Tin trong nước

Giải pháp vận hành hệ thống điện an toàn

Thứ hai, 27/10/2014 | 09:47 GMT+7
Với hơn 6,3 triệu khách hàng trên 21 tỉnh, thành phố phía Nam, từ Nam Trung bộ, đến Đồng bằng sông cửu Long; quản lý vận hành hàng vạn km đường dây truyền tải, lưới điện phân phối, trạm biến áp, công tác an toàn hệ thống điện đặt ra nhiều thách thức với Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC).


Thiệt hại từ những đồng hồ đếm điện

8 tháng đầu năm 2014, toàn EVN SPC đã kiểm tra sử dụng điện trên 1,1 triệu lượt khách hàng, phát hiện và lập 1.153 biên bản vi phạm trộm cắp điện, sản lượng điện bồi thường 4,2 triệu kWh, với tổng số tiền 12 tỷ đồng; đã xử lý thu được 1.058 vụ, điện năng bồi thường 3,71 triệu kWh, tương ứng 10,4 tỷ đồng. Các Công ty Điện lực Đồng Nai, Cà Mau, Cần Thơ có số vụ vi phạm trộm cắp điện nhiều nhất, trên 100 vụ.

Qua kiểm tra cho thấy, các thủ đoạn lấy điện trái phép đã bị phát hiện và xử lý gần đây có 245 vụ dùng thủ đoạn câu trực tiếp trước công tơ, tác động làm sai lệch đồng hồ, dùng thiết bị bên ngoài như dùng máy tạo dòng, nam châm cực mạnh gây ảnh hưởng trên hệ thống đo đếm điện.

Tình trạng sử dụng nam châm để lấy điện trái phép rất khó phát hiện vì vật chứng vi phạm dễ phi tang. Các hành vi phá chì kiểm định công tơ để điều chỉnh sai lệch hoặc thay thế bánh nhông truyền, sau đó niêm chì lại (chì giả), mức độ vi phạm đang có chiều hướng gia tăng.

EVN SPC đã thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ. Các công ty điện lực thành viên thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý, tuyên truyền ngăn ngừa trộm cắp điện đến tận người dân, trên phương tiện thông tin đại chúng về các quy định pháp luật liên quan việc xử lý trộm cắp điện.
Các đơn vị quản lý vận hành lưới điện của EVN SPC đã hoàn thành việc kiểm tra, thống kê và phân loại các vị trí nguy hiểm, mất an toàn trên lưới điện có nguy cơ gây tai nạn để có kế hoạch xử lý; ban hành quy định việc treo biển nhằm bảo đảm lưới điện an toàn, gọn, đẹp.

Giải pháp vận hành hệ thống điện an toàn

Theo Ban kiểm tra, giám sát mua bán điện EVN SPC, các đơn vị quản lý vận hành lưới điện đã chủ động xử lý để giảm thiểu và ngăn ngừa vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA), hạn chế thiệt hại và tai nạn cho người dân. Số liệu thống kê tai nạn điện xảy ra trong năm qua cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là vi phạm quy định bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, phổ biến là: lắp đặt ăng ten, biển quảng cáo, chặt cây xanh, xây dựng, cơi nới nhà ở, sử dụng phương tiện cơ giới, … trong hành lang, vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện cao áp. Đó là chưa kể đến việc vi phạm HLATLĐCA còn gây ra sự cố lưới điện, đặc biệt là đối với lưới điện đi qua khu vực cây cao su.

Trong công tác phòng chống cháy nổ, lụt bão, nhờ có sự chuẩn bị, đề phòng chu đáo, tổ chức tốt việc diễn tập nên không để xảy ra cháy nổ và khắc phục nhanh hậu quả do lũ, lốc xoáy gây ra.

Ban Kỹ thuật an toàn EVN SPC thường xuyên tổ chức rà soát sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy định, quy chế về an toàn vệ sinh lao động, phù hợp với các quy định mới của pháp luật; tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, sát hạch an toàn vệ sinh cho người lao động; công tác huấn luyện thực hành cấp cứu người bị điện giật được coi trọng ; quản lý chặt chẽ những vị trí nguy hiểm, mất an toàn trên lưới điện có nguy cơ gây tai nạn; thực hiện chương trình làm gọn, bó cáp thông tin viễn thông treo trên cột điện lực, bảo đảm vận hành an toàn lưới điện và mỹ quan đô thị; theo dõi sức khỏe, phân công lao động phù hợp với tình trạng sức khỏe của người lao động, tránh làm việc vào những giờ hoặc ngày cao điểm làm cho áp lực công việc lớn, cường độ lao động cao; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy trình, quy định về an toàn lao động; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện thường xuyên và liên tục công tác tuyên truyền về an toàn điện và bảo vệ an toàn các công trình lưới điện cao áp trong nhân dân bằng nhiều hình thức, cần ưu tiên cho những hình thức nào có sức thu hút, lôi cuốn nhiều người ở mọi tầng lớp; thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, tăng cường phát quang HLATLĐCA của các đơn vị quản lý vận hành lưới điện để phát hiện và ngăn chặn hoặc xử lý.
 
Theo: Công Thương