Đến cuối năm 2013, cơ bản các dự án lưới điện đang thi công và khởi công trong năm và năm 2014 đã được EVN NPT thu xếp đủ vốn vay. Ảnh minh họa: Ngọc Hà
Tạo điểm nhấn về thu xếp vốn
Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh khẳng định, năm 2013, EVNNPT đã có bước đột phá do truyền tải an toàn gần 111,9 tỷ kWh, tăng 8% so với năm 2012 và đặc biệt nỗ lực trong đầu tư xây dựng các dự án truyền tải. Đánh giá vai trò quan trọng của hệ thống truyền tải trong hệ thống điện quốc gia, đảm bảo truyền tải hết công suất các nhà máy điện và cấp đủ điện cho các trạm biến áp (TBA) phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ông Thanh cho rằng “có thể hy sinh nguồn điện nhưng vẫn phải tập trung cho các dự án truyền tải”.
Quả đúng như vậy, công tác thu xếp vốn, đặc biệt là vốn vay nước ngoài được TCT xác định là yếu tố quyết định trong việc đảm bảo mục tiêu đầu tư hiện nay và cho tương lai. Với con số khá ấn tượng là 19.082 tỷ đồng vốn được thu xếp trong năm qua để thực hiện 81 dự án; trong đó 13.404 tỷ đồng là vốn trong nước, còn lại là vốn nước ngoài, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc EVNNPT đã minh chứng cho những nỗ lực của TCT trong điều kiện thu xếp vốn không mấy thuận lợi. Nỗ lực này đã tạo điều kiện cho TCT hoàn thành đóng điện 39 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng dung lượng TBA tăng thêm hơn 5.000MVA. Đồng thời, khởi công 37 công trình lưới điện từ 110-500kV. Tổng chiều dài đường dây xây mới và cải tạo nâng cấp gần 900km. Tổng giá trị đầu tư cho hệ thống truyền tải cả năm cũng đạt mức kỷ lục: 16.440 tỷ đồng, tăng 39,1% so với năm trước.
Không những thế, “đến cuối năm 2013, cơ bản các dự án lưới điện đang thi công và khởi công trong năm và năm 2014, TCT đã thu xếp đủ vốn vay; trong đó, năm 2014 là năm được đánh giá có số lượng và khối lượng đầu tư lớn nhất từ trước đến nay với việc hoàn thành và đưa vào vận hành 65 dự án. Đồng thời hoàn thành các thủ tục để khởi công 58 dự án”, ông Hùng cho biết.
TCT cũng đang hoàn thiện các thủ tục để thu xếp và ký kết 880 triệu USD và 105 triệu EUR nguồn vốn vay ODA từ các tổ chức tài chính ADB, WB, JICA và KfW để đầu tư nâng cao hiệu quả truyền tải cũng như liên kết lưới điện khu vực và đấu nối các nguồn điện. Ngoài ra, việc thu xếp từ các nguồn vay thương mại nước ngoài cho các dự án có nhu cầu vốn lớn, như các dự án lưới điện đồng bộ các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải và Long Phú để đảm bảo cấp điện cho miền Nam thu được nhiều kết quả khả quan.
Song song với việc thu xếp vốn cho các dự án cụ thể, TCT còn chủ động đề xuất với các Tổ chức tài chính, các cơ quan phát triển quốc tế để từng bước hỗ trợ hiện đại hoá cơ sở hạ tầng lưới điện truyền tải.
Bên cạnh cơ chế điều hành của Chính phủ hỗ trợ và sự chỉ đạo quyết liệt của EVN, những cố gắng vượt bậc trong công tác thu xếp vốn cho các dự án truyền tải phải kể đến bước đệm quan trọng là tình hình tài chính của EVNNPT hiện đã cải thiện hơn so với các năm trước. Nhờ vậy, đã hỗ trợ cho đơn vị có đủ vốn đối ứng để thực hiện các dự án cũng như giải quyết các khó khăn về vốn, đảm bảo tiến độ một số dự án cấp bách trong điều kiện chưa ký được hợp đồng vay. Mà dự án đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông là một ví dụ điển hình.
Thành quả là đảm bảo tiến độ các dự án cấp bách
Nhờ thu xếp vốn đạt hiệu quả, trong năm 2013, EVNNPT đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo các giàn tụ bù dọc trên toàn bộ tuyến đường dây 500kV Bắc – Nam từ 1000A lên 2000A. Riêng cung đoạn Nho Quan – Hà Tĩnh là 1500A nhằm tăng khả năng truyền tải điện từ Bắc vào Nam, tạo điều kiện khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng và an toàn cấp điện cho miền Nam.
