Điều độ viên quản lý, giám sát và điều khiển, vận hành TBA 110 kV không người trực.
Thế nhưng mọi hoạt động của những điều độ viên chỉ diễn ra âm thầm, lặng lẽ như một dòng chảy tự nhiên, góp phần giữ vững dòng điện ổn định, an toàn, liên tục.
Ngày đó tôi là một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Còn nhớ lần đầu bước chân vào Trung tâm điều khiển Kon Tum, trong con mắt của một thực tập sinh, "điều độ viên" là công việc rất "có uy", chỉ vài thao tác đơn giản đã có thể điều khiển được cả một hệ thống lưới điện từ xa.
Thế nhưng mọi thứ không dừng lại ở cái nhìn của một cậu sinh viên mới ra trường, khi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về nghề điều độ viên, tôi hiểu những người làm nghề này chính là ngồi trên chiếc “ghế nóng”. Hàng ngày, một điều độ viên thực hiện những công việc như: Theo dõi tình trạng vận hành của hệ thống, nghe điện thoại, điều chỉnh điện áp, thao tác cô lập lưới điện, thao tác khôi phục, xử lý các sự cố và những bất thường trên hệ thống điện... Trước khi đưa ra một lệnh, một thao tác liên quan đến đóng, cắt nguồn điện, chúng tôi phải thực hiện rất nhiều công việc như tính toán trào lưu công suất, khả năng đáp ứng của nguồn điện, bảo vệ rơ-le, thiết bị điện, thực hiện trình tự các bước đóng, cắt… Khi gặp thời tiết cực đoan như bão lũ, ngập lụt, giông sét gây mất điện diện rộng và dồn dập, đòi hỏi điều độ viên lúc ấy phải có bản lĩnh, "tinh thần thép" với chuyên môn vững vàng, đưa ra những quyết định nhanh chóng, chính xác và kịp thời để cô lập sự cố, hạn chế tối đa thời gian mất điện của khách hàng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến ngành điện. Từ khi đưa hệ thống SCADA vào vận hành, lưới điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được nâng lên tầm cao mới, hệ thống giúp nâng cao năng lực điều hành lưới điện và tăng năng suất lao động. Trước đây, mỗi trạm biến áp (TBA) 110kV truyền thống vận hành theo chế độ 3 ca 5 kíp, yêu cầu phải có ít nhất 10 nhân viên trực và thay phiên nhau trực vận hành thiết bị. Đến nay, mô hình này đã chuyển sang vận hành không người trực. Toàn bộ thiết bị tại các TBA sẽ được điều độ viên tại Trung tâm điều khiển trực tiếp quản lý, giám sát và điều khiển, vận hành.
Hiện nay, khối lượng công việc tăng lên nhiều lần, đòi hỏi mỗi điều độ viên trong quá trình làm việc phải cẩn trọng và tư duy liên tục, tuân thủ tuyệt đối quy trình, quy phạm, thông tư nghị định, luôn nhạy bén và phản ứng nhanh, kịp thời để xử lý mọi tình huống xảy ra. Có khi trong vòng vài phút chúng tôi phải xử lý từ 5 đến 10 lệnh thao tác trên hệ thống lưới điện, đòi hỏi điều độ viên phải chăm chú lắng nghe tiếng chuông cảnh báo, nhìn màn hình điều khiển hệ thống phải phán đoán nhanh nơi xảy ra sự cố để chọn số điện thoại cần gọi. Vì chỉ cần xử lý đúng một chỗ, những nơi khác tức khắc có điện, còn sai thì có khi màn hình trải thảm “đỏ lòm” vì sự cố lan rộng… Hay khi ra mệnh lệnh cho nhân viên trực thao tác lưu động, chúng tôi không được phép lơi lỏng, không được phép sơ suất dẫn đến việc ra một mệnh lệnh không đúng dù chỉ là một lần. Vì mệnh lệnh sai đó có thể sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của đồng nghiệp - những công nhân đang thi công, tính mạng người dân hoặc làm hư hỏng tài sản của khách hàng, của Nhà nước…
Tập thể Phòng Điều độ - PC Kon Tum.
Với những đặc thù công việc đó, để trở thành một điều độ viên ngồi trên “ghế nóng” không hề đơn giản. Ngoài những yêu cầu cơ bản của một CBCNV ngành điện, chúng tôi thường nói vui, muốn làm điều độ viên thì phải có “tướng” điều độ. Sau khi được chọn “tướng”, chúng tôi phải trải qua thời gian đào tạo ít nhất là 12 tháng tại Phòng Điều độ, tìm hiểu thực tế lưới điện qua nhiều cấp kiểm tra và phải được Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung bồi huấn, kiểm tra đạt yêu cầu; cuối cùng phải qua “cửa” sát hạch, kiểm tra của EVNCPC mới được phép ngồi vào “ghế nóng” trực ca.
Trong quá trình làm việc, điều độ viên ngồi “ghế nóng” còn phải luôn nỗ lực học tập và thường xuyên được đào tạo bổ sung các kiến thức, công nghệ mới, từ đó, áp dụng nhuần nhuyễn các công nghệ, phần mềm ứng dụng mới để vận hành trung tâm điều khiển, vận hành lưới điện thông minh.
Những điều vừa kể, nghe qua trông có vẻ lớn lao, nhưng từ ngày nhập cuộc và chính thức ngồi vào “ghế nóng” điều độ viên, chúng tôi xem đó là điều bình thường. Bình thường là bởi chúng tôi vẫn làm điều đó mỗi ngày, không kể ngày thường hay ngày lễ, tết… Trung tâm điều khiển không khi nào đóng cửa, điều đó có nghĩa chúng tôi phải luân phiên nhau điều hành 24/24 giờ trong ngày, công việc ngày nào cũng thế, không có giờ kết thúc.
Ca trực lặng thầm ngày Tết.
Để làm được những điều bình thường đó, chúng tôi luôn tự hào vì có những đồng nghiệp luôn kề vai sát cánh, đặc biệt là gia đình – hậu phương vững chắc để chúng tôi an tâm công tác. Sẽ có những gánh nặng, thiệt thòi trên đôi vai của người vợ và những người con khi có chồng, có cha là điều độ viên. Nhưng trên hết, vì dòng điện an toàn, ổn định, liên tục, chúng tôi luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của gia đình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Hôm nay hay ngày mai và những ngày sau nữa, chúng tôi - những điều độ viên vẫn chăm chỉ, lặng thầm với công việc của mình. Chúng tôi tin rằng những đóng góp lặng thầm ấy sẽ góp phần giữ gìn sự an toàn, ổn định, liên tục cho dòng điện; đồng thời là nguồn cảm hứng để những tân kỹ sư ngành điện có cơ hội biết, tìm hiểu và sẵn sàng nhập cuộc trên những chiếc “ghế nóng” điều độ viên.