Tin trong nước

Giám sát dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Thứ tư, 13/4/2022 | 21:33 GMT+7
Ngày 13/4, tại Ninh Thuận, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị báo cáo giám sát 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (2016-2021).
 

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh phát biểu tham luận tại Hội nghị.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Đồng chủ trì có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh.
 
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – Nguyễn Tài Anh dự hội nghị.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ngày 14/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết số 03-NQ/TW đồng ý chủ trương dừng thực hiện Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Với căn cứ chính trị đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là quyết sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo ra bước ngoặt lớn cho sự phát triển đột phá của tỉnh Ninh Thuận.
 
Tại Nghị quyết số 31/2016/QH14, Quốc hội giao Chính phủ 3 nhóm nhiệm vụ chính, thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân và phát triển năng lượng tái tạo. Với quyết tâm cao của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận, đến nay tỉnh đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm đứng đầu của cả nước. Người dân Ninh Thuận được hưởng thành quả từ phát triển và tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên; đặc biệt chỉ số thu nhập bình quân đầu người có tốc độ tăng rất nhanh, năm 2020 gấp 1,7 lần so với 2016, chỉ kém địa phương có tốc độ tăng nhanh nhất của cả nước là Hải Phòng (1,74 lần).
 
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14, Ninh Thuận đã điều chỉnh chiến lược từ tập trung vào phát triển 2 nhà máy điện hạt nhân sang phát triển năng lượng tái tạo, trong đó tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời và dự án động lực thay thế nhà máy điện hạt nhân phù hợp với định hướng Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Qua 5 năm triển khai, tình hình kinh tế - xã hội của Ninh Thuận duy trì ổn định và tăng trưởng khá, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. 
 
Tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết: Sau khi  Nghị quyết 31/2016/QH14 được ban hành, EVN đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan  thực hiện thủ tục pháp lý để dừng việc lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi của 2 dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. EVN đã làm việc với các đối tác nước ngoài để chấm dứt và thực hiện các thủ tục thanh toán theo đúng quy định của hợp đồng.
 
Về thông tin tuyên truyền, EVN đã đăng tải thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trên trang web của Tập đoàn. Đăng tải tin, bài để tuyên truyền nội dung chủ trương dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với các thông tin về điều kiện kinh tế của nước ta, các giải pháp để đảm bảo cung cấp điện đến 2030, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đã có... để không ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện. EVN đã thực hiện các công tác xử lý các vấn đề liên quan đến các dự án thành phần được giao làm chủ đầu tư trên cơ sở kịp thời xử lý, giảm thiểu các rủi ro và chi phí phát sinh. 
 
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cũng nêu một số khó khăn vướng mắc khi dừng thực hiện đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết số 31/2016/QH14 đồng thời đề xuất kiến nghị một số nội dung để Quốc hội, Chính phủ kịp thời tháo gỡ cùng EVN.
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá toàn diện, làm rõ những thành tựu đã đạt được và nêu bật những kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội. Các đại biểu cũng đề xuất phương hướng, kế hoạch, nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trọng tâm là những nội dung chính sách, pháp luật thuộc thẩm quyền của từng cấp. Trong đó, lưu ý đến các vấn đề về quy hoạch, chuyển đổi sinh kế cho người dân, an sinh xã hội, phát triển năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả.
Kim Thái