Đặc biệt, TCT đưa vào vận hành các đường dây 500kV Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây - Tân Định, TBA 500kV Sông Mây; nâng công suất trạm 500kV Phú Lâm, đường dây 220kV Vĩnh Long – Trà Vinh, trạm 220kV Trà Vinh, tạo mạch vòng 500kV an toàn cấp điện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận, cũng như hoàn thành đưa lưới điện truyền tải về tỉnh cuối cùng trên địa bàn miền Nam. Mà nổi bật là hoàn thành chiến dịch 55 ngày đêm cải tạo đoạn đường dây 500kV mạch 2 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tạo điều kiện quan trọng để đưa đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông hoàn thành vào tháng 4/2014.
Bên cạnh đó, TCT còn đưa vào vận hành các dự án đường dây đấu nối thuỷ điện Bản Chát, nhiệt điện Nghi Sơn; nâng cao an toàn cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội như đường dây 220kV Sóc Sơn – Vân Trì; nâng công suất nhiều dự án để khai thác có hiệu quả các nguồn thủy điện vừa và nhỏ cũng như nâng khả năng tải của đường dây 220kV Phả Lại - Phố Nối, Phả Lại - Hải Dương…
Ngoài ra, nhiều dự án cấp bách đảm bảo tiến độ đồng bộ với các nguồn điện và nâng cao năng lực lưới điện truyền tải đã được khởi công theo đúng kế hoạch đề ra như đường dây 500kV Sơn La – Lai Châu, các dự án lưới điện 220kV đồng bộ với Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Trạm 500kV Mỹ Tho, Duyên Hải, lưới điện 220kV sau trạm 500kV Cầu Bông…
Đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông đang được khẩn trương thi công để hoàn thành vào tháng 4/2014. Ảnh: Ngọc Hà
Đồng bộ các giải pháp
Đảm bảo doanh thu và chi phí là yếu tố quyết định cho phát triển lưới điện truyền tải theo kế hoạch, tạo điều kiện từng bước cải tạo nâng cấp lưới điện hiện có và nâng cao vận hành an toàn cho hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, với giá truyền tải hiện nay, khả năng TCT tự đầu tư theo tỷ lệ 20% là không ổn. “Muốn TCT có khả năng tự đầu tư phải xem xét tăng giá truyền tải. Trong đó, cần có cơ chế đột phá đầu tư cho lưới điện truyền tải để đảm bảo tiêu chí n-1 và tiến độ đầu tư, còn bản thân TCT không thể làm được”, ông Hùng bày tỏ.
Hiện TCT đã Tờ trình số 4025/TTr-EVNNPT lên EVN để Tập đoàn này trình Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá truyền tải điện năm 2013 và giai đoạn 2014-2015 theo hướng đảm bảo doanh thu hàng năm cho TCT, phù hợp với các quy định tại Thông tư 14/2010/TT-BCT và 03/2012/TT-BCT của Bô Công Thương và lộ trình tăng giá truyền tải đến 2015 để đáp ứng các chỉ tiêu tài chính được EVN phê duyệt.
Là một trong những đơn vị đi đầu về công tác thu xếp vốn của TCT, ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) cho rằng thời gian qua, TCT đã tìm mọi cách thu xếp vốn để đầu tư thực hiện các dự án. Để chủ động trong thu xếp vốn, đảm bảo lựa chọn nguồn vốn đầu tư có hiệu quả cao, theo ông Tuyển, trên cơ sở tiến độ theo Tổng sơ đồ điện được duyệt, TCT cần xây dựng kế hoạch trung, dài hạn cụ thể để thu xếp các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn ODA. Tùy theo tiến độ của các dự án để quyết định thông qua báo cáo đầu tư hoặc duyệt dự án đầu tư, từ đó có đủ hồ sơ làm việc với các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ từ TCT đến các đơn vị thành viên liên quan đến công tác tính toán phân tích kinh tế tài chính, lựa chọn nguồn vốn và chuyên lĩnh vực thu xếp vốn ngay từ thời điểm có danh mục dự án.
AMT mặc dù là đơn vị đi đầu trong đền bù GPMB nhưng ông Tuyển cũng thừa nhận công tác đền bù luôn là khó khăn vướng mắc trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải. Về nguyên tắc, công tác đền bù GPMB là trách nhiệm của địa phương, nhưng thực tế các dự án của TCT lại không nằm trong kế hoạch của địa phương nên khó để địa phương triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư. Vì vậy, ông Tuyển đề xuất cần phải có kế hoạch đăng ký với các địa phương hàng năm để thống nhất các dự án thực hiện trong năm và những năm tiếp theo. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đền bù, cũng cần có kế hoạch, chương trình đào tạo cụ thể từ công tác kê kiểm, áp giá lên phương án bồi thường,… và phải theo đúng các chuẩn mực quy định. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, rèn luyện các kỹ năng, nhất là kỹ năng về công tác tuyên truyền vận động.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ở tất cả các khâu, hy vọng rằng với tổng nguồn vốn đầu tư 18.598 tỷ đồng sẽ không là quá khó trong năm 2014 đối với EVNNPT./.