Giải pháp đảm bảo tiến độ đầu tư các công trình lưới điện truyền tải

Thứ năm, 14/1/2021 | 10:07 GMT+7
Theo kế hoạch, trong năm 2021, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) khởi công 44 dự án truyền tải 220-500kV và đóng điện 63 dự án với tổng khối lượng đầu tư xây dựng khoảng 17.550 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
 
Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú cho biết: Tổng công ty đã thường xuyên rà soát và báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các dự án lưới điện truyền tải trọng điểm. 
 
Tiếp tục thường xuyên rà soát, báo cáo để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các dự án lưới điện truyền tải trọng điểm. Như các dự án phục vụ giải tỏa công suất NMNĐ BOT Nam Định 1, các nguồn NLTT, các dự án đảm bảo cung cấp điện (nâng khả năng tải ĐD 220kV Hưng Đông - Hà Tĩnh, Quy Nhơn - Tuy Hòa, Tuy Hòa - Phước An…).
 
Phối hợp chặt chẽ cùng Viện Năng lượng trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII để cập nhật, xây dựng quy hoạch lưới điện truyền tải phù hợp cả về danh mục, quy mô, tiến độ…đặc biệt đối với lưới điện truyền tải giải tỏa công suất nguồn NLTT.  
   
Cùng với đó, EVNNPT phê duyệt tiến độ cho từng Dự án, bám sát tiến độ theo từng tháng; Có chế tài thưởng, phạt. Quyết liệt chỉ đạo, điều hành theo các mốc tiến độ đã phê duyệt Bám sát, đôn đốc các cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng và trình duyệt. Thường xuyên làm việc với Cục Điện lực& Năng lượng tái tạo rút ngắn thời gian thẩm định. Triển khai rộng rãi công nghệ khảo sát và thiết kế 3D. Hoàn thành các tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế, hợp đồng mẫu. 
 
Trong công tác BT-GPMB, Tổng công ty tập trung triển khai ngay các thủ tục BT-GPMB (đăng ký kế hoạch sử dụng đất, đo đạc giải thửa, lập hồ sơ địa chính, thông báo thu hồi đất, thành lập hội đồng đền bù...) ngay sau khi dự án đầu tư được duyệt.
 
Phối hợp chặt chẽ với địa phương đảm bảo tính chính xác của các đối tượng được bồi thường theo đúng qui định, tránh khiếu kiện kéo dài. Chủ động theo dõi chỉ đạo trong việc bồi thường phục vụ thi công và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với thực tế. Phối hợp với Tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công để xử lý những vị trí móng chưa phù hợp hoặc khó khăn về bồi thường.
 
Tổng công ty quyết liệt bám sát, đôn đốc chính quyền địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong công tác BT-GPMB. Đặc biệt đối với các dự án trọng điểm và gặp nhiều vướng mắc (các dự án ĐD 500kV mạch 3, đấu nối NMNĐ BOT; các dự án cấp điện Hà Nội và miền Nam, các dự án giải tỏa NLTT).
 
Ngoài ra, Tổng công ty chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin về dự án, chủ trương chính sách liên quan đến BT-GPMB để tạo sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân.
 
Tích cực phối hợp làm việc, bám sát chính quyền địa phương, các Bộ để giải trình, đôn đốc sớm trình Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương chuyển đổi đất rừng đối với các dự án trọng điểm của Tổng công ty. Đặc biệt đối với các dự án cấp bách giải tỏa công suất BOT Vĩnh Tân, các dự án giải tỏa công suất các nguồn thủy điện Tây Bắc, mua điện Lào.
 
Ông Phạm Lê Phú cho biết, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng, EVNNPT sẽ gặp nhiều thác thức như thủ tục điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khó khăn phức tạp, kéo dài. Có một số dự án cấp bách nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Chưa có quy hoạch tổng thể phát triển các nguồn NLTT và lưới điện truyền tải giải tỏa. Việc bổ sung quy hoạch còn lẻ tẻ, thiếu tổng thể dẫn đến EVNNPT còn bị động và không đủ thời gian để triển khai các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT.
 
Công tác thỏa thuận tuyến/địa điểm với địa phương gặp nhiều vướng mắc và chiếm khá nhiều thời gian. Một số địa phương quản lý chồng chéo quy hoạch, dẫn đến phải điều chỉnh lại tuyến và thiết kế công trình. Nhiều Dự án chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Các thoả thuận chuyên ngành như: Đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận toạ độ và độ cao tỉnh không, rà phá bom mìn, thỏa thuận giao chéo giao thông, đường sắt, thông tin liên lạc… gặp vướng mắc và thường kéo dài.
 
Thủ tục xin chủ trương và xin chuyển mục đích sử dụng rừng quy định tại Điều 41 của Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 liên quan đến nhiều Bộ, Ngành, nhiều cấp với thời gian kéo dài. Thời gian thực hiện kéo dài hàng năm. Lấy ví dụ cụ thể về vướng mắc này, Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú cho biết: Có nhiều dự án lưới điện truyền tải trọng điểm của EVNNPT đi qua rừng tự nhiên, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng  rất khó khăn, đã và sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án như: ĐD 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, các ĐD 220kV: Huội Quảng - Nghĩa Lộ - Việt Trì, Nậm Sum - Nông Cống, Nha Trang - Tháp Chàm,...
 
Chưa có quy định về đất mượn tạm thời để phục vụ thi công. Nhiều hộ dân yêu cầu đơn giá đền bù đất mượn để phục vụ thi công quá cao so với giá trị thiệt hại thực tế. Việc xác định giá đất cụ thể ở từng địa phương gặp rất nhiều khó khăn, không được sự đồng thuận của người dân vì cho rằng giá đất các địa phương ban hành chưa sát với giá thị trường. Việc các chủ đầu tư tư nhân triển khai các dự án lưới điện truyền tải với giá đền bù theo thỏa thuận, không theo chế độ chính sách của nhà nước đã ảnh hưởng rất lớn đến EVNNPT. Khó khăn và kéo dài trong công tác định giá và lập phương án đền bù; Việc quản lý đất đai còn một số hạn chế, bất cập dẫn đến tranh chấp, khiếu nại. Việc lập và bổ sung quy hoạch đất đai còn chưa cụ thể, chi tiết dẫn đến chồng lấn các quy hoạch khác. Một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong khâu BTGPMB cho lưới truyền tải điện. Tiến độ đường dây 500kV mạch 3 gặp nhiều vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng....
Kim Thái