Thủy điện Sơn La: Cho những dòng điện sáng

Thứ sáu, 27/2/2015 | 14:26 GMT+7
Sau gần 7 năm miệt mài chinh phục những con sóng dữ của dòng sông Đà, Nhà máy thủy điện Sơn La - “bông hoa nơi thượng nguồn Tây Bắc” - đã “kết trái” và chính thức hòa vào lưới điện quốc gia vào cuối năm 2012. Những người thợ đã hoàn thành sứ mệnh ở công trình ấy một số ở lại nhà máy vận hành công trình, số còn lại đã ngược dòng lên Thủy điện Lai Châu tiếp tục sứ mệnh chinh phục sông Đà.

 
Thành quả cho sự nỗ lực
 
Tròn 2 năm kể từ khi công trình thế kỷ đi vào vận hành, những kỹ sư, người thợ vẫn thầm lặng với công việc giữ cho nguồn điện được tải đều đặn lên hệ thống điện quốc gia. Niềm vui đã được nhân lên gấp bội khi năm 2014, công ty vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hàng Nhì.
 
Chia sẻ về kết quả này, ông Hoàng Trọng Nam - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La - cho biết, trong năm 2014, công ty đã thực hiện tốt công tác vận hành điều tiết nước hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, bảo đảm đủ nước tưới tiêu cho đồng bằng Bắc bộ trong mùa khô và thực hiện tốt công tác cắt lũ mùa mưa năm 2014. Bên cạnh đó, nguồn nước hồ chứa cũng bảo đảm đủ phục vụ phát điện trong mùa khô năm 2014. Nhờ đó, năm qua, sản lượng điện sản xuất đã đạt 8,569 tỷ kWh, vượt kế hoạch 2%. Năm 2014, công ty còn phối hợp với thủy điện Hòa Bình điều tiết cắt lũ cho hạ du sông Hồng vào mùa mưa lũ và cung cấp nước phục vụ tưới tiêu cho đồng bằng Bắc bộ hàng năm là 5 tỷ m3 nước. 100% các ca trực vận hành của nhà máy trong năm bảo đảm tiêu chí “Ca vận hành an toàn, kinh tế”, bảo đảm phương thức vận hành theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).
 
Ngoài việc cung cấp điện năng, năm 2014, công ty đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước với số tiền 1.445,6 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế 3 tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu).
 
Bên cạnh việc đóng góp ngân sách cho địa phương, việc ngăn hồ thủy điện Sơn La cũng giúp đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho vùng lòng hồ với mô hình nuôi cá trong hồ. Được triển khai thí điểm tại xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) từ năm 2010, đến nay mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sơn La đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hàng năm, nguồn thu nhập trung bình từ nuôi cá lồng tại đây lên đến hơn 4 tỷ đồng. Nhiều loại cá như cá tầm, cá chiên… phù hợp với điều kiện sống trong lòng hồ  mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân.
 
Còn nhớ, chỉ cách đây vài năm, khi công trình Thủy điện Sơn La mới bắt đầu khởi công, đường giao thông ở khu vực này hoàn toàn là đường đất. Những khúc cua tay áo trải dài theo những sườn núi khiến bất cứ tay lái nào cũng phải e dè. Tuy nhiên, từ khi Thủy điện Sơn La được khởi công đến nay, song song với việc xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng phục vụ công trình như đường, cầu… cũng được thiết kế, xây dựng. Đến nay, những con đường không chỉ có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa phục vụ công trình mà còn là điều kiện để người dân khu vực huyện Mường La giao thương, phát triển kinh tế.
 
Sẵn sàng cho Thủy điện Lai Châu
 
 

 
Sau những thành công của Thủy điện Sơn La, Công ty Thủy điện Lai Châu đã tiếp tục được EVN tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện công tác giám sát lắp đặt, đồng bộ vật tư thiết bịvà chuẩn bị nhân lực quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện Lai Châu.
 
Ông Hoàng Trọng Nam cho biết, từ rất sớm, công ty đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao, cử các kỹ sư có trình độ, kinh nghiệm giám sát lắp đặt vật tư thiết bị tại công trình Thủy điện Lai Châu. Từ năm 2013, công ty đã tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý dự án, các nhà thầu cung cấp thiết bị, các đơn vị thi công trên công trường triển khai giám sát lắp đặt các thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị quan trắc đập, thiết bị cơ khí khu vực tổ máy, thiết bị nâng hạ cầu trục… Đến nay, khoảng 30% khối lượng thiết bị đã được lắp đặt, bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ.
 
“Các đơn vị thi công trên công trường Thủy điện Lai Châu quyết tâm thi công an toàn, chất lượng, phấn đấu đưa tổ máy đầu tiên phát điện vào cuối năm 2015 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2016, vượt tiến độ trước 1 năm so với tiến độ đã phê duyệt” – ông Hoàng Trọng Nam cho hay.
 
Bên cạnh máy móc thiết bị, nguồn nhân lực cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng được công ty chú trọng. Theo đó, từ năm 2014, công ty đã tuyển 18 kỹ sư và 72 công nhân có trình độ, tay nghề từ các đơn vị đào tạo chuyên ngành. Sau khi tuyển dụng, các kỹ sư, công nhân này đang được công ty tổ chức đào tạo lại theo hai chuyên môn chính là vận hành và sửa chữa.
 
Ông Hoàng Trọng Nam chia sẻ: “chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung đào tạo lý thuyết, thực hành tại Nhà máy Thủy điện Sơn La với các giáo viên hướng dẫn là các kỹ sư có trình độ, kinh nghiệm với hệ thống thiết bị công nghệ tương đồng với nhà máy Thủy điện Lai Châu. Giai đoạn 2 là đào tạo thực tế tại công trường Nhà máy Thủy điện Lai Châu thông qua nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, biên dịch tài liệu, biên soạn các quy trình hướng dẫn lắp đặt, hướng dẫn sửa chữa, bảo dưỡng; quy trình vận hành các hệ thống công nghệ của Nhà máy Thủy điện Lai Châu và tham gia công tác tư vấn giám sát lắp đặt thực tế tại công trình… Với các chương trình đào tạo cụ thể, thiết thực, cộng với đội ngũ kỹ sư giáo viên hướng dẫn có trình độ, kinh nghiệm, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, các học viên sớm làm chủ được dây chuyền công nghệ, thực hiện công tác quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Lai Châu an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.
 
Tròn hai năm từ ngày những dòng điện đầu tiên của công trình thủy điện thế kỷ được phát thành công lên hệ thống điện quốc gia, những thế hệ trẻ đã và đang tiếp bước cha anh, nỗ lực lập nên nhiều thành tích mới. Những người đã làm nên kỳ tích ở Thủy điện Sơn La nay lại ngược sông Đà lên xây Thủy điện Lai Châu ở cuối trời Tây Bắc. Có thể hy vọng những người thợ trẻ ấy sẽ viết nên những trang sử mới, đưa công trình ở bậc thang đầu nguồn dòng sông Đà hùng vĩ sớm hòa lưới điện quốc gia, biến những dòng thác dữ thành những dòng điện sáng…
 
Nhà máy Thủy điện Sơn La có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm vận hành an toàn ổn định, liên tục cho hệ thống lưới điện quốc gia, đóng góp sản lượng điện lớn cho đất nước. Trong thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La, Công ty Thủy điện Sơn La cần chuẩn bị sẵn sàng để tiếp quản tốt Nhà máy Thủy điện Lai Châu.
 
Theo: Báo Công thương