợi của các Kỹ sư ASEAN, đó là thị trường lớn hơn cho hoạt động chuyên môn, triển vọng việc làm tốt hơn, mở rộng môi trường để chia sẻ kiến thức, chuyên môn và công nghệ. Đồng thời tăng khả năng kinh doanh có liên quan, mạng lưới rộng lớn hơn và liên minh chiến lược. Song song đó cũng có nhiều tiềm năng cho nghiên cứu và phát triển. Khi đã đăng bạ thành công, các kỹ sư sẽ được cấp một tài khoản cá nhân (username và password) để cập nhật thông tin cá nhân, kinh nghiệm và hồ sơ năng lực trên cơ sở dữ liệu kỹ sư trên website của AER. Cơ sở dữ liệu này sẽ có tính năng “mở” đối với các công cụ tìm kiếm trên mạng toàn cầu.
Riêng đối với Tổng công ty Điện lực miền Nam, các Kỹ sư ASEAN sẽ được đài thọ các chi phí có liên quan: Phí hồ sơ và thẩm định, Phí gia nhập AER, Phí đăng bạ… Được tạo điều kiện, cơ hội để tiếp cận, làm việc với các nước ASEAN; Được tạo điều kiện, cơ hội để tiếp cận, làm việc với các nước ASEAN; Được đài thọ toàn bộ chi phí đào tạo tiếng Anh quốc tế: Các cá nhân sau khi đăng bạ thành công, sẽ tự lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp với điều kiện công tác của mình. Sau quá trình đào tạo, nếu xuất trình các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (trình độ tối thiểu IELTS 6.0, TOEFL nội bộ ITP 600, TOEFL quốc tế iBT 78, hoặc tương đương) sẽ được EVN SPC thanh toán lại toàn bộ chi phí đào tạo, chi phí dự thi có liên quan với các hoá đơn chứng từ hợp lệ.
EVN SPC có16 trên tổng số 22 ứng viên được trao Chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN năm 2017, đây là vinh dự và tự hào lớn đối với tập thể các kỹ sư của EVN SPC. Tuy nhiên các kỹ sư cũng nhận thức được rằng: Đạt được chứng chỉ đã là khó, giữ vững, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của mình để xứng đáng với chứng chỉ được trao, việc đó còn khó khăn hơn.