Gấp rút hoàn thành các công trình đảm bảo điện cho Hà Nội

Thứ tư, 8/4/2015 | 14:37 GMT+7
Thời tiết khu vực Bắc bộ đang bước vào giai đoạn chuyển mùa với những thay đổi khó để dự báo chính xác. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng đến thời tiết, thủy văn nước ta.

Công nhân Công ty Điện lực Hai Bà Trưng (Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội) kéo cáp, tăng cường cấp điện cho khách hàng trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tuy nhiên, điều thấy rõ là trong tháng 3 và tháng 4, mặc dù đã xuất hiện 2 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, nhưng do đợt không khí lạnh cuối mùa nên cường độ yếu, trời chỉ chuyển rét vào đêm và sáng. Do có những đợt gió mùa đan xen nắng nóng nên độ ẩm ở các tỉnh khu vực phía bắc, đặc biệt là Hà Nội rất cao nên sản lượng tiêu thụ điện trên địa bàn Hà Nội cao như những ngày nắng nóng, tăng trung bình trên 20%. Cùng với việc thực hiện giá điện mới, tiền điện tháng 4 sẽ xuất hiện tăng đột biến.
 
. Xuất hiện tình trạng tăng tiền điện đột biến
 
Từ 16-3, ngành Điện bắt đầu tính tiền điện cho khách hàng theo giá điện mới. Theo Cục Điều tiết Điện lực, với giá bán điện mới, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 4.800 đồng; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 9.800 đồng;
 
Biểu giá điện lần này cũng đã tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách. Theo tính toán, kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội dự kiến sẽ tăng thêm mỗi năm là 153 tỷ đồng (hiện tại khoảng 1.000 tỷ đồng).
 
Tuy nhiên, còn nguyên nhân nữa tác động làm tăng đột biến tiền điện ở nhóm khách hàng sử dụng sản lượng trên mức trung bình. Đó là thời tiết chuyển giao mùa.
 
Từ giữa tháng 3, độ ẩm trong không khí tại khu vực Hà Nội dao động từ 97 đến 98% , thời tiết nồm, ẩm, mưa phùn kéo dài khiến nhu cầu sử dụng cùng lúc các thiết bị điện như bình nóng lạnh, máy sấy quần áo tăng cao khiến sản lượng tiêu thụ điện của khách hàng tăng lên. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
EVN HANOI cho biết, đặc biệt từ ngày 15-3 đến ngày 21-3 và những ngày đầu tháng 4 nhiệt độ trên 30 độ C,  nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ của nhiều gia đình, các cơ quan, doanh nghiệp tăng lên, đã khiến sản lượng điện tiêu thụ trung bình  ngày của toàn thành phố tăng trên 20%.
 
Số ngày sử dụng thực tế của kỳ hóa đơn tháng 4 là 31 ngày tăng so với tháng liền kề 3 ngày, vì tháng 2 có 28 ngày, cùng với giá bán điện thay đổi kể từ ngày 16-3 cũng là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện của các khách hàng tăng hơn so với tháng trước.
 
Nhằm công khai, minh mạch hóa trong công tác dịch vụ khách hàng, đồng thời,  để thuận tiện cho khách hàng trong việc kiểm tra, theo dõi hóa đơn tiền điện, EVN HANOI đã hướng dẫn cụ thể khách hàng cách tính tiền điện trong tháng thay đổi giá điện tại địa chỉ www.evnhanoi.com.vn. Cũng tại địa chỉ này, khách hàng có thể tra cứu hóa đơn tiền điện của gia đình mình (chỉ số, sản lượng, thành tiền…) trong mục EVN HANOI và khách hàng với user và pass là Mã khách hàng sử dụng điện, hoặc đăng ký số điện thoại để nhận tin nhắn SMS (miễn phí) tại trang Web, tại các phòng giao dịch khách hàng của các Công ty Điện lực.
 
Trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc về các vấn đề liên quan đến sử dụng điện Quý khách hàng liên hệ trực tiếp Trung tâm chăm sóc khách hàng theo số điện thoại: 1900 1288 - 04. 22222000 để được giải đáp.
 
EVN HANOI cũng khuyến cáo tới khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và đặc biệt lưu ý không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm. Để tiết kiệm chi phí tiền điện cho gia đình/ tham khảo và áp dụng. Đồng thời, tham khảo một số thông tin tư vấn như: Rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị.
 
