Diễn đàn năng lượng

Năng lượng mặt trời giúp phát triển bền vững

Thứ ba, 28/10/2014 | 15:20 GMT+7
Đến năm 2020, nhu cầu về Năng lượng tăng gấp đôi trên toàn cầu nhưng cũng đòi hỏi giảm một nửa lượng khí thải CO2 để bảo vệ môi trường. Bài toán khó giữa năng lượng để phát triển và cải thiện môi trường sống chỉ có thể được giải quyết một phần nhờ vào các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…
Ông Đỗ Mạnh Dũng – Giám đốc Kinh doanh, khối các giải pháp Quản lý Năng lượng (QLNL), công ty Schneider Electric Việt Nam, về tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Đỗ Mạnh Dũng – Giám đốc Kinh doanh, khối các giải pháp Quản lý Năng lượng (QLNL), công ty Schneider Electric Việt Nam, về tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
 
PV: Schneider Electric đánh giá như thế nào về nguồn năng lượng mặt trời tại Việt Nam hiện nay? Hiện có dự án điện mặt trời nào đã chính thức đi vào hoạt động?
 
Ông Đỗ Mạnh Dũng: Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… Riêng điện mặt trời, chúng ta may mắn có vị trí thuận lợi nằm gần xích đạo, nhờ vậy Việt Nam là một trong những quốc gia có thuộc nhóm nhận bức xạ nhiệt mặt trời nhiều nhất trên bản đồ bức xạ thế giới.
 
Sản xuất điện từ năng lượng mặt trời đang dần phổ biến trên thế giới vì nguồn năng lượng này có nhiều ưu điểm xanh, sạch, mức chi phí đầu tư ngày càng hợp lý hơn khi sự phát triển của công nghệ mang đến những thiết bị có giá thành rẻ, đồng thời trong bối cảnh các nguồn năng lượng hoá thạch ngày càng biến động mạnh. Tại Việt Nam, nguồn năng lượng này có thể sản xuất quanh năm, với điện mặt trời xấp xỉ 1800 kWh/m2/năm, đặc biệt nguồn năng lượng này không thải ra khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
 
Tiêu biểu trong những năm qua Schneider Electric đã triển khai thành công một số dự án điện mặt trời như hệ thống điện mặt trời công suất 44 kWp trên tầng tháp khu văn phòng của nhà máy XP Power tại Bình Dương, dự án điện mặt trời cho Pepsico Bắc Ninh với 150kWp hay hệ thống điện mặt trời thương mại công suất 212kWp lớn nhất Việt Nam được lắp đặt trên mái bãi đỗ xe của siêu thị Big C Dĩ An – Bình Dương. Tại dự án Big C – Dĩ An, Bình Dương, ước tính mỗi năm lượng điện năng sản xuất đạt 230MWh (tương đương 7% tổng lượng điện tiêu thụ của trung tâm thương mại), giảm phát thải 150 tấn CO2/năm. Với dự án này cùng với các công nghệ xanh khác được áp dụng cũng như phong trào tiết kiệm điện trong đội ngũ nhân viên, Big C Dĩ An sẽ tiết kiệm được trung bình 30% điện năng tiêu thụ so với các trung tâm thương mại thông thường, thời gian thu hồi vốn trong tối thiểu từ 5- 10 năm. Hiện tại không chỉ các nhà máy hay TTTM mà ngay cả các tòa nhà văn phòng, cao ốc căn hộ cũng quan tâm và ứng dụng các giải pháp về năng lượng mặt trời với quy mô đa dạng, khác biệt.
 
PV: Việc ứng dụng năng lượng mặt trời sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?
 
Ông Đỗ Mạnh Dũng: Dự kiến tới năm 2050, nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sẽ tăng 50% và tạo ra một khoảng cách lớn về cân bằng cung - cầu điện. Cũng theo dự báo, đến năm 2050 nhu cầu về năng lượng ở VN sẽ tăng lên 15 lần. Từ thực tế này, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển năng lượng Việt Nam với đầy đủ các mục tiêu như đảm bảo phát triển năng lượng bền, đạt mức tiết kiệm 5% - 8% trong tổng lượng tiêu thụ năng lượng quốc gia tới năm 2015, đặt biệt nhấn mạnh ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
 
Để đảm bảo những mục tiêu đó, chúng tôi đã và đang góp sức cùng với các cơ quan bộ ngành trong việc tư vấn các giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả, các dự án ứng dụng năng lượng điện mặt trời ở quy mô lớn. Nếu thực hiện nghiêm túc và tích cực, hiệu quả các các dự án năng lượng mặt trời sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế và đảm bảo môi trường sống, an sinh xã hội. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng, đến năm 2050 Việt Nam là quốc gia đảm bảo năng lượng cho phát triển và đời sống.
 
PV: Là chuyên gia toàn cầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã có nỗ lực gì để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng tại Việt Nam?
 
Ông Đỗ Mạnh Dũng: Bên cạnh việc tư vấn và triển khai các giải pháp điện mặt trời cho doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án cụ thể, chúng tôi còn tích cực phối hợp với các bộ ngành trong công tác nâng cao nhận thức người dân về quản lý và sử dụng năng lượng hiệu quả. Gần đây nhất, chúng tôi đã phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo và Triển lãm Quốc tế Trải nghiệm Năng lượng Xanh và hiệu quả (XEE) tại TP HCM (2013) và Hà Nội (2014).
 
Bên cạnh đó, chúng tôi còn hợp tác và tài trợ chuyên gia, thiết bị cho phòng thí nghiệm năng lượng tại các trường Đại học tại Việt Nam như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, Đại học Cần Thơ… các phòng thí nghiệm này không chỉ cung cấp cơ hội tốt hơn trong thực hành cho sinh viên chuyên ngành năng lượng mà còn giúp họ có những trải nghiệm thực tế từ khi còn ngồi tại giảng đường. Bên cạnh đó chúng tôi cũng giới thiệu các khóa học về Quản lý năng lượng trực tuyến hoàn toàn miễn phí cho mọi người hoặc giới thiệu cuộc thi ý tưởng/giải pháp năng lượng Go Green in the City quy mô toàn cầu dành cho sinh viên chuyên ngành. Riêng tại cuộc thi Go Green in the City 2014 vừa diễn ra, đội Việt Nam đã vượt qua hơn 100 quốc gia để dành giải ba chung cuộc toàn cầu cho ý tưởng “Ngân hàng Năng lượng”.
 
Với những nỗ lực đó của mình, chúng tôi mong muốn Việt Nam trong tương lai có một đội ngũ chuyên gia năng lượng, có kiến thức bài bản để vận hành các cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại, giúp đảm bảo phát triển bền vững.
 
Theo: Petrotimes