Nhãn năng lượng đã được triển khai tại hơn 100 quốc gia trên thế giới và chứng tỏ được hiệu quả của mình trong quá trình thúc đẩy thiết bị hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng ra thị trường tiêu dùng cũng như tăng cường phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, dán nhãn chuẩn năng lượng chính thức được triển khai từ năm 2013. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/7/2013, theo Quyết định 51/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số sản phẩm thuộc nhóm thiết bị gia dụng đã bắt buộc thực hiện dán nhãn năng lượng khi tiêu thụ trên thị trường. Đến 1/1/2014 việc dán nhãn năng lượng bắt buộc phải được thực hiện đối với tủ lạnh, máy giặt lồng ngang và TV.
Sau hơn 1 năm triển khai dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với các chủng loại thiết bị điện, đến hết 2014, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn cho 7.289 chủng loại thiết bị điện đang lưu hành trên thị trường. Trong đó, các thiết bị gia dụng như quạt điện, tủ lạnh, điều hòa không khí, mát giặt, nồi cơm điện, TV đạt 5.991 chủng loại thiết bị.
Cũng theo thống kê, nhóm ngành hàng điện lạnh có tỷ lệ thiết bị đã đăng ký dán nhãn năng lượng nhiều nhất. Cụ thể, 1682 chủng loại quạt điện, 698 chủng loại tủ lạnh, 967 chủng loại điều hòa không khí đang tiêu thụ trên thị trường đã được dán nhãn trong năm 2014.
Hiệu quả đầu tiên của việc dán nhãn năng lượng cho thiết bị là tạo sự minh bạch về hiệu suất năng lượng của sản phẩm trên thị trường. Hiện nay, nhu cầu sử dụng thiết bị tiết kiệm điện của người dùng rất lớn. Nhờ đó, người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng thông qua thông tin hiển thị trên nhãn năng lượng khi mua các thiết bị này.
Nhãn năng lượng cũng góp phần chuyển đổi và tiến tới việc loại bỏ dần các thiết bị hiệu suất thấp. Có thể thấy rõ tác động của quy định dán nhãn năng lượng qua thay đổi thị phần của trang thiết bị sử dụng năng lượng như sản phẩm điều hòa sử dụng công nghệ biến tần (Inverter). Năm 2008, tỷ lệ sử dụng điều hòa Inverter trên thị trường nhỏ hơn 1% thì đến giữa năm 2014, thì thị phần này đã tăng lên gần 30%. Rõ hơn, bóng đèn CFL cũng đã thay thế hoàn toàn cho bóng đèn sợi đốt và các bóng đèn sợi đốt trên 60W đã hoàn toàn bị loại bỏ trên thị trường. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay, bóng đèn huỳnh quang T8 hiệu suất cao cũng đã thay thế cho bóng đèn huỳnh quang T10 hiệu suất thấp.
Ngoài việc thay đổi thói quen lựa chọn và sử dụng thiết bị của người dùng, các phương tiện, thiết bị sử dụng thuộc danh mục phải loại bỏ sẽ bị cấm sản xuất, lưu thông trên thị trường nếu hiệu suất thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định tại các tiêu chuẩn quốc gia (do Bộ KH&CN ban hành). Quyết định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Về vấn đề này, ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ KHCN và TKNL - Bộ Công Thương cho biết: 2015 là năm cuối cùng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm. Vì vậy, trong năm 2015, chương trình dán nhãn năng lượng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh triển khai, trong đó tập trung kiện toàn việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng của các thiết bị và tiêu chuẩn thử nghiệm để chứng nhận nhãn năng lượng cho các thiết bị.
Ngoài ra, việc quản lý việc thực thi nhãn năng lượng của các doanh nghiệp sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Các doanh nghiệp sẽ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm về hoạt động dán nhãn để đảm bảo hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện Bộ Công thương ban hành 2 loại nhãn tiết kiệm năng lượng như sau:
Nhãn năng lượng xác nhận (hay còn gọi là Ngôi sao năng lượng Việt): dán cho các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao (HEPS) do Bộ Công Thương quy định.
Nhãn năng lượng so sánh: là nhãn dán cho các thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng khác nhau ứng với 5 cấp hiệu suất năng lượng. Nhãn 5 sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị này so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường.
|