 Lắp đặt thiết bị điện khoa học, hợp lý, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm (Sáng từ 9 giờ 30- 11 giờ 30; Tối từ 17 giờ 00- 20 giờ 00); sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được dán nhãn ngôi sao năng lượng của Bộ Công Thương; điều chỉnh nhiệt độ điều hoà ban ngày từ 25 độ C trở lên và ban đêm từ 27- 28 độ C.
 
. Gấp rút hoàn thành các công trình đảm bảo điện
 
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
EVN HANOI cho biết, nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và không để xảy ra sự cố, trong năm 2015, EVN HANOI sẽ cải tạo, nâng cấp, xây mới hơn 560 công trình điện. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 13 công trình 110kV được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó có các công trình nâng công suất trạm biến áp/máy biến áp 110kV, cải tạo khả năng tải của đường dây 110kV, cải tạo buồng phân phối 22kV… Ngoài ra, EVN HANOI đang gấp rút hoàn thiện 11 công trình 110kV khác, chủ yếu là lắp đặt bổ sung và nâng công suất máy biến áp cho các trạm 110kV. Đặc biệt là 2 công trình trọng điểm cấp điện hè 2015 được xây mới- trạm biến áp 110kV Thanh Oai và nhánh rẽ và trạm biến áp 110kV Mai Lâm. Các công trình này sẽ được hoàn thành trong quý II-2015.
 
  Đối với các công trình điện trung thế và hạ thế, các công ty điện lực trực thuộc EVN HANOI đang hoàn thiện 39 công trình ngay trong tháng 4 nhằm cung ứng đảm bảo điện trước hè cho nhân dân. Trong đó đa phần là các công trình xây mới, nâng công suất các trạm biến áp và một số công trình thay tủ hạ thế và cải tạo hệ thống lưới điện. Theo kế hoạch, trong tháng 5.2015 sẽ có thêm 15 công trình được hoàn thành.
 
Công trình thay thế MBA T2 40MVA bằng MBA 63MVA tại trạm biến áp 110kV Văn Quán do Công ty Lưới điện cao thế TP. Hà Nội làm chủ đầu tư đã được hoàn thành nghiệm thu đóng điện và đưa vào sử dụng (ngày 26.3) góp phần đáp ứng nhu cầu điện cho phụ tải ngày càng tăng cao của quận Hà Đông và các vùng lân cận. Trạm biến áp 110kV Văn Quán được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2009 với công suất ban đầu là 40MVA cấp điện chủ yếu cho quận Hà Đông, một phần cấp cho huyện Thanh Trì và huyện Thanh Oai với cấp điện áp là 22kV và 35kV. Do tình hình phát triển kinh tế của khu vực quận Hà Đông phát triển mạnh và phụ tải điện tăng lên nhanh chóng, dự kiến vào các thời điểm cao điểm nắng nóng hè 2015 các MBA trạm Văn Quán sẽ đầy và quá tải. Việc thay thế MBA T2 40MVA bằng MBA 63MVA tại trạm biến áp 110kV Văn Quán sẽ đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao của quận Hà Đông và các vùng lân cận, góp phần nâng cao độ ổn định, khả năng vận hành an toàn, tin cậy cho lưới điện Thủ đô trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
 
Do nguồn cấp điện cho Hà Nội đang phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống đường dây truyền tải lấy điện từ các nhà máy thủy điện ở phía bắc như Sơn La, Hòa Bình. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải cho Hà Nội, trước mắt là mùa hè năm 2015, Tổng Công ty Truyền tải Điện quốc gia (NPT) đã đẩy nhanh tiến độ công trình đường dây 220kV Vân Trì – Chèm và đã đóng điện ngày 6-4 vừa qua. Theo NPT, đường dây 220kV Vân Trì - Chèm có khả năng tải từ 400 - 600 MW, tương ứng khoảng 20-25% công suất của Hà Nội hiện nay, sẽ giúp cải thiện không chất lượng cấp điện trong mùa hè năm 2015. 
 
Để đảm bảo cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, các đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp các dự án điện thuộc khu vực quận Long Biên, Sơn Tây và tây Hà Nội. Phối hợp cùng với EVN HANOI hoàn thành đường dây 500kV Hiệp Hòa - Bắc Ninh 2 - Phố Nối... đảm bảo cấp điện an toàn và ổn định.
 
Thanh Mai/Icon.com.vn