Giá điện khá ổn định trong giai đoạn 2005-2009 nhưng đã tăng đáng kể trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, tính theo đồng USD, mức tăng giá cộng dồn chỉ tăng 37,5%.
Trong số 13 quốc gia được được so sánh, giá điện Việt Nam chỉ cao hơn 2 nước Myanmar (3,6 cent) và Lào (7 cent). Với mức giá 7,6 cent, giá điện Việt Nam thấp hơn giá điện Trung Quốc 1,5 cent, thấp hơn giá điện Australia - một trong những quốc gia đang có giá điện đứng đầu APEC là 23,2 cent.
Một trong những nguyên nhân khiến giá điện thấp tại Việt Nam là do trợ giá gián tiếp, như kiểm soát giá nhiên liệu (ví dụ như than đá và khí đốt). Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trợ giá cho các nhiên liệu hóa thạch đã đạt 2,93 tỷ USD năm 2012 (2,8% GDP của Việt Nam).
Tình trạng trợ giá tương tự cũng diễn ra tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan nơi giá điện cũng hiện đang được trợ giá từ 25-40% (theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ).
Dự báo về giá điện trong thời gian tới
Tháng 12/2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2165/2013/QD-TTg chấp thuận khung giá điện giai đoạn 2013-2015 ở mức 1.437-1.835 đồng/kWh. Ngày 16/03/2015, giá điện bán lẻ đã được cho phép tăng 7,5% từ 1.508 đồng lên 1.622 đồng.
Theo thông tin từ Chính phủ, đợt tăng lần này vẫn phù hợp với mức tăng trưởng GDP 6,2% và lạm phát 5% năm nay. VietCapital cho rằng giá điện vẫn còn có thể tăng đạt mức trần 1.835 đồng/kWh (tăng 13,1%), tuy nhiên điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của nền kinh tế trước khi có thêm bất kỳ thay đổi nào.
Trong tương lai, nhằm thu hút thêm vốn đầu tư vào lĩnh vực điện, Tổng sơ đồ VII cho thấy giá điện bán lẻ sẽ tăng đạt 8-9 cent/kWh vào năm 2020, tương ứng với mức tăng 18,4% trong vòng 5 năm tới, báo cáo VCSC nhận định.
Lượng điện tiêu thụ tính theo đầu người tại Việt Nam là 1.104 kWh,bằng 1/5 mức trung bình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, lượng điện tiêu thụ tại Việt Nam cao hơn Indonesia và Philippines, nhưng chỉ bằng 1/2 Thái Lan và 1/3 Malaysia.